Hấp lực của du lịch Nghệ An
Du khách sẽ ngạc nhiên đến sững sờ khi về Nghệ An, miền đất địa linh nhân kiệt.
Nghệ An, tỉnh rộng nhất Việt Nam gấp gần 23 lần đảo quốc Singapore; dân số xếp thứ 4 cả nước với hơn 3,3 triệu người, gấp gần 8 lần vương quốc Brunei.
Là quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh, của chí sĩ Phan Bội Châu,bNghệ An là trọng điểm du lịch của Bắc Trung bộ.
Du lịch Nghệ An không chỉ có làng Sen, làng Hoàng Trù, khu di tích mộ bà Hoàng Thị Loan (thân mẫu Bác Hồ), cửa Lò, bãi Lữ, đền thờ An Dương Vương (Cuông), đền ông Hoàng Mười, Safari Diễn Châu (duy nhất ở miền Bắc)… mà còn rất nhiều điểm đến ấn tượng, mới, lạ; trải nghiệm cả tuần cũng chưa hết.
Du khách sẽ ngạc nhiên đến sững sờ vì những bất ngờ thú vị khi về quê Bác, miền địa linh nhân kiệt, gắn liền lịch sử dân tộc.
Núi Quyết thuộc phường Trung Đô, thành phố Vinh, cạnh sông Lam và cầu Bến Thủy. Núi cao 97m; có thế Long, Ly, Quy, Phượng; được vua Quang Trung chọn làm Phượng Hoàng Trung Đô.
Chu vi thành nội 1.680m, giữa có lầu rồng ba tầng; chu vi thành ngoại 2.820m; nhìn xuống sông Lam, sông Vĩnh Doanh và kênh nhà Lê uốn lượn giữa cánh đồng Hưng Nguyên, Nam Đàn trải rộng.
Hướng Đông nhìn rõ cả hòn Ngư, hòn Mát, cận kề Nghi Xuân bát cảnh (quê hương Nguyễn Du, Hà Tĩnh). Từ chân núi, có du thuyền xuôi sông Lam đến bãi chim Hưng Hòa, len lỏi trong rừng nguyên sinh hoặc ngược dòng sông La, đến Hương Sơn, Đức Thọ…
Đường lên núi uốn lượn giữa rừng thông lộng gió. Đỉnh núi là đền thờ vua Quang Trung uy nghiêm, hoành tráng.
Vườn Thị cổ tích với 5 cây thị tổ trên 700 tuổi ở xã Nghi Thịnh, huyện Nghi Lộc. Gốc thị "bố" lớn nhất chu vi 14m, thuộc giống thị nụ, còn gọi là thị họ, trái lớn hơn cam sành. Thị “mẹ”, nhỏ hơn, thuộc giống thị hồng, trái bằng cam thường. Ba gốc thị “con” bé hơn, thuộc giống thị bần, trái bằng trứng gà ta.
Tướng quân của Lê Lợi là Lê Văn Hoan trên đường chinh phạt Chiêm Thành từng dừng chân, buộc voi và ngựa chiến dưới gốc thị.
Trong chiến tranh phá hoại miền Bắc của không quân Mỹ, vườn Thị là Bộ tư lệnh dã chiến quân khu 4. Ông Lê Minh Thưởng, năm nay 84 tuổi, chủ nhân vườn thị, hậu duệ của tướng Lê Văn Hoan; từng là cận vệ trẻ nhất của Chủ tịch Hồ Chí Minh trước năm 1969. Tháng 5 thị nở hoa để kịp hè về đãi khách.
Làng nồi đất Trù Sơn, huyện Đô Lương, có từ thế kỷ XIII, đời nhà Trần. Bàn xoay nhỏ, đạp bằng chân như máy may. Các nghệ nhân ngồi tại chỗ, dùng những bàn tay “phù thủy” biến hóa các rẻo đất sét nhuyễn thành nhiều sản phẩm độc đáo.
Đặc biệt, nồi Trù Sơn được nung thủ công chứ không xây lò. Công đoạn này đòi hỏi kinh nghiệm, từ việc xếp nồi, chất củi đến việc dùng mắt và mũi để kiểm tra chất lượng sản phẩm. Vì nhiều lý do làng nghề đang có nguy cơ ngày càng mai một.
Giáng sinh năm 2017, người dân Trù Sơn, dùng hơn 6.000 nồi đất, sáng tạo nên cây thông Noel độc đáo, được công nhận kỷ lục Việt Nam.
Năm 2018, những nồi đất vô tri lại kết thành cối xay gió, cung điện, hang đá mừng Giáng sinh khá độc đáo.
Chợ trâu bò Ú - Đại Sơn, thuộc xã Đại Sơn, huyện Đô Lương. Chợ họp 6 phiên vào các ngày 1, 6, 11, 16, 21, 26 âm lịch từ khoảng 4 giờ sáng đến trưa. Từ khuya, hàng mấy ngàn trâu, bò, ngựa; không chỉ của Việt Nam mà còn cả Lào, Campuchia, Myanmar, Thái Lan… nhộn nhịp theo người bán, người mua về trẩy hội.
Có cả những con trâu trắng, còn gọi là trâu bạc, trâu cò, trâu he bạch tạng, quý hiếm. Lạ là chúng có vẻ thân thiên, dễ dàng để người mua lẫn du khách săm soi, ngắm nghía và selfie.
Chợ là khoảng đất trống, rộng bằng mấy sân bóng đá, đen đặc trâu bò, rộn ràng đủ thứ âm thanh và cả mùi vị của loại chợ gia súc kéo lớn nhất Đông Nam Á.
Đồi chè Thanh Chương, được xem là đồi chè đẹp nhất Việt Nam với những ốc đảo mượt mà chè. Màu xanh lục của chè, màu xanh ngọc của nước nối với màu xanh trời vô tận. Đồi chè thì nhiều nơi có nhưng các đảo chè giữa bốn bề nước, soi bóng mây, tạo nên những cảnh trí ngoạn mục thì chỉ có ở huyện Thanh Chương.
Nhìn từ flycam, các đảo chè Thanh Chương tựa những chú rùa xanh khổng lồ đang trẩy hội, cùng đất trời khoe sắc. Có người ví đảo là những dấu vân tay nghịch ngợm của tạo hóa. Nét đáng yêu của đảo chè Thanh Chương là quanh năm ổn định. Mùa mưa, thi thoảng có thêm mây, ham chơi sà xuống đùa với khách.
Đồng hoa hướng dương ở xã Nghĩa Sơn, huyện Nghĩa Đàn, hơn trăm ha, rộng nhất Đông Nam Á. Loài hoa luôn quay theo hướng mặt trời này, có nguồn gốc từ Nam Mỹ, được trồng tập trung ở Nghệ An từ mấy năm nay, gắn liền với trang trại nuôi bò của tập đoàn sữa TH.
Cây hướng dương là thực phẩm chức năng có giá trị từ thân, lá, hoa đến rễ; nhất là hạt. Hầu hết các nơi trồng để tạo cảnh quan hoặc lấy hạt nhưng hướng dương ở Nghệ An được Tập đoàn TH trồng để làm thực phẩm cho bò sữa tăng năng suất. Việc mời khách vào selfie hay tổ chức “Ngày hội hoa hướng dương” vừa kết hợp du lịch, vừa quảng bá cho sản phẩm sữa TH.
Vườn quốc gia Pù Mát là khu dự trữ sinh quyển thế giới; thuộc 3 huyên Anh Sơn, Con Cuông và Tương Dương; có biên giới chung với Lào, không xa cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn, đi cánh đồng Chum ở Xiêng Khoảng, Lào.
Vườn rộng gần hơn 94.000ha rừng nguyên sinh và 86.000ha vùng đệm; có rừng đặc dụng săng lẻ (bằng lăng), sông Giăng, nhiều thác đẹp và hang động kỳ thú; các bản làng nên thơ.
Đặc biệt là bản Cò Phạt của tộc người Đan Lai với tục ngủ ngồi. Tập tục này bắt nguồn từ việc thường xuyên bị truy đuổi nên phải ngủ ngồi để sẵn sàng chiến đấu. Họ chỉ nằm khi chết.
Lươn đồng xứ Nghệ, Nghệ An có nhiều món ngon như nhút Thanh Chương, tương và bánh đa vừng Nam Đàn, mực Cửa Lò, cá mát sông Giăng, cam Xã Đoài, bánh mướt (bánh ướt) Vinh… nhưng ngon nhất phải kể là lươn. Lươn Nghệ An toàn lươn đồng, thân dài, thon nhỏ, mình dây, mỗi con chừng vài ba trăm gram trở lại.
Nhờ khí hậu và thổ nhưỡng đặc thù nên lươn Nghệ có hương vị riêng. Được chế biến thành nhiều món ngon để đời như miến, súp, cháo, om, kho, nướng, xào, lẩu, gỏi… Mỗi món có thể biến tấu thêm nhiều món khác thành buffet “kính thưa các món lươn”.
Dân ca ví dặm, di sản văn hóa phi vật thể thế giới; phổ cập từ ru con, dệt vải, trồng lúa cho đến hội hè. Hát ví thường là hát tự do, không tiết tấu khuôn nhịp, co giãn, ngẫu hứng. Âm điệu cao thấp, ngắn dài tùy thuộc ca từ bằng, trắc; ít hay nhiều từ; ngâm vịnh phổ thơ dân tộc (lục bát, song thất lục bát, lục bát biến thể...).
Ví có nhiều điệu như ví đò đưa, ví phường vải, ví phường cấy, ví phường võng, ví phường chè, ví đồng ruộng, ví trèo non, ví mục đồng, ví chuỗi, ví ghẹo, ví giận thương (giận mà thương)...
Dặm là hát nói, bằng thơ ngụ ngôn, thơ vè 5 chữ. Khác với ví, dặm có tiết tấu rõ ràng, có phách mạnh, nhẹ; có nhịp nội, ngoại. Thường bài dặm có nhiều khổ, mỗi khổ 5 câu (câu 5 điệp lại câu 4), mỗi câu 5 từ (không kể phụ âm đệm).
Cũng có những bài dặm hát một lèo, đến hàng chục hàng trăm câu, mỗi câu 6, 7 chữ. Dặm có các làn như: dặm xẩm, dặm nối, dặm vè, dặm điên, dặm của quyền, dặm kể…
Tiếng Nghệ, là phương ngữ khó nghe nhất của Việt Nam. Cách đây gần 30 năm, khi đưa cả nhà về quê, lái xe vào rửa mặt rồi chạy ra hỏi “Ba mẹ anh là người dân tộc hả? Ông bà cụ nói, tôi chẳng hiểu gì?”. “Tôi còn không hiểu nữa là anh”. Nhiều tiếng tôi phải nghĩ một lát mới hiểu.
Tôi vào Sài Gòn từ 1974. Ba mẹ tôi xa quê hơn 40 năm nhưng giọng vẫn đặc Nghệ. Không chỉ trệch âm mà còn hoàn toàn khác. Đến Nghệ, phải chịu khó học ít “phương ngữ Nghệ” để hiểu bà con nói gì.
Nghệ An còn nhiều điểm bất ngờ mà khuôn khổ bài viết không thể kể, chỉ có thể cảm nhận thực tế bằng những chuyến đi. Đất và người xứ Nghệ vẫn luôn mở rộng vòng tay, đón mời bè bạn gần xa về trải nghiệm.
Nguồn Nhà Quản Trị: http://theleader.vn/hap-luc-cua-du-lich-nghe-an-1621737735440.htm