Hạt gạo ngon nhất thế giới: Làm sao giữ được ngôi Vương?
Sự kiện gạo ST25 của nhóm tác giả Anh hùng lao động kỹ sư Hồ Quang Cua đạt giải gạo ngon nhất thế giới tại cuộc thi World's Best Rice do The Rice Trader tháng 11/2019 đã làm rạng danh hạt gạo Việt trên trường quốc tế. Tuy nhiên đằng sau ánh hào quang ấy là những trăn trở: Làm sao giữ được ngôi Vương, và phát huy giá trị thương hiệu ấy như thế nào?...
Sau khi lên ngôi Vương, gạo ST25 đã lên cơn sốt nội địa với giá bán lẻ 27.000đ/kg, thậm chí có nơi “hét” lên 100.000đ/kg nhưng vẫn cháy hàng. Bên cạnh đó xuất hiện vấn nạn làm giả, pha trộn… Làm gì để tìm ra các giải pháp bảo vệ và phát triển giống lúa ST25 (và những giống lúa ngon khác) cũng như ngăn chặn tình trạng vi phạm bản quyền giống lúa, bảo vệ những thành quả sáng tạo của các nhà khoa học, nông dân.
Trò chuyện với Tiền Phong, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng - ông Trần Văn Chuyện cho biết: Trước nhu cầu thị trường gạo chất lượng cao ngày càng tăng và cùng xu thế sản xuất theo nhu cầu khách hàng, Sóc Trăng đã xây dựng Đề án Phát triển sản xuất lúa đặc sản, gồm 2 giai đoạn: giai đoạn 2012 - 2015, giai đoạn 2016 - 2020. Với mục tiêu đạt được trên 800.000 tấn lúa thơm, lúa đặc sản/năm cũng như xây dựng các vùng sản xuất lúa đặc sản, phát triển ổn định, bền vững, ứng dụng đồng thời tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để tạo ra sản phẩm có chất lượng, giá trị, cung ứng cho thị trường trong nước và thế giới.
Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT ông Nguyễn Xuân Cường cho rằng: Tỉnh cần tiếp tục phát triển các mô hình sản xuất lúa theo hướng an toàn, bền vững. Đồng thời, quy hoạch vùng sản xuất lúa đặc sản, trong đó ưu tiên phát triển các vùng sản xuất giống lúa ST tập trung, hình thành vùng nguyên liệu ổn định, vùng sản xuất theo chuỗi gắn kết từ đầu vào tới đầu ra của sản phẩm.
Đáng chú ý, mô hình tôm - lúa là thế mạnh trong việc tạo ra sản phẩm gạo an toàn. Khi sản xuất dòng lúa này, nhà nông tiết kiệm được tối đa chi phí phân bón, thuốc trừ sâu bệnh, lúa đạt năng suất cao, chất lượng thơm ngon, hiệu quả kinh tế cao hơn so với sản xuất lúa thường. Đây là điểm sáng giữ được môi trường sinh thái trong lành, một mô hình sản xuất tiêu biểu của tỉnh duy trì 20 năm qua.
Để phát huy và bảo tồn, bảo vệ và phát triển gạo ngon nhất thế giới, các chuyên gia cho rằng: Các cơ quan chức năng, ban ngành, đoàn thể liên quan cần có biện pháp quản lý và ngăn chặn kịp thời các hành vi làm giả lúa gạo ST25; các cấp chính quyền bảo tồn thương hiệu gạo quốc gia và thế giới; ngành nông nghiệp quy hoạch vùng sản xuất giống lúa ST25 thương phẩm, lúa giống; xây dựng thương hiệu, phát triển thị trường có kiểm soát; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm đối với việc giả nhãn hiệu thương hiệu gạo ST25…
Với mục tiêu nâng cao chất lượng, giá trị của hạt gạo Sóc Trăng trên thị trường trong và ngoài nước, việc xây dựng chỉ dẫn địa lý (được nhà nước bảo hộ) rất cần thiết để sản phẩm có nguồn gốc từ một khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hay quốc gia cụ thể có danh tiếng, chất lượng hoặc các đặc tính riêng biệt, đặc thù do điều kiện tự nhiên hoặc con người của vùng địa lý đó quyết định. Ngoài ra cần hạn chế tối đa việc sử dụng thuốc trừ sâu, bởi nó vừa ảnh hưởng sức khỏe người tiêu dùng vừa làm cho hạt gạo ít mùi thơm và khô cứng hơn.
Tín hiệu khả quan cho lúa ST25 của Sóc Trăng là Tổng cục Thủy sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Sóc Trăng đã tổ chức “Sáng kiến thương mại bền vững tại Việt Nam" (IDH) cùng các đối tác chính gồm Công ty Cổ phần Thủy sản Sóc Trăng (Stapimex), Công ty Cổ phần Thủy sản sạch Việt Nam, Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta, DNTN Hồ Quang Trí, UBND huyện Mỹ Xuyên... chính thức ký kết biên bản ghi nhớ thực hiện “Chương trình xây dựng vùng sản xuất tôm- lúa bền vững dựa trên mục tiêu tăng trưởng”. Sự kiện ký kết của chương trình này cùng với dự án lúa thơm - tôm sạch trên diện tích 17.700 ha tại 6 xã vùng tôm - lúa của huyện Mỹ Xuyên sẽ là tiền đề để nâng cao giá trị sản phẩm và tiến tới xây dựng thương hiệu cho mô hình.
Sóc Trăng xác định giống lúa ST25 cần được phát triển, nhân rộng ở tất cả các vùng có đủ điều kiện chứ không riêng trong tỉnh. Kỹ sư Hồ Quang Cua cho biết, ST25 là giống lúa mới có nhiều ưu điểm vượt trội. Hiện nay, Công ty TNHH Hồ Quang Trí đã thực hiện sản xuất lúa giống ST24 và ST25 theo quy trình nghiêm ngặt, nhằm bảo đảm chất lượng cho các dòng từ giống lúa siêu nguyên chủng đến cấp xác nhận. Ngoài giống ST24 đã được sản xuất đại trà, công ty còn có diện tích lúa giống siêu nguyên chủng ST25 để cung ứng cho thị trường.
Tạo ra hạt gạo ngon nhất thế giới đã khó, nhưng giữ vững thương hiệu lại càng khó hơn. Để làm được điều này, ông Trần Văn Chuyện, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, cho rằng gạo ST25 không chỉ là niềm tự hào của tỉnh mà là của cả nước. Vì thế, để tiếp tục giữ uy tín, giữ vững thương hiệu gạo ngon nhất thế giới thì ngành nông nghiệp tỉnh cần thường xuyên tuyên truyền và vận động nông dân phải giữ được chất lượng, tiêu chuẩn gạo; đẩy mạnh công tác phát triển các mô hình sản xuất theo hướng an toàn, bền vững theo tiêu chuẩn VietGAP, sản xuất theo hướng hữu cơ.
Ngoài ra, cần phải quy hoạch vùng sản xuất lúa đặc sản, trong đó ưu tiên phát triển các vùng sản xuất những giống lúa ST tập trung, hình thành vùng nguyên liệu ổn định, vùng sản xuất theo chuỗi gắn kết từ đầu vào tới đầu ra của sản phẩm; đẩy mạnh công tác quảng bá sản phẩm lúa gạo của Sóc Trăng và nhóm gạo ST; tập huấn, triển khai các mô hình sản xuất tiên tiến và ứng dụng công nghệ vào sản xuất. Tiếp tục hỗ trợ, tạo mọi điều kiện để kỹ sư Hồ Quang Cua cùng nhóm nghiên cứu trong việc lai tạo các giống lúa ST mới và duy trì chất lượng các dòng lúa ST hiện có. Hỗ trợ doanh nghiệp về các thủ tục pháp lý để sớm công nhận giống lúa ST25 là giống lúa cấp quốc gia, hợp tác chặt chẽ với doanh nghiệp để cung ứng giống lúa này phục vụ sản xuất và mở rộng thị trường…
Sóc Trăng là địa phương dẫn đầu vùng ĐBSCL về diện tích sản xuất lúa thơm ST với khoảng 13.000 ha. Bộ NN và PTNT khuyến khích ưu tiên phát triển mô hình lúa - tôm gắn với dòng lúa thơm này nhằm tiến tới hình thành sản phẩm gạo sạch, hữu cơ, góp phần nâng cao giá trị hạt gạo Việt Nam. Về quy mô, đề án sẽ được thực hiện trên diện tích 17.000 ha, bao gồm toàn bộ vùng sản xuất tôm - lúa của huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng. Thời gian thực hiện từ năm 2020 đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035.