Hào quang có trở lại với thị trường kim cương tự nhiên?

Ông Bhavesh Tank, Phó Chủ tịch một tổ chức Công đoàn về Kim cương Gujarat, cho biết 'suy thoái kinh tế' đang tàn phá ngành công nghiệp kim cương do nguồn cung quá dư thừa đã ảnh hưởng đến doanh thu.

Thị trường kim cương tự nhiên, được sử dụng trong ngành công nghiệp trang sức, đang trải qua thời kỳ suy giảm nghiêm trọng. Nguyên nhân là do người tiêu dùng có xu hướng chuyển sang lựa chọn thay thế là kim cương nhân tạo có mức giá hợp lý hơn.

Tuy nhiên, điều này có thể sắp thay đổi. Một số chuyên gia đã dự báo về sự phục hồi của thị trường kim cương tự nhiên, hiện có giá trị lên đến 83,5 tỷ USD, trong bối cảnh giá kim cương nhân tạo đã giảm quá sâu. Họ tin rằng xu hướng giảm giá của kim cương nhân tạo được sản xuất hàng loạt sẽ tạo ra một cuộc khủng hoảng về lợi nhuận đối với các nhà bán lẻ, thúc đẩy họ chuyển sang quảng bá cho kim cương tự nhiên.

Những thay đổi

Nhà phân tích về ngành kim cương Paul Zimnisky cho biết: “Chúng ta đang tiến đến một thời điểm mấu chốt, nơi lợi nhuận của các nhà bán lẻ kim cương nhân tạo thấp hơn rất nhiều so với giai đoạn 3-5 năm trước”. Chuyên gia này nhận định: “Đây có thể là chất xúc tác khiến nhu cầu đối với kim cương tự nhiên quay trở lại".

De Beers, hãng khai thác kim cương tự nhiên lớn nhất thế giới cũng ủng hộ quan điểm trên. De Beers dự kiến, thị trường kim cương nhân tạo sẽ giảm 20% từ 13 tỷ USD xuống 10 tỷ USD vào năm 2030, trong bối cảnh giá giảm mạnh khiến người tiêu dùng bắt đầu coi đây là đồ trang sức thời trang giá rẻ thay vì quý giá. Trong khi đó, De Beers ước tính thị trường trang sức được làm bằng kim cương tự nhiên của Mỹ sẽ mở rộng từ 43 tỷ USD trong năm ngoái lên 54 tỷ USD vào năm 2030.

Thị trường kim cương đã bị đảo lộn bởi sự sụt giá của kim cương nhân tạo. Giá kim cương nhân tạo hiện chỉ bằng 1/5 so với hồi năm 2016, ở mức 1.015 USD mỗi carat, theo phân tích của nhà phân tích Zimnisky. 5 viên kim cương nhân tạo hiện có giá tương đương với giá của một viên kim cương tự nhiên. Giá kim cương tự nhiên cũng giảm gần 30% xuống còn 5.000 USD/carat kể từ đầu năm 2022 – đánh dấu một trong những lần sụp đổ thị trường lớn nhất trong 25 năm qua.

Người thắng, kẻ thua

Năm 2024, doanh số bán trang sức được làm bằng kim cương nhân tạo dự kiến sẽ tăng lên 13,6 tỷ USD – tương đương 16% thị trường tổng thể, tăng 12% so với năm ngoái giữa bối cảnh sản xuất hàng loạt đã kéo giảm chi phí, theo nhà phân tích Zimnisky. Ngược lại, doanh số bán trang sức sử dụng kim cương tự nhiên (được khai thác ở các mỏ trải dài từ Botswana đến Nga) đang trên đà thu hẹp 5% xuống còn 69,9 tỷ USD, mặc dù vẫn chiếm 84% thị trường tổng thể.

Sự bùng nổ của thị trường kim cương nhân tạo đã khiến một số công ty điêu đứng, trong đó De Beers là một trong những “nạn nhân” lớn nhất. Những thách thức đối với thị trường kim cương đã thúc đẩy chủ sở hữu của De Beers là công ty khoáng sản hàng đầu thế giới Anglo American công bố kế hoạch thoái vốn De Beers trong quá trình tái cấu trúc doanh nghiệp sau khi từ chối đề nghị mua lại trị giá 39 tỷ bảng của BHP.

Theo sau De Beers về quy mô là Alrosa của Nga, đã phản ứng bằng cách đa dạng hóa. Vào tháng 6/2024, họ đã mua một mỏ vàng từ Polyus có trụ sở tại Moskva (Nga).

Ở thế đối lập, được hưởng lợi là những nhà sản xuất kim cương nhân tạo lớn nhất của Trung Quốc và Ấn Độ, cũng như người tiêu dùng đã từng không thể mua được kim cương.

Trong năm nay, các chuyên gia cho rằng bên cạnh sự cạnh tranh từ thị trường kim cương nhân tạo, thị trường kim cương tự nhiên cũng đang gặp khó khăn do sự chậm lại về chi tiêu ở Trung Quốc. Doanh thu của De Beers giảm 30% so với cùng kỳ năm trước. Giám đốc điều hành Al Cook của De Beers hồi tháng 6/2024 đã cảnh báo rằng sự phục hồi có thể chậm và sẽ chuyển động theo “hình chữ U”.

Ông Bhavesh Tank, Phó Chủ tịch một tổ chức Công đoàn về Kim cương Gujarat (Ấn Độ), cho biết “suy thoái kinh tế” đang tàn phá ngành công nghiệp kim cương do nguồn cung quá dư thừa đã ảnh hưởng đến doanh thu.

Phương Nga (Theo Financial Times)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/hao-quang-co-tro-lai-voi-thi-truong-kim-cuong-tu-nhien/341669.html