Hậu Covid-19, doanh nghiệp xuất khẩu cá tra sẽ tận dụng tốt EVFTA?
Tính đến hiện tại, xuất khẩu cá tra của Việt Nam đi các thị trường nói chung và EU nói riêng vẫn chưa hết khó. Tuy nhiên nhiều doanh nghiệp vẫn đang kỳ vọng xuất khẩu cá tra qua EU sẽ phục hồi tốt hơn sau dịch và họ có thể tận dụng được các lợi thế từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA).
Vẫn chưa hết khó
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), tính đến nửa đầu tháng 8/2020, tổng giá trị xuất khẩu cá tra sang EU đạt 85,55 triệu USD, giảm 34,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, giá trị xuất khẩu sang ba thị trường đơn lẻ là: Hà Lan giảm 27,5%; Đức giảm 36,7% và Tây Ban Nha giảm 13,4%.
Các thống kê từ VASEP cho thấy, hiện có khoảng hơn 30 doanh nghiệp xuất khẩu cá tra sang thị trường EU, trong đó, có 20 doanh nghiệp xuất khẩu cá tra sang thị trường lớn trong khu vực là Hà Lan. Công ty Cổ phần Thủy sản NTSF (NTSF SEAFOODS); Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn (VINH HOAN CORP) và VINH QUANG là ba công ty có giá trị xuất khẩu cá tra lớn nhất sang Hà Lan trong 8 tháng đầu năm qua.
Trong thời gian này, Việt Nam xuất khẩu các sản phẩm cá tra nổi bật như: Cá tra tẩm bột chiên đông lạnh; cá tra phile đông lạnh, cá tra cắt khúc/miếng đông lạnh, cá tra tẩm gia vị đông lạnh… sang thị trường EU.
VASEP nhận xét, dù EU vẫn là thị trường xuất khẩu cá tra lớn thứ 3 của doanh nghiệp thủy sản Việt Nam (sau Trung Quốc và Mỹ) nhưng cho tới nay vẫn chưa có dấu hiệu phục hồi về xuất khẩu cá tra sang thị trường này. Lý giải nguyên nhân xuất khẩu cá tra sang EU sụt giảm, VASEP cho biết, hoạt động giao thương bị ngưng trệ do nhiều quốc gia tại EU là tâm điểm của đại dịch, trong đó có 2 quốc gia lớn là Italia và Tây Ban Nha. Mặc dù nhu cầu tích trữ lương thực tại nhiều quốc gia châu Âu gia tăng, hệ thống bán lẻ và kênh bán hàng online tốt hơn nhưng hoạt động xuất nhập khẩu lại bị ngưng trệ do hệ thống vận tải biển bị đứt quãng, giao dịch thương mại cũng ngưng.
Sẽ tận dụng tốt hơn sau dịch?
Ngày 1/8/2020, Hiệp định EVFTA đã chính thức có hiệu lực. Đây được đánh giá là một hiệp định toàn diện với nhiều lợi thế về thuế quan cho doanh nghiệp cá tra khi xuất khẩu qua EU. Vì thế, trước đó nhiều doanh nghiệp cá tra Việt Nam đã hi vọng rằng, sẽ có một bước nhảy trong hoạt động xuất khẩu sang khối thị trường truyền thống rộng lớn này khi cả hai nhóm sản phẩm cá tra nguyên con đông lạnh (HS 030324) và cá tra tươi, ướp lạnh (HS 030272) đều được giảm từ mức thuế cơ bản 8% xuống 0%; sản phẩm cá tra phile tươi, ướp lạnh (HS 030432) giảm từ 9% xuống 0%; cá tra phile đông lạnh (HS 030462) cũng được giảm từ 5,5% xuống còn 0%; các sản phẩm cá tra chế biến (HS 1604) cũng được giảm thuế từ 14% xuống còn 0% trong vòng 3 năm.
Mức thuế giảm kể trên được khẳng định giúp tăng lợi thế cạnh tranh của cá tra Việt Nam tại EU so với các sản phẩm cá thịt trắng khác khi các sản phẩm cá thịt trắng bản địa vốn không phải chịu thuế nhập khẩu. Tuy nhiên, đến hiện tại hầu hết doanh nghiệp cá tra vẫn chưa thể tận dụng được lợi thế từ EVFTA. Song theo VASEP, việc chưa tận dụng được EVFTA là do yếu tố khách quan vì dịch bệnh. Hiện tại, nhiều doanh nghiệp vẫn đang từng bước tích cực nối lại đơn hàng với tối tác tại EU, đồng thời quy hoạch được vùng nuôi, xây dựng được các chứng chỉ theo tiêu chuẩn của thị trường EU để sẵn sàng “tăng tốc” vào EU sau dịch.
Theo đó, những doanh nghiệp như Tập đoàn Việt Úc, Công ty TNHH MTV Nam Việt, Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn, Công ty TNHH Phát triển Lộc Kim Chi đã đầu tư vùng nuôi cá tra theo Đề án liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp chất lượng cao vùng đồng bằng sông Cửu Long do tỉnh An Giang chủ trì triển khai.
Bà Nguyễn Thị Ánh - Tổng giám đốc Công ty CP Thủy sản Sông Tiền (SOTICO) - dự báo, thủy sản là sản phẩm phục vụ nhu cầu thiết yếu nên dù dịch có kéo dài thì thị trường vẫn cần, thêm vào đó khi EVFTA có hiệu lực sẽ tạo cú huých cho xuất khẩu trong thời gian tới.