Hát then vươn ra thế giới
Việc UNESCO ghi danh di sản Thực hành then của đồng bào các dân tộc Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam tại Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại đã khẳng định bản sắc văn hóa phong phú của dân tộc Việt Nam, sự gắn kết cộng đồng, đề cao tôn trọng đa dạng văn hóa.
Theo nhạc sĩ, nhà nghiên cứu âm nhạc Ðặng Hoành Loan, then vừa là một sinh hoạt tín ngưỡng, tâm linh vừa là loại hình âm nhạc dân gian đặc sắc của các dân tộc Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam. Qua lễ hát then cổ truyền có thể thấy rõ nhân sinh quan, thế giới quan và bản sắc văn hóa của đồng bào Tày, Nùng, Thái. Từ những quan niệm Mường Trời, nơi cư ngụ của các thần linh; Mường Ðất, nơi cư ngụ của con người; Mường Nước, nơi cư ngụ của Long Vương,then đã đưa con người tìm một chỗ dựa về tinh thần để vượt qua những khó khăn trong cuộc sống. Hiện nay nhiều nhà nghiên cứu văn hóa cho rằng có người Tày, Nùng, Thái là có then. Như thế có nghĩa là then đi cùng lịch sử phát triển các dân tộc này từ xưa cho đến nay. Then đóng vai trò hết sức quan trọng trong đời sống, nhất là từ thời xa xưa, khi con người ta không giải thích được những hiện tượng như thiên tai, dịch bệnh. Tất cả câu chuyện đó thì then đáp ứng được và làm yên lòng con người.
Then gắn bó rất lâu đời với đồng bào Tày, Nùng, Thái ở các tỉnh miền núi phía bắc như: Tuyên Quang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Hà Giang, Lạng Sơn…, đến nay đã lan tỏa đến tận Tây Nguyên, TP Hồ Chí Minh theo quá trình giao lưu, định cư của đồng bào. Ðiều này cho thấy sức sống mãnh liệt của then. Nghệ nhân ưu tú Ma Văn Ðức, nguyên Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tuyên Quang cho biết, then là một bộ môn văn học nghệ thuật tổng hợp. Ở trong then có truyện cổ, có thơ, có nhạc, có họa, có múa và có cả kịch. Then ở mỗi địa phương có màu sắc âm nhạc khác nhau, tiết tấu âm nhạc cũng đa dạng. Thí dụ, then Cao Bằng dìu dặt, da diết; then Lạng Sơn tươi vui, rộn ràng; then Tuyên Quang thúc giục lòng người; then Hà Giang nhấn nhá, đẩy đưa... Nhạc cụ chủ yếu là đàn tính. Hộp đàn bằng nửa quả bầu khô, dây đàn se bằng tơ tằm vuốt sáp ong cùng với chùm nhạc xóc bảo đảm nhịp hát và múa. Trước đây, trong các nghi lễ tâm linh, then chỉ được diễn xướng bởi một người là ông then hoặc bà then, những người đồng thời cũng là thày cúng. Lời của then thường lấy từ các thể thơ dân tộc mang nhiều chất văn học được trau chuốt qua thời gian. Âm nhạc là yếu tố xuyên suốt một cuộc then với những làn điệu dân ca, dân nhạc cổ phong phú của các dân tộc. Do yêu thích âm nhạc then, người ta đã sử dụng một số làn điệu phổ biến rồi đưa lời ca, nội dung mới để mọi người đều có thể hát ở mọi lúc mọi nơi, vượt ra khỏi yếu tố sinh hoạt tín ngưỡng.
Tuy nhiên, bên cạnh những yếu tố thuận lợi, Thực hành then ở một số địa phương cũng gặp không ít khó khăn trong việc duy trì, phát triển. Cùng với sự nỗ lực của các cơ quan chức năng ở Trung ương và địa phương, trong thời gian qua, tại nhiều địa phương đã thành lập câu lạc bộ hát then.
Ðồng thời, đưa vào các chương trình phục vụ du lịch để khai thác, hỗ trợ bảo tồn, đồng thời tạo điều kiện để then “được sống” trong không gian cộng đồng. Ðây là những tín hiệu đáng mừng cho việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản hát then.