Hát về biên giới bằng tất cả trái tim

Đồng chí, đồng đội và nhân dân trên địa bàn biên giới tỉnh Quảng Trị đặt biệt danh cho vợ chồng Thượng úy Đỗ Sỹ Kỳ và Đại úy Nguyễn Thị Vân, thành viên Đội Tuyên truyền văn hóa (TTVH), Phòng Chính trị, BĐBP Quảng Trị là 'vợ chồng chim sơn ca'. Mọi người yêu quý đặt cho anh chị biệt danh này bởi cả hai đều sở hữu chất giọng sáng, mượt mà, truyền cảm và đậm chất dân ca của miền đất Quảng Trị đầy nắng gió.

Vợ chồng Thượng úy Đỗ Sỹ Kỳ và Đại úy Nguyên Thị Vân luyện tập tiết mục song ca cùng đội múa. Ảnh: Thành Phú

Vợ chồng Thượng úy Đỗ Sỹ Kỳ và Đại úy Nguyên Thị Vân luyện tập tiết mục song ca cùng đội múa. Ảnh: Thành Phú

Những ngày đầu năm 2021, cùng với các thành viên Đội TTVH, vợ chồng Thượng úy Kỳ và Đại úy Vân vô cùng bận rộn với lịch tập và biểu diễn các chương trình phục vụ đồng bào, chiến sĩ trên biên giới đón chào xuân mới, chào mừng Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Ngược dòng thời gian, vào tháng 8 năm 1992, khi nghe thông tin Bộ Chỉ huy BĐBP Quảng Trị có đợt tuyển chọn các hạt nhân có năng khiếu văn hóa, văn nghệ để thành lập đội văn nghệ, chàng thanh niên Đỗ Sỹ Kỳ đã không do dự tìm đến gặp cán bộ tuyển quân xin nhập ngũ vào BĐBP mặc dù cùng thời điểm này, anh đang được Đoàn nghệ thuật truyền thống tỉnh Quảng Trị làm hồ sơ tuyển dụng.

Sau thời gian rèn luyện tại Đại đội huấn luyện (giờ là Tiểu đoàn Huấn luyện-Cơ động, BĐBP Quảng Trị), với năng khiếu sẵn có, anh được biên chế về công tác tại đơn vị cơ sở với nhiệm vụ vừa làm hạt nhân văn nghệ, vừa thâm nhập địa bàn, tìm tòi, học hỏi những làn điệu dân ca, dân vũ của đồng bào các dân tộc trên biên giới để làm vốn liếng dự trữ phục vụ cho đơn vị khi cần thiết.

Thời điểm này Bộ Tư lệnh BĐBP chưa có quyết định cho các đơn vị trực thuộc thành lập Đội TTVH nên anh “đơn thương độc mã” trong lĩnh vực nghệ thuật. Song với sự đam mê, yêu nghề cháy bỏng, anh đã phấn đấu, không ngừng luyện tập và kiên trì học hỏi để ngày một trưởng thành. Năm 1993, Đội TTVH được thành lập theo quyết định của Bộ Tư lệnh BĐBP, anh được Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh rút về đội và hoạt động trong lĩnh vực này cho đến ngày hôm nay.

Còn Đại úy Nguyễn Thị Vân sinh ra tại quê hương Vĩnh Sơn, Vĩnh Linh, Quảng Trị-một miền quê trù phú nằm bên dòng sông Bến Hải thơ mộng. Dòng nước đầy ắp phù sa của dòng sông đã nuôi dưỡng nên giọng hát ngọt ngào, sâu lắng của cô bé thảo thương cùng ruộng đồng, cây lúa, củ khoai. Tháng 8-1998, khi ấy, cô bé Vân mới tròn 16 tuổi nhưng đã viết đơn tình nguyện xin gia nhập vào lực lượng BĐBP để được hát cho các chú bộ đội và đồng bào nơi biên giới nghe. Chỉ sau một thời gian ngắn công tác tại Đội TTVH, giọng hát mượt mà, đầy nội lực và cảm xúc của nữ Binh nhất Nguyễn Thị Vân đã để lại ấn tượng sâu đậm trong cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên địa bàn biên giới.

Hoạt động văn hóa, văn nghệ trong đơn vị BĐBP chưa bao giờ là nhàn hạ. Đại úy Nguyễn Thị Vân kể: “Năm 2002, em với anh Kỳ nên duyên vợ chồng. Công tác tại Đội TTVH đã vất vả, khi lấy chồng cùng nghề, cùng đơn vị thì sự vất vả ấy càng nhân lên gấp bội. Cung đường lên biên giới, đến với những bản làng vùng sâu, vùng xa luôn gian khổ và đầy những bất trắc. Khi em có thai cháu đầu lòng, do chưa có kinh nghiệm nên không biết mình đã mang thai, em vẫn tham gia đi diễn cùng đội. Đợt lưu diễn ấy, vì mưa lũ nên thời gian kéo dài hơn 2 tuần. Hôm về đến nhà, em thấy trong người mệt mỏi, em vội đi khám thì mới biết, may chẳng có chuyện gì xảy ra chứ không thì ân hận cả đời”.

Nói về tinh thần vượt lên khó khăn để đem giọng ca của mình đến với mọi nẻo đường biên cương của đôi vợ chồng “sơn ca” này, anh chị em trong Đội TTVH đều cùng chung nhận xét, chẳng có khó khăn nào ngăn cản được lòng yêu nghề, yêu đơn vị, yêu biên giới của họ. Không ít lần, đội xây dựng kế hoạch đi lưu diễn dài ngày, mặc dù con còn nhỏ nhưng cả hai vợ chồng Thượng úy và Đại úy Vân vẫn cố gắng sắp xếp công việc gia đình để tham gia cùng đội. Bởi như chia sẻ của Đại úy Vân: “Sân khấu trên đồn Biên phòng hay nơi bản làng vùng cao chỉ là một vuông đất nhỏ, song mỗi lần được hát phục vụ cán bộ, chiến sĩ, đồng bào biên giới là mỗi lần dâng trào cảm xúc và cảm xúc ấy còn lớn gấp nhiều lần những khi diễn trên sân khấu hoành tráng”.

Từ tinh thần phấn đấu không biết mệt mỏi ấy, cặp vợ chồng “sơn ca” này đã thu thập đầy đủ các bộ Huy chương Vàng, Huy chương Bạc trong những lần tham gia liên hoan Đội TTVH tuyến biên giới, biển đảo toàn quốc do Bộ Tư lệnh BĐBP và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp tổ chức cùng nhiều Bằng khen, Giấy khen của Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam và các cấp, các ngành trao tặng.

Tâm sự về chuyện nghề, Thượng úy Đỗ Sỹ Kỳ chia sẻ “Hai vợ chồng tôi công tác trong đội, người nhiều thì 28 năm, người ít cũng 23 năm, mọi buồn vui, sướng khổ cũng đều đã nếm trải. Trước nhu cầu thưởng thức âm nhạc, nghệ thuật của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân ngày càng cao nên mỗi cán bộ trong đội phải không ngừng phấn đấu để tự hoàn thiện về chuyên môn, đồng thời chương trình của đội cũng phải luôn đổi mới về chất lượng nghệ thuật, phong phú về thể loại để phục vụ khán giả”.

Ngoài công tác, phục vụ trong BĐBP Quảng Trị vợ chồng Thượng úy Kỳ và Đại úy Vân còn là thành viên của Câu lạc bộ dân ca tỉnh Quảng Trị, vì thế họ càng bận rộn hơn, song cả hai luôn nỗ lực hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Sau khi Đội TTVH triển khai theo mô hình biên chế mới, Thượng úy Đỗ Sỹ Kỳ được điều động lên công tác tại Đồn Biên phòng Hướng Phùng, còn Đại úy Nguyễn Thị Vân nhận công tác tại Văn phòng Bộ Chỉ huy BĐBP Quảng Trị.

Một mùa Xuân mới đang dần đến với mọi nhà, đâu đó, có nhiều gia đình đã chuẩn bị sắm sửa Tết nhưng với đôi vợ chồng “sơn ca” này thì họ vẫn đang cùng đồng đội miệt mài trên sàn tập để đem đến cho cán bộ, chiến sĩ và đồng bào nơi biên giới những chương trình nghệ thuật đặc sắc, được dàn dựng công phu để mừng Đảng, mừng Xuân.

Nguyễn Thành Phú

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/hat-ve-bien-gioi-bang-tat-ca-trai-tim-post436900.html