Hát trong bão lửa

'Hát trong bão lửa' là tiểu thuyết thứ 11 của nhà văn Nguyễn Thanh Hương (hội viên Hội Nhà văn Việt Nam) do Nhà Xuất bản Quân đội Nhân dân ấn hành vừa ra mắt bạn đọc. Tác phẩm như một bản anh hùng ca cách mạng của một thế hệ 'xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước' dùng 'tiếng hát át tiếng bom' để làm nên chiến thắng.

Tiểu thuyết Hát trong bão lửa - Nguyễn Thanh Hương

Tiểu thuyết Hát trong bão lửa - Nguyễn Thanh Hương

Câu chuyện bắt đầu vào năm 1972 đỏ lửa, khi Đội văn công xung kích Hoa Phong Lan được thành lập để phục vụ bộ đội, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trên đường Trường Sơn. Tất cả 24 diễn viên đến từ nhiều vùng quê trên miền Bắc được tập hợp từ các đoàn văn công chuyên nghiệp. Sau 3 tháng học tập, 5g sáng ngày 20/3/1972, Đội hành quân vào Quảng Bình. 24 nghệ sĩ cũng là chiến sĩ. Đẹp, hát hay, đàn giỏi, múa khéo, họ nổi bật trong sắc xanh quân phục. Nhất là Trà My, cô ca sĩ trẻ có giọng hát hay, lại biết hát chèo và các làn điệu quan họ chuẩn vang, rền, nền, nảy khiến mọi người quen gọi là Họa My. Sơn Ca là ca sĩ chính của đội, chỉ kém Họa My một chút về thanh và sắc, nhưng cũng làm cho bao “công chúng” lính trẻ mê say ùa lại xin địa chỉ, chữ ký, mong gặp lại sau ngày chiến thắng. Trung úy Trần Dũng 32 tuổi - Đội trưởng là người chỉ huy nghiêm nghị, gan góc; Thiếu úy Hải - Đội phó (người kể chuyện) 26 tuổi, hát hay, sử dụng thành thạo 5 nhạc cụ dân tộc, đặc biệt là sáo trúc... Mỗi người một thế mạnh, một ưu điểm, một cá tính, một hoàn cảnh riêng, họ mang tiếng hát ra trận, thúc giục đồng đội lao vào trận chiến, quyết chiến đấu và chiến thắng.

Buổi diễn đầu tiên của Đội Hoa Phong Lan là “Trạm quân y dã chiến trong hang đá với 40 giường bệnh. Những thương binh nặng mới được nằm trên giường; còn hàng chục thương binh ngồi, nằm dưới đất. Trường Sơn năm 1972, ngày nào Mỹ cũng rải bom, ngày nào cũng có người hy sinh, bị thương”. Giữa không gian chật hẹp, họ say sưa hát những bài ca hùng tráng: Bác đang cùng chúng cháu hành quân, Anh vẫn hành quân, Trên đỉnh Trường Sơn ta hát, Nổi lửa lên em, hòa tấu, Vì miền Nam, Trên đường chiến thắng, Bài ca Trường Sơn, Cô gái vót chông, Nổi trống lên rừng núi ơi... Khí thế sục sôi ngập tràn không gian, tràn trong tim những con người đang nằm, ngồi, băng bó, họ cùng vỗ nhịp hát theo, nhiều thương binh dùng một bàn tay còn lại vỗ lên đùi mình. Tiếng hát xoa dịu nỗi đau thể xác, tiếp thêm sức mạnh, họ mong mau bình phục để tiếp tục đứng lên đối mặt với quân thù. Nhìn những gương mặt tuổi đôi mươi, nằm ngồi mọi tư thế, người thì băng kín chỉ như cục bột trắng toát, người băng tay, bó chân, cằm, sườn, bả vai; những người nghệ sĩ vừa hát, vừa cố giấu đi giọt nước mắt nuốt ngược vào trong.

Nơi biểu diễn không có sân khấu mà khi là bãi cỏ bên bờ suối, lúc trong hang đá, khi trong rừng, lúc trên đồi cao, không kể ngày đêm. Khán giả lúc thì một tiểu đoàn, một đại đội, trung đội, nhưng cũng có khi buổi biểu diễn chỉ phục vụ 1 - 2 người. Khi thì hát phục vụ tổ phá bom mìn, lúc phục vụ đơn vị đường ống dẫn dầu, khi phục vụ đơn vị hậu cần, giao liên, thông tin, đại đội lái xe... Nếu phục vụ lần lượt cũng cả năm chưa hết. Tùy vào đối tượng khán giả mà có những tiết mục phù hợp như phục vụ đại đội lái xe thì ngoài các bài hát Anh vẫn hành quân, Vì miền Nam, thì thêm vào các tiết mục Tôi là người lái xe (An Chung), Bài ca người lái xe (Nguyễn Đức Toàn), Bài ca giao thông vận tải (Hoàng Vân), Cô gái mở đường, Chào em cô gái Lam Hồng (Ánh Dương)... Cùng với hát, múa, đóng kịch, các tiết mục độc tấu, hòa tấu nhạc cụ dân tộc (đàn, sáo, đàn bầu, đàn nguyệt, đàn tranh, nhị, vi-o-lon, ac-cooc-de-ong) với giai điệu quê hương làm ai cũng tự hào. Kết thúc buổi diễn “công chúng” ùa lại vây quanh cùng cái ôm ấm áp, tay nắm thật chặt, hỏi thăm quê hương, hẹn gặp lại sau ngày chiến thắng.

Nhà văn Nguyễn Thanh Hương trong một hội thảo về văn học nghệ thuật

Nhà văn Nguyễn Thanh Hương trong một hội thảo về văn học nghệ thuật

Đến đâu, các nghệ sĩ cũng được đón tiếp nồng nhiệt trong tình đồng đội. Họ cùng ăn, cùng ở với các đơn vị trong những căn hầm chữ A. Buổi biểu diễn phục vụ đại đội dân công hỏa tuyến của Hà Tây đang làm nhiệm vụ bảo vệ đường giao thông ở phà Long Đại (Bố Trạch - Quảng Bình) diễn ra bên bờ suối. Chương trình 90 phút múa, hát, độc tấu sáo trúc, đàn bầu, có cả kịch. 4 tiết mục giao lưu góp vui của các chàng trai, cô gái ngày đêm lấp hố bom, san đường nhưng không kém gì chuyên nghiệp, làm cho buổi biểu diễn như hát cho nhau nghe trở nên sôi động. Nhưng cũng có lúc đội “Biểu diễn phục vụ đại đội công binh dưới tán rừng, bên con suối nhỏ, cách mặt đường 2 km, giữa ban ngày, không cần đốt đuốc, đèn đóm. Mặc cho máy bay Mỹ luôn gầm rú trên đầu, rồi tiếng bom nổ ùng oàng phía mặt đường. Thoáng đăm chiêu khi nghe bom nổ, nhưng họ lại rạng rỡ lại, chăm chú nghe hát. Xem xong chương trình, mỗi người lại một việc, người thì rà phá bom nổ chậm, người thì đục đá, người đắp đường, người bắc cầu, lần mò cứu từng bao gạo, từng bộ quân trang, vũ khí... dưới đạn bom, dưới nắng nóng mùa khô gay gắt. Ngày nào cũng có người nằm lại trên đường Trường Sơn, đối mặt với mưa bom bão đạn, với mất mát, hy sinh, họ luôn nghĩ “Trong khán giả đêm nay, mai sẽ có ai là người mãi mãi ra đi. Vì vậy, ai cũng tự nhủ lòng hát cho hay, hát hết sức mình, biểu diễn phục vụ những người đang hy sinh cả tuổi xuân, không tiếc máu xương là niềm tự hào”.

Vừa đêm trước, họ biểu diễn cho Trung đội công binh 1 thuộc Binh trạm 21 (BT21) có 30 chiến sĩ thì hôm sau bom dội xuống những căn hầm chữ A, 8 cán bộ, chiến sĩ ra đi. Chứng kiến cảnh bới tìm thi thể đồng đội làm cho những nghệ sĩ đa cảm khóc đến cạn nước mắt. Tiễn các anh về với đất mẹ, không hương khói, ngôi mộ đơn sơ chỉ phủ đầy hoa dại, họ cùng tấu lên khúc nhạc “Hồn sĩ tử” của 4 cây vĩ cầm hòa cùng đàn bầu réo rắt như một niềm an ủi. Có lần, đúng vào lúc đội văn công đang biểu diễn phục vụ một trận địa pháo trên đồi thì nghe tiếng gầm rít của B-52 kéo theo là hàng loạt tiếng nổ, họ cùng nhau xuống hầm. Bom trút xuống mặt đất như đưa võng trong suốt 20 phút. Lần đầu tiên chứng kiến bom đạn quân thù, họ nghĩ đến cái chết, nhưng “Nếu hy sinh, tôi chỉ muốn hy sinh lúc mình đang hát ở trận địa, như hàng ngàn chiến sĩ Hồng quân Xô-viết hát trước mũi súng của phát xít Đức trong thế chiến thứ 2”.

Đạn bom ác liệt, đường hành quân xa làm chân rớm máu, vai bỏng rát vì ba lô trĩu nặng, mang vác đạo cụ, thiếu thốn trăm bề. Giữa cái nắng nóng như chảo lửa, gió Lào, hè 1972 Mỹ điên cuồng ném bom suốt ngày đêm trên tuyến đường Trường Sơn, họ vẫn ca hát. Trong gian lao, có cả những rung động, tình yêu nảy nở; nhưng gạt đi mọi niềm riêng, nhường chỗ cho mục tiêu lớn nhất là thống nhất đất nước. Và máu của họ cũng đổ, ca sĩ Họa My đã ngã xuống cạnh đồng đội bên bờ suối dưới làn bom Mỹ khi đang tập hát, để lại mối tình đẹp với Hải đội phó và lời ước hẹn dở dang. Sơn Ca bị mất một bên chân không còn được đứng trên sân khấu. Trong 24 nghệ sĩ mang “tiếng hát át tiếng bom” vào Trường Sơn, hơn 1 năm sau họ trở về không còn đủ đầy, nguyên vẹn.

Từng là thanh niên xung phong trên tuyến lửa Quảng Bình vào những năm tháng ác liệt nhất của cuộc chiến (1971 - 1973), nhà văn Nguyễn Thanh Hương đã khắc họa rõ nét hình ảnh người nghệ sĩ - chiến sĩ trên đường Trường Sơn bằng sự trải nghiệm và vốn sống ăm ắp của mình. Những chi tiết ngồn ngộn sống động đã đưa đến cho người đọc sự rung cảm trước một thế hệ quyết chiến đấu và chiến thắng kẻ thù xâm lược. Lâm Đồng cuối tuần xin giới thiệu cùng bạn đọc.

QUỲNH UYỂN

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/vhnt/202107/hat-trong-bao-lua-3070018/