'Hạt ngọc' OCOP trên quê hương Thạnh Trị
Thạnh Trị là một trong những địa phương có diện tích sản xuất lúa tài nguyên lớn của tỉnh, với hơn 7.000ha. Ngoài ra, đây còn là đơn vị làm lúa tài nguyên lâu đời, chất lượng gạo ngon và được người tiêu dùng ưa thích do hạt gạo nhuyễn, độ đục cao, mềm cơm, xốp và có vị ngọt. Để giữ vững chất lượng hạt gạo tài nguyên truyền thống, huyện Thạnh Trị đã đăng ký nhãn hiệu và được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp chứng nhận 'Gạo Tài nguyên Thạnh Trị' vào năm 2017. Thông qua đó đã giúp hạt gạo của địa phương ngày càng đi xa hơn trong và ngoài tỉnh.
Với chất lượng được khẳng định nên đa số người tiêu dùng đều hài lòng khi sử dụng gạo Tài nguyên Thạnh Trị và doanh nghiệp đang khai thác nhãn hiệu gạo tài nguyên “ăn nên làm ra” này là Doanh nghiệp Tư nhân (DNTN) Châu Hưng, thị trấn Hưng Lợi. Hơn 2 năm được “trao quyền” khai thác nhãn hiệu gạo mang tên địa phương, doanh nghiệp đã góp phần rất lớn trong việc giới thiệu, quảng bá sản phẩm đến người tiêu dùng và mục tiêu chính doanh nghiệp luôn đặt lên hàng đầu là bảo vệ uy tín nhãn hiệu cũng như đảm bảo chất lượng gạo bán trên thị trường luôn ổn định.
Ông Lý Khoa - chủ DNTN Châu Hưng cho biết: “Tôi kinh doanh gạo tài nguyên hơn 30 năm theo truyền thống gia đình. Gạo tài nguyên được tôi bán trên địa bàn huyện, tỉnh và một số tỉnh bạn nếu họ có nhu cầu đặt hàng. Trước khi được cấp chứng nhận, gạo của địa phương cũng chỉ gọi chung là gạo tài nguyên, không được gắn nhãn hiệu gì hết nên cũng khó phân biệt với một số loại gạo khác của các tỉnh bạn. Tuy nhiên, so về chất lượng gạo cùng các địa phương khác có giống lúa tài nguyên thì gạo Tài nguyên Thạnh Trị ngon hơn, bởi do điều kiện đất sản xuất phù hợp với giống lúa, không phải địa phương nào trên địa bàn huyện cũng sản xuất được. Hơn 2 năm qua, được UBND huyện giao cho doanh nghiệp khai thác nhãn hiệu gạo Tài nguyên Thạnh Trị, công việc kinh doanh của tôi thuận tiện hơn trước rất nhiều bởi gạo đã có chứng nhận của cơ quan chức năng, người tiêu dùng ngày càng tin tưởng hơn và các đối tác đặt hàng nhiều hơn”.
Bí thư Tỉnh ủy Phan Văn Sáu trong chuyến khảo sát Chương trình OCOP tại DNTN Châu Hưng.
Cũng theo thông tin từ ông Lý Khoa, để có nguồn gạo cung ứng thị trường thường xuyên, ông xây dựng vùng nguyên liệu sản xuất lúa tài nguyên với bà con nông dân bằng việc liên kết bao tiêu sản phẩm đầu ra cho hộ dân với diện tích hơn 1.000ha lúa tài nguyên loại thường và 100ha lúa tài nguyên chất lượng cao. Các dòng gạo trên được phân khúc bán cho người tiêu dùng có giá thành khác nhau. Bên cạnh đó, ông Khoa còn mở rộng nhà máy xay xát gạo có công suất từ 4 đến 5 tấn gạo/ngày và kho chứa lúa gạo hơn 2.000 tấn. “Tôi rất quan tâm đến việc địa phương chọn gạo Tài nguyên Thạnh Trị vào Chương trình OCOP bởi đây sẽ tiếp tục tạo thêm tiếng vang xa hơn nữa cho hạt gạo quê nhà, vì vừa có chứng nhận nhãn hiệu vừa có thêm dấu OCOP sẽ nâng tầm hạt gạo lên. Người tiêu dùng xem qua sản phẩm cũng biết rằng đây là gạo tài nguyên đặc sản riêng của quê hương Thạnh Trị (Sóc Trăng)” - ông Lý Khoa chia sẻ thêm.
Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thạnh Trị Nguyễn Văn Sô cho biết: “Theo đề án phát triển lúa tài nguyên trên địa bàn huyện đến năm 2020 ước đạt 7.000ha. Tuy nhiên, trong vụ Đông Xuân năm 2018, huyện đã sản xuất 7.200ha, tập trung tại thị trấn Phú Lộc, thị trấn Hưng Lợi, xã Châu Hưng, xã Thạnh Trị và một phần hai xã Vĩnh Thành, Vĩnh Lợi, trong đó diện tích lúa tài nguyên tập trung nhiều nhất tại 2 thị trấn, chiếm diện tích hơn 50%. Hiện tại theo Chương trình OCOP, sản phẩm gạo tài nguyên được xếp hạng 3 sao. Để tiến đến việc đóng dấu OCOP lên sản phẩm gạo, huyện sẽ tiếp tục vận động bà con nông dân tuân thủ đúng các quy định của Viện Lúa đồng bằng sông Cửu Long và các ngành chuyên môn khuyến cáo trong canh tác lúa tài nguyên nhằm giữ phẩm chất gạo luôn đạt chất lượng. Bên cạnh đó, giữ vững diện tích lúa tài nguyên theo đề án huyện đã quy hoạch và phát triển diện tích lúa đặc sản gắn với cánh đồng mẫu trên nền tảng các mô hình đã thực hiện qua các vụ, tăng cường công tác kiểm tra, theo dõi, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nhân dân, chú trọng đến việc ký kết hợp đồng với các công ty, doanh nghiệp cung ứng vật tư đầu vào và bao tiêu sản phẩm cho bà con nông dân. Trong vụ Đông Xuân 2019, huyện sẽ chọn 50ha làm lúa giống tài nguyên đạt chuẩn để phân phối giống cho hộ dân sản xuất nhằm thay thế các giống lúa tài nguyên đã bị thoái hóa”.
Trong lần đến khảo sát Chương trình OCOP của huyện Thạnh Trị và ghé thăm DNTN Châu Hưng, Bí thư Tỉnh ủy Phan Văn Sáu đánh giá cao sự tâm huyết với nghề kinh doanh mặt hàng gạo của doanh nghiệp cũng như việc khai thác hiệu quả tiềm năng “hạt ngọc” mang tên gọi địa phương. Bí thư Tỉnh ủy mong muốn DNTN Châu Hưng luôn giữ vững chữ tín trong kinh doanh bằng cách ổn định chất lượng sản phẩm bởi đây là sản phẩm có nhãn hiệu. Ngoài ra, khi sản phẩm được công nhận OCOP, có đóng dấu, doanh nghiệp cần đặc biệt quan tâm đến an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ môi trường sản xuất. Vì lợi thế khi được công nhận OCOP của tỉnh, hộ kinh doanh sẽ dễ dàng đưa sản phẩm vào tiêu thụ tại các cửa hàng cao cấp, siêu thị và cả thị trường xuất khẩu cũng như được các cấp chính quyền quan tâm hỗ trợ…