Hát bên đồng đội
Nắng hè rực rỡ chiếu những tia sáng lấp lánh qua khung cửa kính. Chiếc ô tô vẫn bon bon chạy trên con đường quê.
Trên xe, luồng khí máy lạnh mát rượi nhưng những câu chuyện của các cựu chiến binh đã qua một thời khói lửa khiến người nghe rạo rực, hừng hực khí thế như đang trên đường ra trận. Bao giờ cũng vậy, những người lính già khi gặp nhau đều hồ hởi, tay bắt mặt mừng. Cách đây mấy chục năm họ là những người đã từng ăn chung một mâm, nằm cùng chiến hào. Giờ người còn, người đã hy sinh, người mang thương tật chiến tranh... Hôm nay họ có mặt đông đủ để đi viếng nghĩa trang liệt sĩ, thăm người đồng đội đã về yên nghỉ nơi đất mẹ. Trong chuyến đi tri ân này, ngoài các cựu chiến binh còn có cả thân nhân liệt sĩ. Người mẹ già suốt một đời mòn mỏi chờ con về. Nay mẹ đã tóc bạc, da mồi, vóc dáng hao gầy, ánh mắt đượm buồn. Thời gian vô tình đã làm tất cả già đi. Chỉ riêng anh nằm lại là mãi mãi còn tuổi thanh xuân.
Anh là một phi công thuộc lớp thế hệ cha chú của tôi. Những câu chuyện chiến đấu của người phi công anh hùng ấy, tôi được nghe qua lời kể của các cựu chiến binh trong những dịp sinh hoạt truyền thống. Trên chặng đường về quê lần này, những hồi ức về anh vẫn tiếp tục được nối dài. Sau khóa đào tạo phi công tại Liên Xô, anh trở về trung đoàn không quân tiêm kích sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ chiến đấu. Khi bầu trời Tổ quốc bị xâm phạm, người phi công trẻ ấy đã bất chấp hiểm nguy, vững vàng tay lái đối đầu với lũ giặc trời. Những chuyến xuất kích đi về như ánh chớp lửa đêm đông khiến giặc thù phải khiếp sợ. Vào một ngày hè rực lửa, nhận lệnh từ sở chỉ huy, anh đã lái chiếc én bạc vút lên trời xanh hạ gục “Thần sấm” F105 hung hãn. Quầng lửa sáng bừng, anh đã hóa thân vào bầu trời Tổ quốc. Sự hy sinh của anh đã góp phần viết nên bản hùng ca bầu trời trong ngày chiến thắng. Khi chiến đấu, cánh chim bằng quả cảm ấy đã bay khắp trời Tổ quốc, giờ đây nằm lại trong khuôn viên nghĩa trang. Những ngôi mộ liệt sĩ thẳng hàng ngay ngắn như cùng về đây tập hợp thành đơn vị. Mỗi tên người là một hoàn cảnh khác nhau. Trên tấm bia mộ khắc sâu dòng tên người phi công anh hùng.
Đồng đội đứng quây quần ở bên. Mùi hương thơm tỏa bay ngan ngát làm ấm cả không gian trời chiều. Trong phút giây xúc động, tất cả cùng kính cẩn tưởng niệm. Người mẹ già mắt mờ đục lần ôm lấy mộ phần. Những dòng lệ vẫn không ngừng rơi. Đồng đội đứng kề bên đỡ mẹ ngồi xuống. Những người lính già khẽ nắm lấy đôi bàn tay chai sạn gầy guộc của mẹ như để sẻ chia nỗi đau đã hằn sâu ký ức. Thế rồi tiếng đàn ghi ta bỗng vang lên những thanh âm réo rắt. Người lính già cất giọng ca trầm đục: “Có người lính mùa thu ấy ra đi từ mái tranh nghèo/Có người lính mùa xuân ấy ra đi từ đó không về...”. Trong không gian nghĩa trang vắng lặng, những âm thanh hòa ca theo gió vang xa như để ru đồng đội yên giấc ngủ ngàn thu. Những cựu chiến binh trải qua bao sương gió cuộc đời tưởng như tâm hồn đã chai sạn thì nay trong sâu thẳm cõi lòng vẫn vút lên những lời ca mặn mòi sâu nặng nghĩa tình. Họ hát để nhớ về đồng đội, để cảm thông và chia sẻ với những nỗi đau mất mát của thân nhân gia đình đã từng trải qua. Trong không gian xúc động ấy, tôi càng hiểu hơn về tình đồng đội, thêm trân quý những người con ưu tú đã hy sinh vì độc lập, tự do của dân tộc, lòng thầm nhắc nhở mình luôn khắc sâu bài học về sự tri ân.
Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/van-hoc-nghe-thuat/hat-ben-dong-doi-605708