Hậu Covid-19: Thách thức nào đang chờ đợi ASEAN?

Trong bài viết đăng trên mục Tiêu điểm châu Á của tờ Bangkok Post, tác giả Nareerat Wiriyapong đã nêu lên những thách thức mới đối với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) hậu đại dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19.

Nếu mối quan hệ căng thẳng Mỹ-Trung vẫn còn tồn tại hoặc xấu đi, Đông Nam Á sẽ cần đóng vai trò tích cực, mang tính xây dựng hơn trong việc giữ gìn hòa bình, an ninh và ổn định của khu vực. (Nguồn: Twitter)

Năm 2020 đánh dấu nửa chặng đường của hành trình 10 năm hướng tới hiện thực hóa Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025. Hành trình này bắt đầu với việc chính thức thành lập Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) vào năm 2015, và đề ra sự hội nhập khu vực sâu sắc hơn về các khía cạnh chính trị và an ninh trong 5 năm tới.

Thách thức từ an ninh phi truyền thống

Các nhà lãnh đạo và các nhà hoạch định chính sách trong ASEAN năm nay đánh giá tiến bộ đạt được về sự gắn kết chính trị, hội nhập kinh tế và trách nhiệm xã hội như một khu vực hướng ngoại trong cộng đồng toàn cầu.

Thế nhưng, đại dịch Covid-19 đang khiến các công việc này trở nên khó khăn hơn, vì tác động trên quy mô toàn cầu của dịch bệnh tạo ra điều kiện bất lợi hơn cho chủ nghĩa đa phương.

Đại dịch đã phơi bày sự thiếu chuẩn bị và kém hiệu quả của các thể chế và cơ chế đa phương. Kết quả là đã có rất nhiều phản ứng đơn phương khi cần các hành động tập thể, đa phương.

Những hạn chế đi lại quốc tế và khu vực, giãn cách xã hội và các biện pháp chống dịch khác đã khiến các cuộc họp trực tiếp không thể thực hiện.

Trong bối cảnh đại dịch hiện nay, các tiêu chuẩn y tế chung sẽ cần được đảm bảo trước khi các quốc gia thành viên có thể cân nhắc việc mở lại biên giới và nối lại các nỗ lực hội nhập.

Đại dịch và các mối đe dọa an ninh phi truyền thống khác đã xuất hiện thay vì những thách thức địa chính trị và kinh tế truyền thống mà các quốc gia thành viên đang phải đối mặt.

Tuy nhiên, nhờ khả năng điều chỉnh lịch trình của ASEAN, các nhà lãnh đạo khu vực đã nhanh chóng thích nghi với tình hình bằng các cuộc họp trực tuyến, hầu hết trong số đó là ưu tiên chống lại đại dịch.

“Sự hợp tác như vậy không chỉ mang lại những lợi ích cho ngành y tế công cộng, mà còn có lợi cho các kế hoạch hành động xây dựng cộng đồng của ASEAN trong bối cảnh mới bị ảnh hưởng bởi sự bùng phát của dịch bệnh”, bài viết nhấn mạnh.

Thách thức từ cạnh tranh Mỹ -Trung Quốc

Trong khi đại dịch làm bộc lộ một số rủi ro trong hội nhập và hợp tác ASEAN, khối này phải đối phó với tác động của bất đồng ngày càng tăng và sự cạnh tranh giữa Trung Quốc và Mỹ. Sự bùng phát của dịch bệnh đã tạo ra nhiều cơ hội lớn hơn cho Trung Quốc để phát huy sự hiện diện và ảnh hưởng ở ASEAN.

Vốn dĩ có thể dễ dàng dự báo được quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ trở nên căng thẳng hơn trong thời kỳ hậu Covid-19, song thực tế câu chuyện này không chỉ là sự đối lập của hai cường quốc có GDP đứng thứ nhất và thứ hai thế giới mà có lẽ đây là câu chuyện về sự thay đổi bản chất của lĩnh vực chính trị quốc tế.

Ban đầu, cả Mỹ và Trung Quốc đều có những toan tính khác nhau về mục tiêu thay đổi trật tự thế giới. Trong khi Mỹ đang ngày càng xa rời khỏi chủ nghĩa tự do do chính nước này đề ra, thì Trung Quốc có lẽ đang muốn xây dựng một trật tự mới, hoặc là thúc đẩy ảnh hưởng của nước này trong trật tự quốc tế không có Mỹ.

Khi Mỹ không thích Tổ chức Y tế thế giới (WHO) “nghiêng về phía Trung Quốc", Mỹ có hai lựa chọn là "không tài trợ" hoặc "tài trợ nhiều hơn nữa" cho tổ chức này. Kết quả cuối cùng, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chọn phương án đầu tiên, khiến hợp tác quốc tế trong chống dịch Covid-19 bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Thế giới hậu Covid-19 có thể là sự phục hồi của nền chính trị quốc tế theo kiểu “mạnh được yếu thua”. Có thể hình dung ra điều này khi nhìn vào các hành động của Trung Quốc thời gian vừa qua. Các nước lớn có quyền chi phối trong mọi trường hợp, dù bằng cách ép buộc hay là thông qua hợp tác.

Quan hệ quốc tế được bắt đầu từ “cam kết nhỏ” và dần tiến đến giai giai đoạn đối thoại. Trong giai đoạn toàn cầu hóa mạnh mẽ như hiện nay, quan hệ quốc tế mà các nước phụ thuộc chặt chẽ với nhau sẽ dần dần hình thành. Dịch Covid-19 lần này cũng cho thấy, sức mạnh giữa các quốc gia không chỉ thể hiện bằng sức mạnh quân sự.

Toàn cầu hóa sẽ giúp các quốc gia nỗ lực để không bị tụt hậu, song khi khủng hoảng toàn cầu xảy ra, các quốc gia có thể sẽ tự cắt đứt mối liên kết để bảo vệ lợi ích riêng và dịch Covid-19 lần này đã cho thấy điều đó.

Elina Noor, một thành viên thỉnh giảng của Viện Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Malaysia, nhận định trong một bài báo gần đây rằng nếu mối quan hệ căng thẳng Mỹ-Trung Quốc vẫn còn tồn tại hoặc xấu đi, Đông Nam Á sẽ cần đóng vai trò tích cực, mang tính xây dựng hơn trong việc giữ gìn hòa bình, an ninh và ổn định của khu vực.

Nếu ASEAN có nguyện vọng thống nhất và trung tâm, các quốc gia thành viên phải thể hiện sự lãnh đạo thông qua hành động quyết định đối với các vấn đề khó khăn. Trong một số trường hợp, điều này thậm chí có thể có nghĩa là phải sử dụng cơ chế dựa trên sự đồng thuận khác với trước đây và viện dẫn những cơ chế pháp lý quốc tế khi đàm phán lung lay.

Nói cách khác, bà Noor cho rằng, ASEAN phải vượt ra khỏi những lời hoa mỹ và hành động với sự thích ứng và gắn kết.

Và mặc dù có thể khó khăn hơn khi ASEAN vượt ra ngoài ngoại giao trực tuyến trong phần còn lại của năm 2020, bất kỳ thỏa thuận nào đạt được tại các cuộc họp - trực tuyến hoặc gặp trực tiếp - phải được chuyển thành triển khai thực sự. Điều đó có thể gây thách thức hơn trong bối cảnh đại dịch và hậu quả của dịch bệnh.

Cũng có những dấu hiệu rõ ràng rằng thế giới bao gồm ASEAN sẽ phải đối mặt với những gián đoạn vĩnh viễn và những điều chỉnh mới khi chúng ta chuyển sang thời kỳ hậu phong tỏa, hậu đại dịch.

Tuy nhiên, điều này mang đến cơ hội cho các nhà hoạch định chính sách trong khu vực đánh giá lại và củng cố các hệ thống và thể chế để kiên cường hơn và chuẩn bị tốt hơn cho tương lai.

Mal Ly

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/hau-covid-19-thach-thuc-nao-dang-cho-doi-asean-116772.html