Hassan Nasrallah, người đưa Hezbollah trỗi dậy mạnh mẽ
Ông Hassan Nasrallah, người vừa được xác nhận thiệt mạng trong một cuộc không kích của Israel vào phía nam Beirut ngày 27/9, đã đưa Hezbollah trở thành một trong những lực lượng bán quân sự hùng mạnh nhất ở Trung Đông. Cái chết của ông là một đòn giáng mạnh đối với nhóm vũ trang này.
Là một trong những thành viên sáng lập của nhóm vũ trang được thành lập cách đây bốn thập kỷ với sự hỗ trợ của Iran, ông Hassan Nasrallah bắt đầu lãnh đạo Hezbollah từ năm 1992, khi ông thay thế người tiền nhiệm Abbas Musawi làm Tổng thư ký của Hezbollah, sau khi ông này thiệt mạng trong một cuộc không kích bằng trực thăng của Israel.
Sinh ra tại Beirut vào tháng 8/1960, ông Nasrallah đã trải qua thời thơ ấu của mình dưới cái bóng của cuộc nội chiến ở Liban. Gia đình ông buộc phải chạy trốn khỏi thủ đô khi cuộc giao tranh nổ ra vào năm 1975, di chuyển xa hơn về phía nam đến một ngôi làng gần thành phố ven biển Tyre.
Một năm sau, ông Nasrallah chuyển đến Iraq để theo học tại một chủng viện Shiite, nhưng ông đã nhanh chóng bị trục xuất trong cuộc đàn áp người Hồi giáo dòng Shiite dưới chế độ của Tổng thống Iraq Saddam Hussein. Ông Nasrallah sau đó trở về Liban và trở thành học trò của ông Musawi.
Khi Israel xâm lược Liban vào năm 1982 để đáp trả các cuộc tấn công của Tổ chức Giải phóng Palestine, ông Nasrallah đã tập hợp một nhóm chiến binh để chống lại sự chiếm đóng của Israel, sau này phát triển thành Hezbollah.
Theo các báo cáo và cuộc điều tra của Israel về vụ thảm sát tại một trại tị nạn ở Beirut, lực lượng Israel đã chiếm gần một nửa lãnh thổ của Liban vào năm đó và phải chịu trách nhiệm về vụ giết hại ít nhất 17.000 người.
Sự chuyển đổi của Hezbollah
Được biết đến với những bài phát biểu đầy mạnh mẽ, nhà lãnh đạo này đã giám sát quá trình chuyển đổi của Hezbollah, từ một nhóm chiến binh hỗn tạp vào những năm 1980 thành một tổ chức đã phát động một chiến dịch phối hợp để đẩy lùi sự chiếm đóng của Israel vào năm 2000.
Nhóm chiến binh của Liban đã trở thành một lực lượng chiến đấu hùng mạnh trong khu vực dưới thời ông Nasrallah, với lực lượng chiến binh và quân dự bị được cho là lên tới 100.000 người. Không chỉ có lực lượng hùng hậu, Hezbollah cũng sở hữu kho vũ khí với nhiều chủng loại, bao gồm cả tên lửa tầm xa, tầm trung và tầm ngắn cùng máy bay không người lái.
Ông Nasrallah cũng chỉ huy một lực lượng trung thành gồm hàng trăm nghìn người Hồi giáo Shiite - ở Liban, Iraq, Syria và Yemen. Ảnh hưởng của ông trong cái gọi là trục kháng chiến được Iran hậu thuẫn đã tăng theo cấp số nhân sau khi Mỹ ám sát tướng hàng đầu của Iran Qassem Soleimani, kiến trúc sư của trục kháng chiến toàn khu vực, vào năm 2020.
Hezbollah là nhóm phi nhà nước được trang bị vũ khí mạnh mẽ nhất trong khu vực và là lực lượng chính trị thống trị nhất ở Liban, đất nước đang chìm trong khủng hoảng.
‘Liban sẽ không ngừng hỗ trợ Gaza’
Giao tranh giữa nhóm chiến binh Liban này với Israel đã leo thang sau khi Israel phát động cuộc tấn công vào dải Gaza của Palestine sau các cuộc tấn công của Hamas sang lãnh thổ Israel ngày 7/10/2023, khiến căng thẳng gia tăng trong khu vực.
Hezbollah cho biết họ đã thực hiện các cuộc tấn công vào Israel để thể hiện đoàn kết với Hamas và người Palestine sau các cuộc tấn công thảm khốc của Israel vào Gaza, khiến hơn 41.000 người thiệt mạng.
Vài ngày trước khi bị hạ sát, ông Nasrallah đã thề sẽ tiếp tục tấn công Israel cho đến khi cuộc tấn công của Israel vào Gaza kết thúc. “Tôi nói rõ ràng: bất kể phải hy sinh, hậu quả hay khả năng nào trong tương lai, thì lực lượng kháng chiến ở Liban sẽ không ngừng hỗ trợ Gaza”, ông phát biểu trong bài phát biểu vào ngày 19/9.
Nỗi lo sợ về một cuộc chiến tranh toàn diện đã lên đến đỉnh điểm vào đầu tháng này, sau khi Israel gây ra một loạt vụ nổ chết người trên khắp Liban nhằm vào các chiến binh Hezbollah. Trong số những người thiệt mạng có nhiều người là dân thường.
Kể từ đó, hàng trăm nghìn người Liban đã phải rời bỏ nhà cửa vì các cuộc tấn công của Israel. Tổng cộng, kể từ ngày 7/10, hơn 1.500 thường dân ở Liban đã thiệt mạng và hơn 200.000 người phải di tản, theo Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên hợp quốc. Các quan chức Liban ước tính số người thực sự phải di tản lên tới gần nửa triệu người.
Hàng loạt nhà lãnh đạo thế giới và những người ủng hộ nhân quyền đã lên án mạnh mẽ tình trạng bạo lực đang diễn ra tại Liban. Tổng thư ký Liên hợp quốc António Guterres mới đây đã cảnh báo rằng Liban đang phải chịu đựng giai đoạn đẫm máu nhất “trong một thế hệ” và kêu gọi Israel và Hezbollah “ngừng giết chóc và phá hủy”.