Hậu COVID-19, cảnh giác rối loạn tâm thần dẫn đến trầm cảm
Một trong những điều mọi người lo lắng nhất sau mắc COVID-19 là vấn đề liên quan bệnh lý tâm thần, thần kinh. Ban đầu chỉ là sự lo lắng và lâu dần dẫn đến trầm cảm, mất ngủ, rối loạn ý thức.
Một khảo sát trên gần 700 bệnh nhân tới khám hậu COVID-19 tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang (Hà Nội) trong gần 2 tháng cho thấy, mệt mỏi là triệu chứng khó chịu phổ biến nhất khiến người dân đi khám.
Báo cáo này được trình bày tại hội nghị khoa học lần thứ nhất về khám và điều trị COVID-19 do Bệnh viện Đa khoa Đức Giang (Hà Nội) tổ chức ngày 4/6.
Các bác sĩ cho biết chỉ trong gần 2 tháng (tính từ ngày 24/1 đến 15/3), bệnh viện này đã tiếp nhận gần 700 bệnh nhân đến khám hậu COVID-19.
Trong số này, tỷ lệ bệnh nhân từng mắc COVID-19 mức độ nhẹ hoặc trung bình chiếm 74,2%; mức độ nặng đến nguy kịch là 25,8%. Thời gian mắc bệnh trung bình của các bệnh nhân này là 10 ngày. Thời gian trung bình tới khám sau khi kết thúc cách ly là hơn 22 ngày.
Các triệu chứng khó chịu nhất khiến người bệnh phải đến khám là mệt mỏi (chiếm 89,4%); ho (43,6%); tức ngực, nặng ngực (21,1%); hụt hơi (20,9%); khó thở (17%) và mất ngủ (8,9%).
Số liệu này tương đương với nhiều nghiên cứu khác về hậu COVID-19. Theo Bộ Y tế, các triệu chứng hậu COVID-19 rất đa dạng, có đến 203 triệu chứng khác nhau, có thể xuất hiện sau khi đã hồi phục, hoặc tồn tại dai dẳng từ đầu, hoặc tái phát theo thời gian.
Triệu chứng phổ biến nhất, là: Mệt mỏi, khó thở, đau cơ xương khớp, giảm hoặc mất vị giác hoặc khứu giác, suy giảm nhận thức, rối loạn giấc ngủ, ho, đau ngực...
Ảnh hưởng về thần kinh, tâm thần là hai trong số nhiều biểu hiện chủ yếu của hậu COVID-19. Theo đó, nhiều bệnh nhân gặp tình trạng sương mù não, mất mùi vị kéo dài, bệnh não và đột quỵ. Còn vấn đề về tâm thần như trầm cảm, stress sau chấn thương, lo âu, cô lập xã hội.
Theo GS.TS Nguyễn Văn Kính, Phó Chủ tịch thường trực Tổng Hội y học Việt Nam, khoảng 5-20% bệnh nhân COIVD-19 gặp di chứng kéo dài. Nhiều trường hợp mắc COVID-19 kéo hơn 2 tuần, cả tháng, thậm chí 3 tháng hoặc lâu hơn.
Vị chuyên gia cũng chia sẻ, vấn đề mọi người lo lắng nhất sau mắc COVID-19 liên quan bệnh lý tâm thần, thần kinh. Ban đầu chỉ là sự lo lắng và lâu dần dẫn đến trầm cảm, mất ngủ, rối loạn ý thức.
Tại hội nghị khoa học ngày 4/6, ông dẫn ví dụ từ trường hợp một lao công ở bệnh viện tại Phú Thọ. Người phụ nữ này đã khỏi COVID-19 được 3 tháng nhưng lúc nào cũng u uất, lo sợ, luôn nghĩ rằng bệnh COVID-19 vẫn đang tiến triển trong cơ thể và khả năng mình sắp chết.
Từ trạng thái lo sợ, bệnh nhân trầm cảm và tìm cách tự tử bằng thuốc diệt chuột.
Theo hướng dẫn mới nhất về phục hồi chức năng và tự chăm sóc các bệnh có liên quan sau mắc COVID-19 của Bộ Y tế ban hành nửa cuối tháng 5, nếu gặp tình trạng lo âu hay tâm trạng xấu đi, hay có ý nghĩ muốn làm hại bản thân sau khi khỏi COVID-19, người bệnh cần sự trợ giúp khẩn cấp từ nhân viên y tế.
Bộ Y tế lưu ý, nếu tình trạng mệt mỏi kéo dài mặc dù đã tự điều chỉnh về nhịp độ và các hoạt động ưu tiên, ảnh hưởng rõ rệt đến sức khỏe và sinh hoạt hằng ngày kèm theo một số triệu chứng như sau, cần đi khám tại phòng khám chuyên khoa để được chẩn đoán và điều trị phù hợp:
- Mệt mỏi sau khi làm việc gắng sức và kéo dài trên 24 giờ;
- Ngủ không yên giấc;
- Suy giảm trí nhớ hoặc khả năng tập trung;
- Đau cơ, đau nhiều khớp nhưng không sưng, nóng, đỏ; đau họng hoặc loét miệng; đau đầu…
TS. Nguyễn Văn Thường - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đức Giang cho biết, trong hơn 1 năm qua, bệnh viện tiếp nhận, điều trị cho gần 5.000 F0, trong đó hơn 60% là bệnh nhân nặng và nguy kịch. Trong số này có một trường hợp phải thở ECMO, 430 ca thở máy xâm nhập/không xâm nhập, 426 ca lọc máu và gần 1000 ca thở oxy...
Gần 4.600 F0 tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang đã được điều trị khỏi, 384 bệnh nhân tử vong (chủ yếu là người trên 75 tuổi, kèm theo bệnh nền). Có những thời điểm, Bệnh viện rất khó khăn về nhân lực, dù vậy, các nhân viên y tế đều tận tâm, tận lực, hết lòng vì người bệnh. Thậm chí, có thầy thuốc tự nguyện ở lại bệnh viện đến 4-5 tháng không về nhà.
Võ Thu