Hạt gạo nghĩa tình!
Cùng với cả tỉnh, Tịnh Biên (An Giang) có 'ATM gạo' đầu tiên nhằm trợ giúp những người có hoàn cảnh khó khăn vượt qua ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19. Dù không còn xa lạ nhưng 'ATM gạo' này vẫn mang những giá trị rất nhân văn, thể hiện sự tương thân, tương ái của toàn xã hội đối với những mảnh đời vốn khó khăn nay lại khó khăn hơn bởi dịch bệnh Covid-19.
“ATM gạo” hình thành với sự ủng hộ của các nhà hảo tâm
Trưa. Nắng mùa hè dội sức nóng xuống vùng quê An Hảo. Những hộ dân có hoàn cảnh khó khăn của địa phương đã tập trung đông đủ tại nơi đặt chiếc máy “ATM gạo” đầu tiên của xã và cũng là đầu tiên tại huyện Tịnh Biên. Những gương mặt đen nhẻm bởi sự vất vả trong cuộc sống nay càng khắc khổ hơn bởi ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.
Sau lễ khai trương, “ATM gạo” chính thức vận hành. Những hạt gạo từ bên trong chảy đều vào chiếc túi ny-lon trong sự hân hoan, vui sướng của người được nhận. Với những hộ nghèo, cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn ở xã có đông đồng bào dân tộc thiểu số Khmer sinh sống này, những phần gạo sẽ mang đến bữa cơm no trong thời điểm hoạt động mưu sinh của họ chững lại do ảnh hưởng dịch bệnh. Tuy hoạt động xã hội đã dần bình ổn trở lại, nhưng đời sống của những hộ dân này vẫn còn nhiều nỗi lo toan.
Những giọt mồ hôi chảy thành dòng trên khuôn mặt của người được nhận nhưng ai cũng vui vẻ, bởi biết mình đã có “điểm đến” khi trong nhà hết gạo. Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã An Hảo Trịnh Văn Đệ chia sẻ, “ATM gạo” này hình thành từ sự ủng hộ của các tổ chức, cá nhân trong, ngoài địa phương. Trong đó, cán bộ, công chức và đảng viên của xã ủng hộ 1 ngày lương để cùng tham gia công tác phòng, chống dịch bệnh theo lời kêu gọi toàn dân chung sức, đồng lòng, chung tay phòng, chống dịch bệnh của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và cuộc phát động toàn dân ủng hộ phòng, chống dịch bệnh Covid-19 do Ủy ban Trung ương MTTQVN tổ chức.
Với sự đồng hành của UBMTTQVN TP. Long Xuyên, Liên đoàn Lao động thành phố cùng Tập đoàn Hải Kim Long đã hỗ trợ thành lập “ATM gạo” đầu tiên của xã. Dù ở địa phương khác nhưng các nhà hảo tâm vẫn chung tay cùng An Hảo hình thành mô hình này với mong muốn giúp những người có hoàn cảnh khó khăn, nhất là những hộ Khmer nghèo tại địa phương, vượt qua thời điểm khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19.
Ông Nguyễn Anh Trung (đại diện Tập đoàn Hải Kim Long) thông tin, dù bị ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 nhưng hưởng ứng lời kêu gọi của cả nước và của Tỉnh ủy, UBND, UBMTTQVN tỉnh nên tập đoàn sẵn sàng tham gia vào việc hình thành “ATM gạo” tại xã An Hảo. Đồng thời, mong địa phương và các nhà hảo tâm sẽ tiếp tục phát huy ý nghĩa tốt đẹp của “ATM gạo” này để giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn.
Với ý nghĩa cao đẹp của mình, mô hình “ATM gạo” đã truyền cảm hứng để cả nước cùng thực hiện. Đây chính là điểm sáng của lòng thiện nguyện và tinh thần đoàn kết của người Việt Nam, thể hiện tinh thần “Chống dịch như chống giặc” và không để ai bị bỏ lại phía sau. Thời điểm “ATM gạo” bắt đầu hoạt động, UBND xã An Hảo đã nhận được sự ủng hộ của các nhà hảo tâm để tích lũy khoảng 5 tấn gạo phục vụ người dân. Hiện nay, địa phương vẫn tiếp tục vận động để có thể duy trì mô hình lâu dài.
Không giấu được niềm vui khi nhận phần gạo của mình, ông Chau Bơi (người dân xã An Hảo), cảm ơn các nhà hảo tâm khi giúp gia đình ông không lo bị đói trong những ngày tháng tới. Có thể với nhiều người, cuộc sống giờ đã đủ đầy, sung túc hơn nên vài ký gạo không phải là vấn đề lớn. Tuy nhiên, những gia đình phải chạy ăn từng bữa như Chau Bơi thì đó là một nỗi lo. Chính những hạt gạo nghĩa tình này đã giúp ông có thêm niềm tin vào cuộc sống để tiếp tục mưu sinh trong những ngày tháng tới.
Hiện nay, “ATM gạo” tại xã An Hảo phục vụ những hộ nghèo, cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn thuộc danh sách cập nhật của địa phương và sẽ mở rộng đối tượng khi có điều kiện. Với một xã có đông đồng bào dân tộc thiểu số Khmer như An Hảo, việc triển khai mô hình nhân văn này là nỗ lực lớn của cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể địa phương nhằm đồng hành cùng xã hội đẩy lùi dịch bệnh Covid-19.
Chủ tịch UBMTTQVN huyện Tịnh Biên Chau Phi Rôm khẳng định, mô hình “ATM gạo” tại xã An Hảo là nét mới trong các hoạt động an sinh xã hội của địa phương. Đây là cơ sở để UBMTTQVN huyện tiếp tục vận động các nhà hảo tâm nhân rộng mô hình nhân văn này trong thời gian tới, để có thể tiếp sức cho những hộ khó khăn, những mảnh đời bất hạnh vượt qua thời điểm dịch bệnh Covid-19 gây ảnh hưởng lớn đến đời sống của cộng đồng.
Thời gian tới, “ATM gạo” tại xã An Hảo sẽ tiếp tục mang đến niềm vui cho hộ nghèo địa phương và những hạt gạo nghĩa tình vẫn luôn là hình ảnh đẹp của tinh thần tương thân tương ái, cùng chia sẻ khó khăn, cùng đi qua hoạn nạn như truyền thống của người Việt bao đời!
Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/hat-gao-nghia-tinh--a271861.html