Hạt gạo ngày ấy...
Vừa về tới đơn vị, tôi mau miệng thưa với Chính trị viên Hồ Ngọc Năm rằng: Gạo thì nhận được nhưng toàn gạo mốc và mọt. Ông nhìn tôi với vẻ cảm thông, rồi nghiêm nét mặt bảo: 'Gạo mốc, mọt là mừng chứ sao lại chê?'. Ông giải thích: Gạo cũ có nghĩa là nguồn dự trữ của cách mạng còn dồi dào, chúng ta mừng mới phải!
1. Cuối mùa mưa năm 1971, Huyện đội K8 (An Khê) cạn kiệt nguồn lương thực vì địch ra sức lùng sục, càn quét, đánh phá; trong khi đó, cơ sở nội thị và bà con trong vùng địch tạm chiếm không thể tiếp tế và đơn vị cũng không thể về hậu cứ nhận gạo.
Một hôm, tôi và 1 đồng đội được phân công đưa 1 tổ 3 người vượt đường 19 về K2 (Kbang ngày nay) nhận gạo. Cả đơn vị phấn khởi lắm và hy vọng trong vài ngày sẽ có gạo. Đúng vậy, chỉ sau 3 ngày, tổ chúng tôi đã trở về đơn vị.
Vừa về tới đơn vị, tôi mau miệng thưa với Chính trị viên Hồ Ngọc Năm rằng: Gạo thì nhận được nhưng toàn gạo mốc và mọt. Ông nhìn tôi với vẻ cảm thông, rồi nghiêm nét mặt bảo: “Gạo mốc, mọt là mừng chứ sao lại chê?”. Ông giải thích: Gạo cũ có nghĩa là nguồn dự trữ của cách mạng còn dồi dào, chúng ta mừng mới phải!
Trong chiến tranh khó khăn đủ bề, những đơn vị vũ trang độc lập, nhỏ lẻ như đơn vị chúng tôi chịu nhiều thiệt thòi, nhưng cũng có khi lại được chu cấp khá đầy đủ từ cơ sở cách mạng trong vùng địch tạm chiếm, vùng nội thị hoặc tự phát rẫy làm nương trồng lúa hoặc tự trao đổi với đồng bào dân tộc thiểu số ở các làng.
Bù vào loại gạo kém chất lượng, Tết năm đó, chúng tôi được phép lui về vùng giải phóng K7 (Kông Chro ngày nay), được bà con các làng quanh vùng hỗ trợ khá nhiều rau, củ, quả, gà, heo. Đặc biệt, chúng tôi đánh bắt được khá nhiều cá trên sông H’Way nên bữa ăn của cán bộ, chiến sĩ được cải thiện đáng kể.
Ngày đó, rừng còn rất nhiều thú, sông còn rất nhiều cá. Xin nói thêm, bây giờ, việc săn bắt thú rừng, đánh cá bằng các loại chất nổ là vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, ngày còn chiến tranh thì được các thủ trưởng “làm ngơ” để cho cánh lính chúng tôi có thể săn bắn, đánh bắt cá bằng chất nổ khi cần cho những bữa liên hoan, chỉnh huấn và thật sự thiếu thực phẩm.
2. Ngày trước, bãi giữ xe liền kề khách sạn Vĩnh Hội, phía đường Hoàng Văn Thụ (TP. Pleiku) là cửa hàng bán lương thực cho gia đình cán bộ, công nhân viên chức và các bếp ăn tập thể của các cơ quan, trường học khu vực phía Nam thành phố. Công việc của tôi ở Văn phòng Tỉnh ủy khi ấy có tính đặc thù nên thời gian không đến nỗi khắt khe; vì thế thường được người nhà giao cho việc sắp hàng (sắp bằng sổ) để mua gạo. Đôi khi mất cả buổi mới đến lượt mình được gọi tên.
Ở cửa hàng này, cứ theo như Chính trị viên Hồ Ngọc Năm thì... lương thực dự trữ của tỉnh ngày đó khá dồi dào. Bởi, chúng tôi thường mua được gạo đã mốc, mọt, mục. Khi người nhà tỏ ý không vui về loại gạo này thì tôi lại lấy lời của thủ trưởng ngày trước để chống chế cho sự thiếu... hiểu biết về “nghệ thuật” chọn gạo mà mua của mình.
Khổ và tội nghiệp nhất cho chị em nội trợ khi mua loại gạo “được dự trữ lâu” nói trên. Khi cho gạo vào chậu và rá để vo, phía trên đen ngòm mọt nổi, phía dưới sạn cát vàng khè, đãi không giỏi thì cơm lộn sạn, vo không sạch thì mọt lộn cơm, mà nói cho đúng ra là mì độn cơm.
Mỗi cán bộ, nhân viên khối hành chính được cung cấp mỗi tháng 13 kg lương thực, nhưng có các loại củ có bột cũng được coi là lương thực nên thực tế chỉ được mua một số lượng gạo quy đổi mà thôi. Vì thế, cơ quan, đơn vị nào cũng khuyến khích mọi người tìm mọi cách để tăng gia sản xuất, có cơ quan như Văn phòng Tỉnh ủy còn có cả ruộng trồng lúa ở An Mỹ (TP. Pleiku), đất trồng lang, trồng chuối nước để bù vào chỗ lương thực thiếu hụt, nhất là trong dịp lễ, Tết có thêm phần cải thiện bữa ăn.
Kể lại vài mẩu chuyện nhỏ trong thời kỳ chiến tranh và thời bao cấp, nghèo để thấy sự phát triển vươn lên của nền kinh tế nước nhà. Đặc biệt là kể từ khi thực hiện đường lối đổi mới toàn diện do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo thì tiềm năng đất đai nông nghiệp và lao động nông thôn được khai thác; năng suất, sản lượng và chất lượng lúa gạo không những tăng lên và đảm bảo an ninh lương thực quốc gia mà còn xuất khẩu đứng vào hàng nhất nhì thế giới cả về số lượng và giá trị ngoại tệ.
Nguồn Gia Lai: http://baogialai.com.vn/channel/742/202012/hat-gao-ngay-ay-5715174/