Bưởi chum là loại cây trồng truyền thống của người dân xã Hà Linh. Không ai biết loài bưởi này có trên địa bàn từ bao giờ, chỉ biết rằng từ rất lâu, quả bưởi hình chum có màu vàng ươm này đã được dâng lên bàn thờ gia tiên vào dịp tết nguyên đán.
Quả bưởi có hình na ná cái chum nên người dân trong vùng gọi là bưởi chum.
Trước đây, bưởi chum chỉ phục vụ nhu cầu của gia đình hoặc để biếu người thân dịp tết, những năm gần đây, bưởi chum trở thành mặt hàng có giá trị cao vào dịp tết.
Toàn xã có khoảng 40 hộ trồng bưởi chum, tập trung ở thôn 7 và thôn 8. Hộ trồng nhiều nhất có khoảng 10 gốc. Mỗi gốc cho thu hoạch trung bình khoảng 20 quả; với những cây lâu năm, được chăm sóc tốt có thời điểm cho thu hoạch 40 - 50 quả.
Bưởi chum khi chín có màu vàng đều đẹp mắt, trọng lượng dao động từ 2 - 3kg, có quả đạt 5kg.
Khi quả bưởi vào giai đoạn trưởng thành đến khi thu hoạch, người trồng phải dùng cọc chống đỡ để tránh gãy cành.
Bắt đầu từ những ngày sau rằm tháng Chạp, thương lái đã tìm đến vườn bưởi đặt cọc để từ 25 âm lịch bưởi sẽ được cắt dần mang ra chợ và các địa bàn ngoài xã để bán. Tùy vào trọng lượng và khuôn hình, bưởi chum được bán lẻ với giá từ 30 - 100 nghìn đồng.
Là một trong những hộ dân trồng nhiều bưởi chum nhất vùng, ông Nguyễn Đức Châu, thôn 8, xã Hà Linh cho biết: “Năm nay, bưởi được mùa, khuôn bưởi đẹp, quả to đều. Từ cách đây 1 tuần, vườn bưởi của gia đình đã được thương lái đến mua, những ngày sát tết họ sẽ đến cắt mang đi bán”.
Ngoài bưởi chum, tết năm nay, một số gia đình ở xã Hà Linh còn có sản phẩm bưởi tiến vua cung cấp cho thị trường. Bưởi tiến vua khuôn hình nhỏ hơn bưởi chum và có màu đỏ. Theo quan niệm của người dân địa phương, đây là màu mang lại may mắn cho năm mới nên được khách hàng khá ưa chuộng. Hiện nay, bưởi tiến vua được bán với giá dao động từ 30 - 80 nghìn đồng.
H.L