Hấp dẫn du lịch Đền Cao - An Lạc và núi Phượng Hoàng

2 khu du lịch cấp tỉnh mới gồm các quần thể di tích Đền Cao ở phường An Lạc và núi Phượng Hoàng ở phường Văn An (Chí Linh) đang được đầu tư bài bản để thu hút du khách.

 Lần đầu tiên cảnh trường thi xưa được tái hiện ở đền thờ Chu Văn An vào dịp kỷ niệm 650 năm ngày mất của danh nhân đã thu hút du khách

Lần đầu tiên cảnh trường thi xưa được tái hiện ở đền thờ Chu Văn An vào dịp kỷ niệm 650 năm ngày mất của danh nhân đã thu hút du khách

Địa linh, nhân kiệt

Với diện tích tự nhiên 4 km2, phường An Lạc (TP Chí Linh) có tới 99 quả đồi lớn nhỏ cao từ 15-100 m. Phía nam có dòng Nguyệt Giang êm đềm, uốn khúc, ôm ấp những cánh đồng phì nhiêu. An Lạc cũng là nơi có rừng lim trăm năm tuổi duy nhất của tỉnh Hải Dương. Quần thể di tích lịch sử văn hóa Đền Cao có 5 đền thờ được xây dựng chủ yếu theo kiến trúc thời Nguyễn. Các đền được hình thành đã hơn nghìn năm nay. Tuy quy mô của các ngôi đền không lớn nhưng đã hội tụ được linh khí của đất trời. Đền Cao nổi bật trên đỉnh núi Thiên Bồng thuộc dãy núi Voi, ẩn hiện trong không gian u tịch của rừng lim cổ, trước mặt là dòng Nguyệt Giang uốn lượn. Đền thờ trưởng nam Vương Đức Minh (Thiên Bồng Đại tướng quân Đại vương). Ngôi đền trầm mặc, uy nghi được xây dựng từ thế kỷ X (năm 981) đã chứng kiến bao thăng trầm lịch sử. Từ lâu đền Cao đã lưu truyền trong dân gian về sự linh thiêng và nhiều bí ẩn chưa thể lý giải. 4 ngôi đền còn lại, mỗi nơi mang một câu chuyện, một sự tích và nét độc đáo riêng.

Khu di tích núi Phượng Hoàng thuộc phường Văn An có cảnh quan thiên nhiên kỳ thú. Theo truyền thuyết, một ngày nọ bầu trời Chí Linh bỗng xuất hiện 72 con phượng hoàng đang tung cánh. Thấy cảnh sắc non nước hữu tình, đàn chim đã cùng đáp xuống và sau đó hóa thân thành dãy núi 72 ngọn. Núi Phượng Hoàng nổi tiếng có phong cảnh đẹp như tranh với rừng thông bát ngát, suối chảy róc rách, chim hót líu lo, nhất là 72ngọn núi như 72 con phượng hoàng đang tung cánh.

Trên núi Phượng Hoàng còn có nhiều di tích lịch sử nổi tiếng như Huyền Thiên cổ tự, Kỳ Lân cổ tự, Tinh Phi cổ tháp… Đặc biệt là quần thể di tích gắn bó mật thiết với cuộc đời thầy giáo Chu Văn An gồm đền Chu Văn An, điện Lưu Quang, Miết Trì, Giếng Son, khu lăng mộ...

Cuối năm 2019, hai quần thể di tích Đền Cao và núi Phượng Hoàng đã được UBND tỉnh công nhận là khu du lịch cấp tỉnh.

Xây dựng hạ tầng kết nối

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP Chí Linh lần thứ XXIII (2020-2025) đã xác định thương mại, dịch vụ, du lịch sẽ là mũi nhọn kinh tế của địa phương. Thành phố đang hoàn thiện Đề án "Phát triển du lịch TP Chí Linh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035", định hướng quy hoạch 4 vùng du lịch. Trong đó vùng phía nam có 2 khu du lịch mới là quần thể di tích đền Cao - An Lạc và núi Phượng Hoàng.

Từng bước hiện thực hóa các mục tiêu đã đề ra, Chí Linh đang triển khai các công trình, dự án nhằm phát triển 2 khu du lịch này. Dự án nâng cấp, tôn tạo hạ tầng du lịch chùa Huyền Thiên nằm trong khu di tích núi Phượng Hoàng với tổng kinh phí hơn 49,9 tỷ đồng đang được gấp rút triển khai. Dự án tập trung nâng cấp đường giao thông, các công trình thoát nước, kè hồ, nạo vét lòng hồ, bảo vệ, tôn tạo tài nguyên du lịch… Gần đó, dự án trùng tu, tôn tạo cụm di tích đền Gốm và đền Thủy (phường Cổ Thành) được đầu tư hơn 14 tỷ đồng từ ngân sách thành phố cũng đang hoàn thành. Công trình nhằm kết nối các điểm du lịch tâm linh, di tích lịch sử văn hóa ở Chí Linh, góp phần đa dạng hóa sản phẩm du lịch…

Liền kề và bao quanh 2 khu du lịch mới nêu trên, TP Chí Linh đã xác định và đẩy nhanh thực hiện các chương trình, dự án trọng điểm. Dự án đường tránh nối hai quốc lộ 18 và 37 đang phấn đấu thông tuyến trong tháng 6 tới. Dự án khu đô thị sinh thái Chí Linh, phường Chí Minh rộng hơn 57,4 ha, giáp quốc lộ 18 và nằm trong trục đô thị ven kênh Phao Tân - An Bài do Công ty CP Đầu tư phát triển nhà Constrexim làm chủ đầu tư đang hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật. Các dự án phát triển giao thông đối ngoại vùng ven các sông Kinh Thầy, Đông Mai. Dự án khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, kết hợp du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và du lịch tâm linh... đang kêu gọi đầu tư.

Ngoài nâng cấp cơ sở hạ tầng, Chí Linh đang từng bước hoàn thiện sản phẩm du lịch đặc trưng của địa phương để thu hút du khách. Thành phố tăng cường quảng bá, xúc tiến du lịch; quan tâm đào tạo nguồn nhân lực; hoàn thiện mô hình quản lý bền vững khu du lịch… Theo ông Hoàng Văn Dũng, Trưởng Ban Quản lý di tích TP Chí Linh, đơn vị đã tích cực tham mưu, phối hợp chặt chẽ với Ban Quản lý di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc, ngành văn hóa để kết nối tour, tuyến du lịch, nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ.

THÀNH LONG

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/du-lich/hap-dan-du-lich-den-cao---an-lac-va-nui-phuong-hoang-165041