Hào quang truyền thống: Học tư duy 'truyền thông chính sách' từ cha anh

Khái niệm 'truyền thông chính sách' được sử dụng nhiều trong thời gian gần đây, nhưng tư duy, cách làm thì đã được ông cha ta vận dụng hiệu quả trong lịch sử, nhằm huy động, tập hợp cao nhất sức dân phục vụ sự nghiệp cách mạng. Một trong những dấu ấn sâu sắc của lĩnh vực này là công tác tuyên truyền, giáo dục do Trung ương Cục Miền Nam lãnh đạo, thực hiện trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Trong một số cuốn sách, tài liệu học tập do Nhà Xuất bản Tổng hợp TP Hồ Chí Minh phát hành thời gian gần đây nhằm phục vụ công tác tuyên truyền, thực hiện cơ chế, chính sách đặc thù của thành phố, đã thể hiện rõ điều này.

Trong bối cảnh cuộc kháng chiến bước vào giai đoạn cam go, khốc liệt, Trung ương Cục Miền Nam chủ trương phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm xây dựng trận địa tư tưởng chính trị vững mạnh, rộng khắp. Ngày 23-11-1961, Hội nghị Trung ương Cục Miền Nam đã quyết định thành lập Ban Tuyên huấn Trung ương Cục Miền Nam, nối tiếp nhiệm vụ của Ban Tuyên huấn Xứ ủy Nam Bộ. Cơ cấu tổ chức khoảng 150 người, chủ yếu là cán bộ ở lại chiến trường sau Hiệp định Geneva năm 1954. Đồng chí Nguyễn Văn Linh (Mười Cúc), Bí thư Trung ương Cục kiêm nhiệm Trưởng ban Tuyên huấn. Đồng chí Phan Kiệm (Năm Vân), nguyên Phó bí thư Khu ủy Sài Gòn-Chợ Lớn làm Tổ trưởng Nghiên cứu tổng hợp.

Dưới sự chỉ đạo, phân công nhiệm vụ của đồng chí Mười Cúc, Tiểu ban Tuyên truyền và Tổ Nghiên cứu tổng hợp đã chủ động nghiên cứu tình hình, đề xuất chủ trương, phương hướng, hình thức, giải pháp thực hiện công tác tuyên truyền, giáo dục tư tưởng chính trị. Đáng chú ý là chủ trương, giải pháp chấn hưng tư tưởng trong Đảng, đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục ngoài Đảng. Các tài liệu học tập được biên soạn bám sát yêu cầu nhiệm vụ, hướng tới các nhóm đối tượng cần tuyên truyền. Giai đoạn này, mặc dù địch đánh phá rất ác liệt nhưng Ban Tuyên huấn Trung ương Cục Miền Nam vẫn đề xuất, xây dựng được Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc Miền Nam, Trường Tuyên huấn Miền Nam, đào tạo cán bộ tuyên huấn cho các địa phương Nam Bộ. Ngay khóa khai giảng đầu tiên, Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc Miền Nam đã có hơn 300 học viên.

 Không gian văn hóa Hồ Chí Minh góp phần hình thành những suy nghĩ, tình cảm và niềm tin tốt đẹp trong tâm thức của học sinh. Ảnh: hcmcpv.org.vn

Không gian văn hóa Hồ Chí Minh góp phần hình thành những suy nghĩ, tình cảm và niềm tin tốt đẹp trong tâm thức của học sinh. Ảnh: hcmcpv.org.vn

Ngày nay, Khu di tích Căn cứ Trung ương Cục Miền Nam và các thiết chế liên quan đã trở thành những di sản vô giá, gắn bó sâu sắc, ảnh hưởng toàn diện đến đời sống văn hóa tinh thần của Đảng bộ, quân và dân TP Hồ Chí Minh. Thành tựu và kinh nghiệm công tác tuyên truyền, giáo dục từ thế hệ cha anh để lại cho chúng ta nhiều bài học quý, vẹn nguyên tính thời sự. Có thể nói, hiệu quả triển khai thực hiện những cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hồ Chí Minh là căn cứ quan trọng để Đảng ta điều chỉnh, bổ sung, phát triển tư duy lý luận và thực tiễn giải quyết mối quan hệ đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị trong giai đoạn mới.

Học tư duy “truyền thông chính sách” của cha anh, chúng ta cần coi trọng các hình thức, giải pháp, mô hình tuyên truyền giáo dục hướng đến các đối tượng cả trong và ngoài Đảng. Đặc biệt là tạo sự thống nhất cao về nhận thức và hành động trong các tầng lớp nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, kiều bào ở nước ngoài. Công tác tuyên truyền phải gắn liền với giáo dục-đào tạo, nâng cao trình độ lý luận chính trị để thực hiện có chất lượng, hiệu quả “xây” và “chống” trong vận hành cơ chế đặc thù...

NGUYỄN THANH TÂM

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Chính trị xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/tiep-lua-truyen-thong/hao-quang-truyen-thong-hoc-tu-duy-truyen-thong-chinh-sach-tu-cha-anh-751051