Hậu AFF Cup - Nhà vô địch tổn thương: Thất bại được báo trước
Từ trước trận bán kết AFF Cup 2020, khi HLV Mano Polking của Thái Lan nói về cách thay cầu thủ của HLV Park Hang-seo, nhiều người hiểu rằng đội tuyển Việt Nam đã bị bắt bài
Từng lọt vào đến vòng loại cuối World Cup 2022 khu vực châu Á nên việc phải dừng bước ở bán kết AFF Suzuki Cup 2020 có thể xem là thất bại của tuyển Việt Nam trong năm vừa qua.
Trụ cột xuống sức, rơi phong độ
Mang sang Singapore lực lượng hùng hậu với 30 cầu thủ, HLV Park Hang-seo vẫn gọi thêm Lý Công Hoàng Anh dù tiền vệ trẻ này chỉ có mặt để… tập luyện cùng đội là chính.
Đăng ký 6 cầu thủ lứa U23, những tưởng HLV Park Hang-seo sẽ tạo cơ hội để các cầu thủ trẻ được cọ xát, tích lũy kinh nghiệm nhằm chuẩn bị cho SEA Games 31 nhưng rốt cuộc, áp lực phải bảo vệ chức vô địch khiến ông phải chọn phương án an toàn. Ngoài Văn Xuân được ra sân 8 phút cuối trận lượt về gặp Thái Lan, các cầu thủ còn lại gồm thủ môn Văn Chuẩn, Hoàng Anh, Thanh Bình, Việt Anh, Văn Đạt đã không ra sân phút nào suốt giải.
Trong suốt giải đấu, HLV Park Hang-seo chỉ sử dụng 21/30 cầu thủ qua 6 trận đấu nhưng thực tế, cơ hội chỉ thuộc về 16-17 cầu thủ, những người phải thay nhau đá 6 trận với tần suất ra sân 3 ngày/trận. Cộng với cường độ thi đấu dày đặc ở vòng loại World Cup suốt từ tháng 6 rồi tiếp tục bị bào mòn sức lực ngay cả khi gặp các đối thủ có thể thắng đậm được như Lào hay Campuchia, những Quang Hải, Hoàng Đức, Ngọc Hải, Tiến Linh, Văn Toàn, Văn Đức nhanh chóng xuống sức, đánh rơi phong độ.
"Kép phụ" thiếu đất diễn
HLV Park Hang-seo luôn đề cao sự an toàn, bắt đầu từ hàng phòng ngự. Ở AFF Suzuki Cup 2018, thủ môn Văn Lâm và các hậu vệ Trọng Hoàng, Văn Hậu, Đình Trọng… đã tạo nên bức tường chắc chắn, góp công quan trọng đưa tuyển Việt Nam đến "ngôi vương". Vấn đề là khi đó, nhà cầm quân người Hàn Quốc tin dùng một số "kép phụ" đúng người, đúng thời điểm, trao cơ hội để họ tỏa sáng. Huy Hùng và Đức Huy, hai tiền vệ trung tâm ghi bàn ở trận chung kết lượt đi với Malaysia, là ví dụ.
Còn ở AFF Cup 2020, hai "kép phụ" kịp để lại dấu ấn là trung vệ Thành Chung và hậu vệ Tấn Tài, dù Thành Chung chỉ đá chính 5 trận trong bối cảnh các trụ cột thay nhau bị thẻ phạt và chấn thương còn Tấn Tài được ra sân 286 phút với 3 lần có tên trong đội hình xuất phát. Khi Văn Thanh thi đấu không tốt trước Thái Lan, nhà cầm quân Hàn Quốc quyết định "tất tay" với Tấn Tài và hậu vệ người Bình Định đã thi đấu tuyệt hay ở hiệp 1 trận đấu giữa Việt Nam và Thái Lan. Với Thành Chung, HLV Park Hang-seo đặt nhiều niềm tin nơi hậu vệ CLB Hà Nội khi anh đá chính 5/6 trận ở AFF Cup 2020.
Khi ông Park bị "nắn gân"
Ổn định bộ khung có mặt lợi là giúp cho tuyển Việt Nam tìm được sự gắn kết cao. Thực tế có thời điểm, đoàn quân của HLV Park Hang-seo đem đến cảm giác thăng hoa cho người xem, như trận thắng tưng bừng 3-0 trước Malaysia. Tuy nhiên, nó cũng có mặt trái là giúp đối phương dễ dàng tìm ra phương án khắc chế do đã quá quen thuộc với nhân sự, lối chơi.
Từng đánh bại Indonesia đến 4-0 ở vòng loại World Cup 2022 nhưng tuyển Việt Nam lại bất lực trong việc tìm đường vào khung thành của đội bóng xứ Vạn đảo khi tái đấu ở vòng bảng. HLV Shin Tae-yong đã nghiên cứu kỹ sức mạnh của tuyển Việt Nam và đã thành công trong mục tiêu cố thủ để giành 1 điểm. Trước Thái Lan, đội tuyển Việt Nam cũng không thể làm nên chuyện khi HLV Mano Polking đã quá hiểu các học trò của ông Park Hang-seo.
Ở cuộc họp báo trước trận bán kết, HLV Mano Polking thậm chí còn chơi trò "nắn gân" khi khẳng định đồng nghiệp Park Hang-seo sẽ sử dụng 1 cầu thủ trẻ ở hàng trung vệ tuyển Việt Nam. Ông Polking còn tuyên bố chắc nịch về việc HLV Park Hang-seo sẽ thay những ai vào sân khi các vị trí chơi không tốt. Thực tế đã cho thấy tuyển Việt Nam hoàn toàn bất lực trước người Thái, không ghi nổi bàn thắng vào lưới đại kình địch sau 180 phút so tài...
Kỳ tới: Từ chuyện Quế Ngọc Hải bị tước băng đội trưởng