Hào khí quê hương

Người xưa nói, Bắc Giang là 'nơi sinh ra nhiều danh thần, tụ tạo nhiều hào khí, không phải nơi đâu cũng có được'. Chao ôi, cái hào hùng, hào kiệt, cái khí phách vốn của trời đất linh thiêng hay do con người nơi này tạo thành? Nguyễn Đình Tuân, viên quan thời nhà Nguyễn đã cảm nhận vùng đất quê hương: Ngàn năm miền hội tụ/ Vạn thuở nghiệp anh hào.

Phải chăng hào khí ấy là bởi vùng đất cổ trùng điệp núi rừng có từ hàng ngàn năm, một địa thế trời đất sắp đặt, nơi phên giậu của kinh thành Thăng Long? Chính vùng đất này đã hội tụ người dân nhiều nơi đến đây để mở đất, giữ đất.

Lịch sử giữ nước đã in dấu những con người hào kiệt, khí phách nơi này. Nhà sử học, Giáo sư Vũ Ngọc Khánh thốt lên khi nhắc tới Bắc Giang: “Một hiện tượng không được gặp ở nhiều nơi”, ấy là Tù trưởng Thân Cảnh Phúc ở đầu thế kỷ XI là “ông tổ chiến tranh du kích Việt Nam” mà kẻ địch phải tôn là Thiên thần Động Giáp; là Thân Nhân Trung - vị tiến sĩ hàng đầu dưới triều Lê Thánh Tông, người đã khẳng định: “Hiền tài là nguyên khí quốc gia” - một tư tưởng tiến bộ, mới lạ lúc bấy giờ và còn nguyên giá trị cho bao đời sau; là Thân Công Tài ở thế kỷ XVII đã có tầm nhìn kinh tế để xây dựng trung tâm tỉnh Lạng Sơn thành một đô thị phồn hoa, phát triển giao thương. Người anh hùng suốt ba chục năm chống thực dân Pháp, một cuộc khởi nghĩa lâu dài vang dậy Đông Dương, chấn động cả nước Pháp đó là Hoàng Hoa Thám. Vị thủ lĩnh ấy đã lãnh đạo nghĩa quân Yên Thế, người mà chính sử gia Pháp đã phải thừa nhận: “Một người như vậy mỗi thế kỷ chỉ xuất hiện một lần mà thôi”. Người dân Kinh Bắc ai chẳng thuộc câu ca: Ba mươi năm khắp núi rừng/Danh ông Đề Thám vang lừng trời Nam.

Bắc Giang là vùng đất giàu truyền thống lịch sử hào hùng, bản sắc văn hóa. Ảnh: Anh Khoa.

Bắc Giang là vùng đất giàu truyền thống lịch sử hào hùng, bản sắc văn hóa. Ảnh: Anh Khoa.

Bao tên đất, tên làng gắn liền chiến công đi suốt chiều dài lịch sử với những Xương Giang, Cần Trạm, Phồn Xương, Sa Lý, Hoàng Vân, Kép… Hào khí quê hương còn tụ hội trên những con sông thuần Việt. Là sông Thương - chỉ nghe tên gọi đã thân thương biết bao. Ai qua đây cũng thương cũng nhớ. Con sông như chàng trai dũng mãnh chôn vùi quân giặc, sông cũng như cô gái dịu hiền: Mai đành xa sông Thương, thật thương/ Mắt nhớ một người, nước in một bóng/ Mây trôi một chiều, chim kêu một giọng/ Anh một mình náo động một mình anh. (Hoàng Nhuận Cầm).

Là sông Cầu nước chảy lơ thơ, nơi ra đời bài thơ thần Nam quốc sơn hà (Sông núi nước Nam) của danh tướng Lý Thường Kiệt được coi như bản Tuyên ngôn đầu tiên của nước ta ra đời trong cuộc kháng chiến chống giặc Tống bên phương Bắc: Nam quốc sơn hà Nam đế cư/ Tiệt nhiên định phận tại thiên thư/ Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm/ Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư (Sông núi nước Nam vua Nam ở/ Rành rành định phận ở sách trời/ Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm/ Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời).

Sông Lục Nam trong vắt, lững lờ êm ả trôi qua những núi đồi, ruộng đồng tươi tốt được ngợi ca là đẹp nhất Bắc Kỳ. Những con sông thuần Việt ấy đã chứng kiến bao nỗi buồn vui, cay đắng của người dân đất này. Rưng rức nắng cải hoa vàng nở muộn/ Mỗi đời sông như thể một đời người/ Phía con nước hạt phù sa đắp nổi/Phía đôi bờ thấp thỏm những buồn vui. Đã có nhà thơ cảm tác như thế.

Sinh ra từ đâu mà ai cũng anh hùng/ Tất cả trả lời bên một dòng sông. Nhà thơ Bế Kiến Quốc viết vậy. Ngẫm mà chí lý vô cùng. Ôi, những con sông yêu dấu, thủy chung ấy vẫn chảy trong ký ức chúng ta, đồng hành với tất cả chúng ta và các thế hệ mai sau. Chẳng thế mà: Sông vẫn chảy như ngàn xưa đã chảy/ Sông vẫn chảy như bây giờ đang chảy/ Sông vẫn chảy như ngàn sau sẽ chảy/ Dù mai sau không có cuộc đời tôi/ Những cánh buồm vẫn nối muôn nơi/ Cánh cò trắng vẫn soi mình mặt nước/ Những chiếc cầu nối đôi bờ xuôi ngược/ Dù mai sau tôi không có trong đời/ Những dòng sông vẫn chảy suốt hồn tôi (Trần Anh Trang).

Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Bắc Giang đã vượt qua muôn vàn khó khăn xây dựng quê hương trở thành một trong những địa phương tăng trưởng kinh tế cao nhất cả nước, trong đó có nhiều lĩnh vực đứng trong tốp đầu. Thành tựu ấy, thắng lợi ấy cũng là nhờ chúng ta biết phát huy hào khí bồi đắp từ ngàn xưa lại được dẫn dắt soi đường dưới ánh sáng của Đảng và sự chung sức, đồng lòng, không ngừng nỗ lực vươn lên làm cho quê hương ngày càng giàu đẹp.

Hào khí trong lễ hội. Người dân tạ ơn trời đất và những danh thần, thiên thần, thánh thần đã tụ tạo nhiều hào khí cho vùng đất này, ngợi ca điều thiện, điều lành, tôn vinh thành quả lao động của con người. Hào khí còn ở truyền thống hiếu học. Bắc Giang có nhiều làng khoa bảng, những 27 làng tiến sĩ, 46 vị tiến sĩ dưới thời phong kiến. Nhiều vị làm dạng danh đất nước, quê hương. Ví như Giáp Hải - người đã từng đứng đầu sáu bộ, làm vẻ vang đất nước khi đi sứ phương Bắc. Như Thân Nhân Trung - Phó Soái Tao đàn nổi tiếng về thơ văn. Là các vị công thần Đào Sư Tích, Nguyễn Đình Tuân… Không có gì lạ ở vùng đất hào khí nơi đây lại từng tồn tại nhiều loại hình nghệ thuật dân gian như tuồng, chèo, quan họ, hát ví, chầu văn và cả những truyền thuyết, huyền thoại mà không phải vùng đất nào cũng có được.

Hào khí được bảo tồn, trao truyền từ thế hệ này đến thế hệ khác, từ thời đại Hùng Vương đến thời đại Hồ Chí Minh và muôn đời sau. Từ trong đổ nát chiến tranh, người dân quê ta đã vượt qua bao đau thương mất mát, khó khăn trở ngại để xây dựng cuộc sống mới. Với công cuộc đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo, nhân dân các dân tộc tỉnh nhà đã nhanh chóng thay đổi nhận thức và hành động. Vẫn sản phẩm những rau, lúa, ngô, khoai, sắn mà nay đã nhiều, đã thơm ngon, độc đáo hơn xưa nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất. Nhiều nông sản nổi tiếng đã xuất khẩu. Các khu, cụm công nghiệp hiện diện ở nhiều nơi. Người nông dân hôm nay không chỉ chăm chút cho ruộng đồng mà còn bước ra khỏi lũy tre làng vào các nhà máy, xí nghiệp, họ trở thành công nhân làm chủ máy móc, công nghệ. Những con đường trải bê tông, trải nhựa ở khắp các làng quê. Nhân dân các dân tộc tỉnh nhà đã vượt qua muôn vàn khó khăn để xây dựng quê hương trở thành một trong những địa phương tăng trưởng kinh tế dẫn đầu cả nước, trong đó nhiều lĩnh vực đứng tốp đầu. Thành tựu ấy cũng là nhờ chúng ta biết phát huy hào khí bồi đắp từ ngàn xưa lại được dẫn dắt soi đường ánh sáng của Đảng và sự chung sức, đồng lòng, không ngừng nỗ lực vươn lên của đồng bào các dân tộc tỉnh nhà, làm cho quê hương thêm giàu đẹp.

Tùy bút của Đỗ Nhật Minh

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/chinh-tri/397523/hao-khi-que-huong.html