Hào khí đại thắng mùa Xuân 1975 tiếp lửa cho Hà Giang hôm nay
Trong suốt chiều dài lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước với đỉnh cao chói lọi đại thắng mùa Xuân năm 1975 là một trong những trang sử hào hùng, oanh liệt và vẻ vang nhất. Trong cuộc trường chinh vĩ đại ấy, quân và dân Hà Giang dù còn nhiều khó khăn nhưng luôn một lòng hướng về tiền tuyến, kiên trung đóng vai trò hậu phương vững chắc, góp phần vào thắng lợi lớn của toàn dân tộc.
Từ năm 1974, cục diện chiến trường miền Nam đã thay đổi mạnh mẽ có lợi cho cách mạng, đặc biệt sau chiến dịch Đường 14 - Phước Long, cho thấy sự suy sụp không thể cứu vãn của chính quyền Sài Gòn. Nắm bắt thời cơ chiến lược, Bộ Chính trị đã kịp thời đề ra kế hoạch tổng tiến công và nổi dậy giải phóng hoàn toàn miền Nam trong năm 1975. Dưới khí thế sục sôi ấy, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 lần lượt giành thắng lợi vang dội qua các chiến dịch Tây Nguyên, Trị Thiên – Huế, Đà Nẵng, tiến thẳng vào sào huyệt cuối cùng của địch với tinh thần chỉ đạo “thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng”, đập tan lực lượng phòng thủ và các cơ quan đầu não của địch, buộc chính quyền Sài Gòn phải đầu hàng vô điều kiện. Ngày 30.4.1975, Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, chính quyền Sài Gòn sụp đổ, đất nước vỡ òa trong niềm vui Bắc – Nam sum họp. Đại thắng mùa Xuân năm 1975 kết thúc 21 năm kháng chiến chống Mỹ trường kỳ và mở ra một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, cùng nhau xây dựng Chủ nghĩa xã hội.

Các cựu chiến binh dự tọa đàm, chia sẻ về những năm tháng chiến đấu oanh liệt tại chiến trường miền Nam.
Hòa cùng khí thế cả nước hướng về miền Nam ruột thịt, Hà Giang đã phát động sâu rộng các phong trào thi đua yêu nước như “Ba sẵn sàng”, “Ba đảm đang”, “Tay cày tay súng”. Các cơ quan, đơn vị duy trì mô hình “Ngày thứ Bảy vì miền Nam ruột thịt”, vừa tăng gia sản xuất, vừa đóng góp sức người, sức của cho chiến trường. Thực hiện phương châm “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, hàng nghìn thanh niên Hà Giang hăng hái lên đường nhập ngũ. Ngay từ những đợt tuyển quân đầu tiên năm 1965, hơn 3.000 người con của Hà Giang đã khoác ba lô lên đường, mang theo khát vọng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Đặc biệt, Hà Giang đã tổ chức thành lập và huấn luyện các tiểu đoàn Lâm Đồng 1 và Lâm Đồng 2, kết nghĩa với tỉnh Lâm Đồng, trực tiếp hành quân vào chiến trường, góp phần làm nên chiến thắng lịch sử.
Bên cạnh sự chi viện về sức người, sức của, Hà Giang còn đóng vai trò then chốt trong việc bảo vệ tuyến vận chuyển chiến lược trên Quốc lộ 2C. Đây là con đường tiếp nhận viện trợ từ nước bạn Trung Quốc cho miền Bắc Việt Nam, chính vì vậy, từ năm 1965, Hà Giang trở thành mục tiêu đánh phá ác liệt của không quân Mỹ. Cầu Vĩnh Tuy, tuyến giao thông huyết mạch bị máy bay Mỹ nhiều lần ném bom phá hoại, gây tổn thất nặng nề. Tuy nhiên, những đòn tấn công ấy chỉ càng thổi bùng lên ngọn lửa căm thù và ý chí chiến đấu của quân và dân Hà Giang. Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh và sự chỉ đạo của Bộ Công an, lực lượng Công an Hà Giang đã nhanh chóng củng cố tổ chức, đẩy mạnh công tác bảo vệ trị an, phối hợp với quân sự tỉnh lập kế hoạch tác chiến phòng không, sơ tán, bảo vệ các cơ quan, kho tàng, cơ sở kinh tế trọng yếu. Công an Hà Giang còn kiên cường đấu tranh với các hoạt động gián điệp, biệt kích do Mỹ cài cắm, như vụ phát hiện và bắt giữ toán biệt kích 7 tên tại xã Việt Vinh (Bắc Quang) năm 1967. Bằng những chiến công thầm lặng nhưng xuất sắc, Công an Hà Giang đã góp phần giữ vững an ninh chính trị, bảo vệ an toàn tuyến vận chuyển chiến lược, tiếp sức cho tiền tuyến lớn, làm thất bại âm mưu phá hoại của kẻ thù. Nhiều cán bộ, chiến sỹ đã viết đơn tình nguyện vào Nam chiến đấu, nhiều người trong số họ đã anh dũng hy sinh, để lại tấm gương sáng ngời về lòng trung thành với Đảng, với dân tộc.

Tuyến đường cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang được xây dựng mở ra không gian phát triển mới cho vùng đất địa đầu cực Bắc Tổ quốc. Ảnh: BIỆN LUÂN
50 năm sau Đại thắng mùa Xuân 1975, ngọn lửa thiêng của tinh thần “tất cả vì miền Nam ruột thịt”, vì độc lập tự do vẫn cháy mãi trong lòng mỗi người dân Hà Giang. Truyền thống ấy tiếp tục trở thành động lực mạnh mẽ để Hà Giang vững bước trong công cuộc xây dựng và phát triển. Với tinh thần đoàn kết, chủ động, sáng tạo, năm 2024, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) đạt trên 17.731 tỷ đồng, tăng 6,05% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,91%; công nghiệp và xây dựng tăng 6,71%; dịch vụ tăng 7,3%; tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 14.200 tỷ đồng; thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn đạt 2.475 tỷ đồng; tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ đạt 19.861 tỷ đồng. Toàn tỉnh có 157 sản phẩm OCOP cấp tỉnh; 3 chương trình Mục tiêu quốc gia triển khai đồng bộ; y tế, văn hóa, giáo dục, giảm nghèo và an sinh xã hội được đặc biệt quan tâm. Hà Giang trở thành Điểm đến văn hóa hàng đầu châu Á, thu hút trên 3,2 triệu lượt du khách với tổng doanh thu du lịch đạt 8.149 tỷ đồng.
Tổng Bí thư Tô Lâm trong bài viết “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một” đã nhấn mạnh rằng: Thế hệ hôm nay hiểu rõ độc lập và thống nhất không phải là cái đích cuối cùng, mà là điểm khởi đầu cho một hành trình mới: Hành trình xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, giàu mạnh, văn minh, phát triển và trường tồn. Nếu như thế hệ cha anh đã khắc ghi chân lý “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một” bằng những hy sinh mất mát, thì thế hệ hôm nay phải biến lý tưởng đó thành động lực phát triển, thành đôi cánh vươn lên trong thời đại mới. Và với tất cả những bài học từ quá khứ, với tất cả sự đoàn kết hôm nay, Hà Giang góp sức mình cùng dân tộc viết tiếp những chương mới rực rỡ trong hành trình phát triển của đất nước.