Happy Tết 2024 - Lan tỏa bản sắc văn hóa Tết truyền thống
Từ ngày 24 - 28/01/2024 (tức từ 14 - 18 tháng Chạp năm Quý Mão), tại Khu Trung tâm Hoàng Thành Thăng Long- Hà Nội (19C đường Hoàng Diệu, Ba Đình, Hà Nội) sẽ diễn ra chương trình 'Happy Tết 2024 - Lan tỏa bản sắc văn hóa Tết truyền thống'.
Thực hiện Kế hoạch số 316/KH-UBND ngày 24/12/2023 của UBND Thành phố về việc tổ chức hoạt động phục vụ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 trên địa bàn thành phố Hà Nội; Chỉ đạo của UBND Thành phố tại Văn bản số 4253/UBND-KTN ngày 16/12/2023 về việc tổ chức chương trình “Happy Tết 2024” tại Hoàng thành Thăng Long.
Tiếp nối thành công của các kỳ tổ chức chương trình “Happy Tết” vào dịp tết Nguyên đán các năm vừa qua, để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp đối với các cơ quan ngoại giao, tổ chức quốc tế, nhân dân, du khách trong và ngoài nước, Happy Tết 2024 với chủ đề “Lan tỏa bản sắc văn hóa Tết truyền thống” là sự kết hợp độc đáo của nét truyền thống Tết Cung đình xưa với văn hóa Tết nay tạo nên không gian lan tỏa, linh thiêng và sống động. Với quy mô 3.000 - 3.500m2, được thiết kế, trang trí hoành tráng, công phu và đầy sáng tạo đã giới thiệu ngày Tết truyền thống, điểm đến du lịch, giá trị văn hóa, di sản... các vùng miền trên cả nước.
Chương trình bao gồm các không gian: “Chuyến tàu Quê hương”, “Không gian nhà Hà Nội xưa”, “Không gian Tết miền Trung”, “Không gian Tết miền Nam”, “Không gian Tết sắc màu Dân tộc”, “Không gian quảng bá ẩm thực” được sắp đặt dàn dựng cùng với các tiểu cảnh giới thiệu điểm đến du lịch nổi tiếng của Hà Nội như: cầu Long Biên, chợ Đồng Xuân, chợ hoa Mê Linh, Tây Hồ... Đặc biệt là các gian hàng mô phỏng nhà Phố Phái tái hiện phố cổ Hà Nội một thời giao thương tấp nập.
Điểm nhấn cho chuỗi trải nghiệm không khí Tết là hình ảnh Nhà ga với chuyến đi có ý nghĩa đặc biệt, đưa những người con xa quê về quê ăn tết. Xuất phát từ ga Hà Nội, “Chuyến tàu Quê hương” sẽ đưa người dân và du khách chiêm ngưỡng những vườn hoa xuân rực rỡ hương sắc bên cây cầu chứng nhân lịch sử Long Biên cổ kính. Tiếp đến “Không gian nhà Hà Nội xưa” được phục dựng từ ngôi nhà di sản 87 Mã Mây.
Tại đây, người dân cũng như du khách sẽ được tìm hiểu một gia đình người Hà Nội xưa chuẩn bị mâm cơm cúng Tết cùng người thân quây quần gói bánh chưng trong hương thơm của nước Mùi già nồng vị, ấm lòng. “Không gian Tết miền Trung” được diễn tả tại ngôi nhà vườn An Hiên Huế với thiết kế hồ sen trước nhà được xây dựng theo kiến trúc nhà vườn phong thủy xưa cùng các tiểu cảnh thể hiện đặc trưng của tết miền Trung. “Không gian Tết miền Nam” tái hiện hình ảnh ngày tết sôi động, nhộn nhịp trên chợ nổi, mang đậm dấu ấn miệt vườn, sông nước của người dân Nam Bộ. “Không gian Tết sắc màu Dân tộc” kể về câu chuyện sinh hoạt của đồng bào dân tộc ngày tết với những nghi lễ, phong tục, ẩm thực tạo nên một bức tranh Tết đa sắc màu.
Không gian quảng bá ẩm thực tết Hà Nội và các vùng miền chính là linh hồn của sự kiện, bởi ẩm thực không chỉ phản ánh văn hóa bản địa của mỗi vùng, miền mà còn chứa đựng hồn cốt văn hóa của dân tộc, quan niệm nhân sinh và những giá trị bền vững, đặc trưng riêng có của Hà Nội cũng như cả nước. Mỗi món ăn được đưa đến đều gửi gắm một câu chuyện về bản sắc, sự giao thoa hương vị cuộc sống, làm nổi bật nét riêng biệt có trong văn hóa tết Việt. Thăng Long - Hà Nội giàu có một phần quan trọng nhờ được gom góp từ văn hóa các vùng miền và ẩm thực cũng thế.
Trải qua bao thăng trầm của thời gian, nhiều món ăn nổi tiếng đã được định vị thương hiệu bằng tên các con phố, địa danh của mảnh đất như: Bánh cuốn - Thanh Trì, Xôi chè - Phú Thượng, Cốm thơm - làng Vòng, Bánh chưng - Lỗ Khê, Giò chả - Ước Lễ, phở Hà Nội... Không gian quảng bá ẩm thực tết với nhiều điểm ấn tượng thông qua câu chuyện ẩm thực thể hiện nét đẹp về món ăn ngày tết Hà Nội đặc trưng cũng như giá trị ẩm thực Việt. Từ đó du khách trong nước và quốc tế có thể cảm nhận văn hóa ẩm thực tết Việt quý giá và nét đẹp dư vị ẩm thực nổi bật từ Bắc vào Nam.
Khu gian hàng quảng bá các sản phẩm đặc sản ngày tết được thiết kế mô phỏng nhà phố Phái, chợ Đồng Xuân. Đây là nơi để các địa phương giới thiệu tiềm năng, thế mạnh, quảng bá hình ảnh, thương hiệu sản phẩm đặc trưng đến với du khách và bạn bè quốc tế.
Một số huyện Hà Nội đã đầu tư công phu, nâng tầm về tính chuyên nghiệp trong công tác quảng bá xúc tiến thương mại, du lịch địa phương, ví dụ như: huyện Ứng Hòa tổ chức trải nghiệm giã bánh dày truyền thống Vân Đình kết hợp trình diễn các công đoạn làm tăm hương của làng nghề Quảng Phú Cầu; thị xã Sơn Tây với những sản phẩm độc đáo của làng nghề sơn mài Đường Lâm và ẩm thực đặc trưng của xứ Đoài,...
Các hoạt động chính của “Happy Tết 2024”:
Lễ Khai mạc Chương trình: Từ 18h30 - 21h15, ngày 24/01/2024 tại Khu Trung tâm Hoàng Thành Thăng Long.
Lễ khai mạc sử dụng công nghệ 3D Mapping, trình diễn ánh sáng nghệ thuật mang âm hưởng văn hóa sử thi.
Không gian Di sản Diều: Với sự tham gia của Trung tâm Bảo tồn di sản Văn hóa diều Việt Nam và Câu lạc bộ diều của các huyện Thanh Oai, Đông Anh lần đầu tiên đưa những cánh diều đặc sắc nhất về tham dự trưng bày cùng Nghi lễ rước diều cổ linh thiêng và nhiều ý nghĩa.
Show diễn trang phục Tết cổ truyền: Trung tâm là chiếc áo dài kỷ lục về Rồng - chủ đề của năm 2024 sẽ được giới thiệu và biểu diễn, cùng phần trình diễn trang phục áo dài mang nét đặc trưng truyền thống riêng biệt, góp phần tôn lên vẻ đẹp thanh lịch, dịu dàng của người phụ nữ Việt Nam.
Talkshow với chủ đề “Ngày xuân kể chuyện Tết xưa” là những câu chuyện về xem tết, ăn tết, chơi tết; những trải nghiệm...
Bên cạnh đó, chương trình còn có các hoạt động bên lề như: Triển lãm ảnh, tư liệu về Tết xưa; Chương trình biểu diễn nghệ thuật: ca trù, đờn ca tài tử, đêm nhạc trẻ “Tết đong đầy”. Các hoạt động trải nghiệm văn hóa, phong tục ngày tết truyền thống: trình diễn mâm cỗ ngày Tết, gói bánh chưng, giã giò, bày mâm ngũ quả, tỉa hoa thủy tiên, hái lộc đầu năm, xin chữ, viết câu đối,… cùng nhiều trò chơi dân gian truyền thống như: nặn tò he, vẽ tranh, đập niêu, ném còn, bắt vịt…