Hấp dẫn mô hình 'Trường học nông trại' ở Tân Nguyên

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở xã Tân Nguyên – một trường học ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại huyện Yên Bình đang nỗ lực gây dựng mô hình 'trường học nông trại' giúp học sinh đã có những trải nghiệm, kiến thức về trồng trọt, chăn nuôi rất gần gũi với cuộc sống và có tinh thần trách nhiệm, hứng khởi trong học tập.

Giáo viên Trường TH&THCS xã Tân Nguyên hướng dẫn các em học sinh chăm sóc vườn rau.

Giáo viên Trường TH&THCS xã Tân Nguyên hướng dẫn các em học sinh chăm sóc vườn rau.

Tiếng trống trường vừa dứt, các em học sinh lớp 3B của Trường Tiểu học và Trung học cơ sở (TH&THCS) xã Tân Nguyên, huyện Yên Bình đã ùa ra khỏi lớp, hối hả chạy về phía vườn rau. Cô bé Bùi Như Quỳnh ra dáng lớp trưởng, tay đang cầm xẻng vun gốc cho cây cải vẫn tranh thủ phân công nhiệm vụ cho từng tổ. Thế là những luống rau cải, su hào của lớp 3B đã được tưới nước, vun gốc, bắt sâu một cách tỷ mỉ với sự tham gia của cả lớp trong thời gian 10 phút giải lao.

Em Quỳnh chia sẻ: "Từ đầu năm học, các cô giáo đã hướng dẫn chúng em cách làm đất, trồng rau, tưới cây, nhổ cỏ nên đến giờ tất cả các bạn đều biết cách trồng rồi. Cả lớp em đều rất thích vườn rau của tổ, của lớp mình lớn lên thật nhanh, thật xanh tốt”.

Có thể thấy, những trải nghiệm của các em học sinh lớp 3B chính là những kiến thức từ thực tế. Đó là mắt thấy, tai nghe, tay làm nên các em học sinh cũng dễ tiếp thu, thực hành thành thạo công việc trong không khí phấn khởi và vui vẻ.

Để học sinh có được trải nghiệm như thế, cô giáo Vũ Thị Nguyệt Hoa – Trường TH&THCS xã Tân Nguyên chia sẻ: "Khi bắt đầu triển khai mô hình, nhà trường chỉ có trên 200 m2 đất phù hợp để trồng rau, các giáo viên không có kiến thức chuyên sâu về kỹ thuật trồng trọt, nguồn cung cấp cây giống và dụng cụ làm vườn còn hạn chế vì thiếu kinh phí… Tuy nhiên, với sự quyết tâm của cán bộ, giáo viên cùng sự đồng tình ủng hộ vật chất của các bậc phụ huynh, chính quyền địa phương đã giúp trường xây dựng được mô hình nông trại. Từ đó, học sinh đã có những trải nghiệm, kiến thức về trồng trọt, chăn nuôi rất gần gũi với cuộc sống và có tinh thần trách nhiệm, hứng khởi trong học tập”.

Mô hình "Trường học nông trại" được xem là phương pháp hiệu quả khi giáo dục gắn liền với thực tiễn, đã được đánh giá phù hợp với các trường học ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và khu vực nông thôn. Từ thực tiễn đó, Trường Tiểu học và Trung học cơ sở xã Tân Nguyên – một trường học ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại huyện Yên Bình đã nỗ lực gây dựng mô hình "Trường học nông trại” để góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và rèn kỹ năng lao động cho học sinh, giúp các em hiểu và gắn bó hơn với môi trường tự nhiên.

Mô hình đang triển khai hai hoạt động chính cho học sinh là trồng trọt và chăn nuôi. Từ khoảng sân vườn, trường phân công mỗi khối, mỗi lớp phụ trách một diện tích vườn nhất định. Các em học sinh sẽ tự lên kế hoạch, xác định loại cây, con vật để nuôi trồng, chăm sóc, thu hái và hưởng thụ thành quả của mình dưới sự hướng dẫn của cô giáo chủ nhiệm.

Cô giáo Hoa cho biết thêm: "Sau mỗi giờ học tập trên lớp, những hoạt động trải nghiệm thực tế tại vườn rau đã giúp các em có thời gian giải trí, nâng cao hiểu biết và kỹ năng về cuộc sống nông nghiệp thường ngày ở gia đình. Ở trường học, các em cũng có ý thức hơn về giữ gìn vệ sinh môi trường, tích cực xây dựng khuôn viên nhà trường sạch đẹp. Và đặc biệt, trong mỗi bữa ăn của các em học sinh đã được bổ sung thêm thức ăn do chính các em làm ra”.

Theo cô giáo Hoàng Thu Phiêu – Hiệu trưởng Trường TH&THCS xã Tân Nguyên: "Trường hiện có trên 900 học sinh, trong đó 98% em là người dân tộc thiểu số, nhiều em còn chưa mạnh dạn, thiếu kỹ năng trong cuộc sống. Việc xây dựng mô hình "Trường học nông trại” gắn liền với hoạt động sản xuất nông nghiệp thực tiễn của địa phương, các giáo viên đã vận dụng hiệu quả kiến thức từ môn Sinh học, môn Công nghệ để giúp học sinh dễ dàng tiếp thu kiến thức, có trải nghiệm thực tiễn và hào hứng trong học tập…".

Có thể khẳng định, việc xây dựng mô hình học tập gắn liền với trải nghiệm thực tế cùng sự nỗ lực của toàn thể cán bộ, giáo viên, học sinh đã giúp Trường TH&THCS xã Tân Nguyên luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ các năm học. Hàng năm, tỷ lệ học sinh khá, giỏi luôn duy trì trên 43%; tỷ lệ học sinh chuyển lớp, chuyển cấp đạt 99,8%; học sinh tốt nghiệp THCS đạt 100% và luôn có học sinh tham gia, đạt giải các cuộc thi cấp tỉnh, cấp huyện”.

Đổi mới phương pháp giảng dạy, gắn lý thuyết với thực tiễn thông qua mô hình "Trường học nông trại” đã và đang mang đến cho học sinh Trường TH&THCS xã Tân Nguyên những tiết học hấp dẫn, ý nghĩa, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.

Hoài Văn

Nguồn Yên Bái: https://baoyenbai.com.vn/45/343212/hap-dan-mo-hinh-truong-hoc-nong-trai-o-tan-nguyen.aspx