Hậu bán vốn cho Johnnie Walker, ông lớn thương hiệu 120 năm Halico lỗ quý thứ 22
Ông lớn Halico với thương hiệu huyền thoại Vodka Hà Nội tiếp tục chìm trong thua lỗ. Tuy nhiên, doanh nghiệp còn đất vàng, lượng tiền mặt lớn. Hiệu quả sau thương vụ bán cổ phần cho ông chủ Johnnie Walker vẫn là câu hỏi.
CTCP Rượu và nước giải khát Hà Nội - Halico (HNR) vừa công bố báo cáo tài chính quý III/2022 với doanh thu tăng 43% so với cùng kỳ lên gần 20 tỷ đồng. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế quý III/2022 âm 1,36 tỷ đồng. Đây là quý thứ 22 liên tiếp doanh nghiệp này báo lỗ, kể từ quý II/2017 khi Halico bắt đầu công khai kết quả kinh doanh.
Lũy kế 9 tháng, Halico ghi nhận lỗ hơn 8 tỷ đồng, còn cách khá xa số lỗ dự kiến 25 tỷ đồng cho cả năm 2022.
Tính đến hết quý III/2022, Halico ghi nhận khoản lỗ lũy kế hơn 450 tỷ đồng.
Dù vậy, doanh nghiệp có thương hiệu hơn 120 năm tuổi của Việt Nam vẫn còn hơn 613 tỷ đồng tiền trong quỹ đầu tư phát triển và 200 tỷ đồng vốn góp của chủ sở hữu. Sau khi trừ số lỗ lũy kế hơn 450 tỷ đồng, Halico vẫn còn vốn chủ sở hữu hơn 363 tỷ đồng.
Như vậy, thương hiệu 120 năm tuổi của Việt Nam tiếp tục sa sút, thua lỗ và giá cổ phiếu tụt giảm từ mức hơn 210.000 đồng/cp cách đây 10 năm xuống mức 12.000 đồng/cp và nằm mãi ở mức này không có giao dịch. Halico sa sút cho dù có bề dày hoạt động, sở hữu đất vàng tại Hà Nội và có những sản phẩm từng làm mưa làm gió trên thị trường như nhãn hiệu huyền thoại “Vodka Hà Nội”.
Sự xuống dốc của "Vodka Hà Nội" diễn ra sau cái bắt tay với hãng rượu lớn nhất thế giới: Tập đoàn Diageo - chủ sở hữu nhiều thương hiệu rượu nổi tiếng thế giới như Johnnie Walker, Bailey, Smirnoff.
Hiện tại, cổ đông lớn của Halico gồm: Tổng CTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (52,29%) và Streetcar Investment Holding Pte. Ltd (45,57%).
Streetcar Investment Holding Pte. Ltd là một doanh nghiệp của Tập đoàn Diageo.
Thương hiệu phai mờ, chưa có tín hiệu bứt phá
Halico tiền thân là nhà máy Rượu Hà Nội do hãng Fontaine của Pháp xây dựng từ năm 1898. Giai đoạn 2012 trở về trước, Halico vẫn đều đặn có lãi trăm tỷ mỗi năm. Tuy nhiên, doanh thu và lợi nhuận giảm mạnh từ 2013 và bắt đầu thua lỗ kể từ 2015 cho tới nay.
Trong giai đoạn 2011-2012, tập đoàn rượu lớn nhất thế giới Diageo (sở hữu nhiều thương hiệu rượu như Johnnie Walker, Bailey, Smirnoff) thông qua Streetcar Investment Holding Pte. Ltd đã chi ra gần 2.000 tỷ đồng để sở hữu 45,5% cổ phần Halico. Vốn hóa Halico xác định theo mức giá Diageo đặt mua vào khoảng 4.300 tỷ đồng (so với mức 240 tỷ đồng như hiện tại).
Sự góp mặt của ông trùm ngành rượu thế giới được kỳ vọng sẽ mang đến những yếu tố tích cực hơn cho Halico. Tuy nhiên, thực tế cho thấy Halico sa sút nghiêm trọng, thương hiệu rượu Vodka Hà Nội đình đám một thời giờ đây vắng lặng.
Trong nhiều lần giải trình, theo Halico, công ty kinh doanh khó khăn do thị hiếu và yêu cầu của người tiêu dùng ngày càng thay đổi và khắt khe hơn. Halico phải đối mặt với tình trạng trốn thuế, hàng giả, hàng nhái…
Halico thua lỗ nặng cho dù sở hữu nhiều đất vàng tại tại Hà Nội (Nhân Đồng, Lò Đúc, Lĩnh Nam) và khu đất rộng hàng trăm nghìn mét vuông tại tại Yên Phong, Bắc Ninh dùng xây dựng Nhà máy sản xuất cồn rượu và hồ xử lý nước thải. Ngoài ra, Halico còn có đất tại Đà Nẵng và TP.HCM.
Cổ phiếu HNR của Halico lên giao dịch trên sàn Upcom kể từ 8/6/2018 với giá tham chiếu 31.900 đồng/cp. Cổ phiếu này hiện có giá 12.000 đồng và liên tục không có giao dịch khớp lệnh.
Sự sa sút của Halico xảy ra ngay sau khi bắt tay với gã khổng lồ của nước Anh. Nhưng nó cũng xảy ra trong bối cảnh công ty chứng kiến nhiều bê bối lãnh đạo, sự gia tăng thuế tiêu thụ đặc biệt và từ năm 2019 khi có Nghị định 100 kiểm soát chặt chẽ việc tiêu thụ sản phẩm bia rượu.
Vai trò của các cổ đông lớn là Habeco và Diageo khá mờ nhạt tại Halico. Trong nhiều năm gắn bó với Halico, ông lớn Diageo chỉ là mang về cho Halico hợp đồng gia công rượu, nhưng việc này đã chấm dứt từ năm 2017. Trong khi đó, Habeco trải qua một thời kỳ tái cấu trúc khó khăn, vật lộn trước sự bành trướng của các thương hiệu khác, trong đó có cả ông lớn Sabeco.
Sở dĩ Halico trở thành mục tiêu của các tập đoàn đa quốc gia săn đón chính là thương hiệu rượu nổi tiếng đình đám một thời với sản phẩm Vodka xanh và sở hữu nhiều hệ thống phân phối, và đặc biệt là nắm trong tay miếng bánh không nhỏ trên thị trường đồ uống bình dân. Thương hiệu Vodka Hà Nội từng làm mưa làm gió tại các quán nhậu, nhà hàng bình dân Việt Nam.
Trước khi mua cổ phần Halico, Diageo đã có mặt tại Việt Nam và ghi dấu ấn với các sản phẩm rượu phục vụ tầng lớp trung lưu. Song, doanh nghiệp Anh quốc này lại gặp nhiều rào cản khi thâm nhập vào thị trường rượu bình dân vốn đang là nơi ngự trị của Halico.
Thương hiệu Vodka Hà Nội gần như mất tích trong 2 năm gần đây, thay vào đó là nhiều thương hiệu bình dân khác. Giai đoạn 2010-2011, Halico ghi nhận nhận doanh thu kỷ lục, trên nghìn tỷ đồng.
Theo nhiều chuyên gia, các tập đoàn kinh doanh nước ngoài thường không quan tâm tới thương hiệu có là biểu tượng quốc gia hay không mà mục tiêu chính vẫn là thu lợi được nhiều nhất có thể. Các tập đoàn lớn nước ngoài có thương hiệu mạnh tầm cỡ quốc tế và điều họ cần ở doanh nghiệp nội có thể là hệ thống phân phối và cách thức thâm nhập, mở rộng thị phần.