Hát về những người mẹ Việt Nam Anh hùng

Tết Thanh minh, con cháu đi tảo mộ từ sớm. Chân chậm, mắt mờ nên Mẹ Việt Nam Anh hùng Ngô Thị Nhường, thôn Nà Ít, xã Vi Hương (Bạch Thông) đành ở nhà một mình. Như những lần trước, nhớ các con, mẹ Nhường lại đem di ảnh ra lặng lẽ nhìn, giọt nước mắt khẽ lăn trên gò má hao gầy. Ba lần tiễn các con lên đường nhập ngũ, mẹ Nhường chỉ một lần được đón con về, hai người đã mãi mãi nằm xuống vì độc lập, tự do của dân tộc...

Mẹ Việt Nam Anh hùng Ngô Thị Nhường ngắm di ảnh của người con đã hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc.

Nỗi đau của mẹ...

Mẹ Nhường kể: "Quê tôi ở Thái Bình. Đầu những năm 60, theo lời kêu gọi của Đảng, hai vợ chồng tôi đưa các con lên khai phá vùng kinh tế mới tại Bắc Kạn. Khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vào giai đoạn ác liệt nhất, cũng là thời điểm các con đã trưởng thành, vợ chồng tôi động viên các con nhập ngũ bảo vệ đất nước. Mỗi lần tiễn các con lên đường, tôi chỉ dặn dò chúng nó bảo trọng, nhớ về đoàn tụ với gia đình. Nhưng chỉ có thằng hai trở về, thằng cả và thằng ba không biết giữ lời hứa, chúng đi mãi rồi"...

Mẹ Nhường tiếp lời: "Một chiều tháng 4 năm 1974, khi đi làm về, nhận được tin con trai cả hy sinh tại chiến trường miền Nam mà tôi đau như chết đi sống lại. Nỗi đau chưa nguôi được bao lâu, năm 1980 gia đình lại tiếp tục nhận được giấy báo tử của người con trai thứ ba làm nhiệm vụ quốc tế tại Campuchia. Đến nay, phần mộ của người con trai cả vẫn chưa tìm thấy, còn phần mộ con trai thứ ba vẫn yên nghỉ tại tỉnh Bạc Liêu. Niềm mong mỏi lớn nhất của gia đình là tìm được phần mộ của người con trai cả để mỗi dịp lễ tết, ngày giỗ được thắp nén hương tưởng nhớ người đã khuất”.

Cách nhà mẹ Ngô Thị Nhường không xa, men theo con đường nhỏ quanh co là nhà Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Lan, thôn Đon Bây, xã Vi Hương. Mẹ Lan là chị dâu của mẹ Nhường. Có sự trùng hợp đến khó giải thích là cả hai mẹ đều có 03 người con nhập ngũ, con trai cả và con trai thứ ba của các mẹ đều hy sinh, phần mộ của các con trai cả vẫn chưa tìm thấy, còn phần mộ của các con trai thứ ba đều an nghỉ tại tỉnh Bạc Liêu. Chiến tranh đã lùi xa vài chục năm nhưng những mất mát, hy sinh vẫn hằn in trên khóe mắt mẹ. Trong lúc trò chuyện cùng chúng tôi, đôi khi mắt mẹ Lan đượm buồn nhìn xa xăm, chất chứa mong mỏi về những người con không trở về.

Theo lời kể của ông Ngô Quốc Cường, con trai thứ hai của mẹ Lan: "Ngày nhận được di vật của anh trai cả là chiếc ba lô bên trong có quân tư trang, mẹ tôi ôm vào lòng như ôm đứa con thân yêu ngày nào. Vượt qua nỗi đau ấy, mẹ lại tiếp tục tiễn thêm con trai lên đường nhập ngũ với mong muốn góp sức cùng đồng bào cả nước chiến đấu giành lại hòa bình cho Tổ quốc. Dù không nói nhưng tôi biết, mỗi lần đến Tết, Thanh minh hay ngày giỗ các con, mẹ vẫn chất chứa nỗi niềm riêng, đó là tình yêu thương, sự mong ngóng xót đau".

Mẹ Việt Nam Anh hùng Mông Thị Thi, xã Cẩm Giàng có 12 người con trong đó có 07 con trai, 05 con gái. Khi đất nước cần, mẹ Thi lặng lẽ tiễn ba người con lên đường. Trong số ấy, có hai người đã mãi mãi không trở về. Đó là những đau thương, mất mát to lớn của các mẹ, những người phụ nữ bình dị nhưng có trái tim và nghị lực phi thường.

Huyện Bạch Thông có 24 mẹ được Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam phong tặng, truy tặng Danh hiệu vinh dự Nhà nước "Bà mẹ Việt Nam Anh hùng". Hiện, trên địa bàn huyện có 03 Mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống.

Đối với các con, các cháu, Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Lan luôn là bóng cả của gia đình.

Mẹ là bóng cả

Đang sinh sống tại Khánh Hòa nhưng dịp lễ, tết hay biết tin mẹ đau ốm là ông Ngô Quốc Cường lại về quê thăm nom, chăm sóc. Mỗi khi đoàn viên là nhà mẹ Nguyễn Thị Lan lại đầy ắp tiếng cười nói, trò chuyện của con, cháu, chắt. Ông Cường cho biết: “Trước đây khi còn khỏe, còn minh mẫn mẹ thường dạy chúng tôi phải sống sao cho tròn đạo hiếu của người con, phải luôn yêu thương đùm bọc lẫn nhau, ra ngoài xã hội là người công dân tốt. Mẹ chính là bóng cả che chở, yêu thương, bao dung suốt cuộc đời của chúng tôi”.

Còn đối anh Hoàng Văn Ất, con trai của mẹ Mông Thị Thi, tuổi thơ lớn lên trong nghèo khó nhưng anh luôn nhận được sự dạy bảo từ cha và tình yêu thương của mẹ. Dù thời điểm các anh trai hy sinh, anh Ất còn nhỏ nhưng cũng đã phần nào cảm nhận được nỗi đau mất người thân của cha mẹ. Ấy thế mà, mẹ đã tìm cách vượt qua nỗi đau ấy, cùng chồng nuôi dạy các con khôn lớn từng ngày. Đến bây giờ, chân chậm, mắt mờ nhưng mẹ vẫn luôn là tấm gương sáng để cho con cháu học tập.

"Nhiều lần, tuổi già, sức yếu và bệnh tật tưởng chừng đã quật ngã nhưng chính nghị lực của mẹ và sự chăm sóc của con cháu, gia đình, sự quan tâm của các cấp, ngành, đoàn thể đã giúp mẹ vượt qua. Tôi nể phục và yêu thương mẹ nhiều! Hy sinh, mất mát đến vậy mà mẹ vẫn vượt qua để đến bây giờ chúng tôi có được cuộc sống này, có mẹ kề bên để được phụng dưỡng và nhận từ mẹ sự bảo ban”- bà Mạc Thị Biểu, con dâu của mẹ Ngô Thị Nhường xúc động nói.

Dù năm tháng đi qua nhưng sự hy sinh vô cùng to lớn của các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng mãi mãi được dân tộc khắc ghi. Các mẹ mãi là niềm yêu kính, tự hào của toàn thể Nhân dân Việt Nam. Xin được hát về những người mẹ Việt Nam, hát về những người mẹ anh hùng.../.

Xuân Nghiệp

Nguồn Bắc Kạn: http://baobackan.com.vn/xa-hoi/202204/hat-ve-nhung-nguoi-me-viet-nam-f58215d/