Hậu Covid-19: Người châu Á sợ điều gì nhất khi làm việc từ xa?
Người lao động tại các quốc gia châu Á dường như đang thích ứng rất tốt với hoàn cảnh phải làm việc từ xa. Tuy vậy, có rất nhiều ý kiến lo ngại về việc không còn ranh giới giữa cuộc sống và công việc.
Làm việc từ xa chỉ là sự thay đổi nhỏ với người dân Châu Á
Khảo sát về Chỉ số “Sẵn sàng Làm việc từ xa” (Remote Work Readiness - RWR) cho thấy, đại dịch Covid-19 đã hoàn toàn thay đổi cách thức chúng ta làm việc khi yếu tố địa điểm và thời gian không còn mang tính ràng buộc. Trong bối cảnh đó, hoạt động làm việc từ xa hoặc kết hợp cả tại văn phòng và tại nhà đang dần trở thành một hiện thực mới.
Nghiên cứu của Dell Technologies thu thập dữ liệu về khả năng sẵn sàng khi phải làm việc từ xa của 7.000 người lao động tại 7 quốc gia khu vực Châu Á - Thái Bình Dương gồm Nhật Bản, Úc, Ấn Độ, Indonesia, Malaysia, Singapore và Hàn Quốc.
Kết quả cho thấy, trước đại dịch Covid-19, làm việc từ xa không phải là điều gì đó quá lạ lẫm với người dân Nhật Bản. 72% số người Nhật tham gia khảo sát cho biết bản thân từng làm việc từ xa ở một mức độ nào đó trước khi các biện pháp kiểm soát đại dịch được thực hiện. Đáng chú ý khi trung bình, người Nhật dành ít nhất 3,7 ngày/tháng để làm việc từ xa.
Tuy vậy, Nhật không phải là quốc gia duy nhất mà hoạt động làm việc từ xa trở nên phổ biến. Thực tế cho thấy, nước này chỉ chiếm vị trí thứ 3 về tỷ lệ số người đã từng làm việc từ xa, thấp hơn Ấn Độ (85%) và Indonesia (75%).
Trong tổng số 7 nước tham gia khảo sát, đáng chú ý khi Singapore lại là quốc gia có tỷ lệ người từng tiếp xúc với hoạt động từ xa thấp nhất. Trước Covid-19, chỉ 40% người Singapore cho biết đã từng có trải nghiệm làm việc từ xa. Tất nhiên, kết quả này chỉ phản ánh một phần nào đó vấn đề dựa trên những dữ liệu mà cuộc khảo sát đã thu thập được.
Chia sẻ về các yếu tố tác động đến quá trình làm việc từ xa, giờ làm việc cố định và thời gian dành cho cá nhân là điều mà nhiều lao động cảm thấy quan tâm nhất (chiếm 38% số người được hỏi). Yếu tố quan trọng thứ 2 là độ ổn định của đường truyền Internet trong quá trình làm việc từ xa.
Các yếu tố khác mà người lao động nhắc đến là thiết bị, quyền truy cập vào tài nguyên của cơ quan, khả năng làm việc nhóm, bảo mật, việc hỗ trợ đào tạo để có thể tự làm việc từ xa và khả năng tương tác với đồng nghiệp.
Một nửa số người lao động tham gia khảo sát cũng cho biết họ cảm thấy lãnh đạo công ty mình đã làm mọi thứ để cung cấp cho họ nguồn tài nguyên cần thiết trong quá trình làm việc từ xa. Tuy vậy, tại Hàn Quốc và Nhật Bản, có khá nhiều người nói rằng cơ quan của họ không làm gì hoặc không biết phải làm gì để hỗ trợ nhân viên cả.
Người lao động sợ điều gì nhất khi làm việc từ xa?
Nếu không kể tới yếu tố liên quan đến quy trình vận hành như giờ giấc làm việc, 3 thách thức về mặt công nghệ lớn nhất mà những người làm việc từ xa phải đối mặt là tính ổn định của mạng Internet, quyền truy cập nguồn tài nguyên nội bộ và các công cụ hỗ trợ cá nhân để nâng cao năng suất.
Theo khảo sát của Dell Technologies, 44% người được hỏi tại Malaysia và 41% tại Indonesia cho rằng chất lượng Internet nước họ là một rào cản trong quá trình làm việc. Người Singapore lại gặp vấn đề về quyền truy cập tài nguyên nội bộ nhiều hơn so với các quốc gia khác. Trong khi đó, 28% người Nhật cần đến những công cụ giúp hỗ trợ năng suất lao động cá nhân.
Kết quả thống kê cũng cho thấy, sau đại dịch Covid-19, cứ 10 người được hỏi thì có 8 người (82%) cho rằng họ đã sẵn sàng để làm việc từ xa dài hạn. 11% không có ý kiến bình luận và chỉ có 7% còn lại cho biết họ không sẵn sàng để tiếp tục điều kiện làm việc này.
Đáng chú ý khi Nhật Bản là quốc gia có nhiều người cảm thấy không sẵn sàng để làm việc từ xa lâu dài nhất (chiếm 17%). Xếp ngay sát Nhật là Hàn Quốc với khoảng 9% người được hỏi cảm thấy không sẵn sàng.
Nhìn chung, phần lớn người lao động châu Á hậu đại dịch đã quen với việc phải làm việc từ xa. Tuy vậy, những người này cũng thể hiện quan ngại khi ranh giới giữa công việc và cuộc sống cá nhân đang ngày càng trở nên mờ nhạt.
Có tới 34% số người được hỏi lo sợ về việc trong quá trình làm việc từ xa, cuộc sống của họ sẽ bị ảnh hưởng bởi lãnh đạo cơ quan mất dần khái niệm giờ hành chính. Một lần nữa, người dân ở Nhật, Hàn Quốc và Singapore tỏ ra quan ngại mạnh mẽ nhất với vấn đề này.
Có thể thấy, cuộc khảo sát đã đem tới những góc nhìn mới mẻ mà các doanh nghiệp Việt Nam có thể tham khảo trong việc nắm bắt tâm lý nhân viên và thích ứng với hoàn cảnh làm việc mới hậu đại dịch.