Hậu Covid-19, Trung Quốc có lực đẩy cho đà phục hồi kinh tế bền vững

Mới đây, Caixin/Markit đã công bố chỉ số quản lý thu mua (PMI) của Trung Quốc trong tháng 8 đạt 53,1 điểm, tăng so với mức 52,8 điểm trong tháng 7.

Trong tháng 8, các nhà máy tại Trung Quốc ghi nhận số lượng đơn hàng xuất khẩu mới lần đầu trong năm nay, nhờ vào việc các quốc gia nới lỏng biện pháp kiểm soát để tái khởi động nền kinh tế. (Nguồn: Nikkei Asian Review)

Trong tháng 8, các nhà máy tại Trung Quốc ghi nhận số lượng đơn hàng xuất khẩu mới lần đầu trong năm nay, nhờ vào việc các quốc gia nới lỏng biện pháp kiểm soát để tái khởi động nền kinh tế. (Nguồn: Nikkei Asian Review)

Chỉ số PMI đạt mức trên 50 thể hiện hoạt động sản xuất có sự tăng trưởng. Đây cũng là tháng thứ 4 liên tiếp chỉ số PMI của Trung Quốc tăng, đồng thời cũng là mức tăng mạnh nhất kể từ tháng 1/2011.

Số liệu trên trái ngược với PMI chính thức được Tổng cục Thống kê Trung Quốc (NBS) công bố ngày 31/8. Theo đó, hoạt động sản xuất của Trung Quốc chậm lại trong tháng 8 do lũ lụt lớn ở miền Nam Trung Quốc đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất. Khảo sát của Caixin tập trung nhiều hơn vào nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ. Trong khi đó, PMI chính thức chủ yếu lấy ý kiến từ các doanh nghiệp lớn và các công ty nhà nước.

Nhìn chung, cả hai chỉ số PMI đều cho thấy dấu hiệu tích cực. PMI chính thức chỉ ra xu hướng tăng đơn hàng xuất khẩu mới. Trong khi đó, chỉ số của Caixin/Markit cho thấy, sức tăng ổn định trong các ngành dịch vụ chủ chốt, có thể làm lực đẩy cho đà phục hồi kinh tế bền vững sau đại dịch Covid-19.

Theo cuộc khảo sát của Caixin, trong tháng 8, các nhà máy tại Trung Quốc ghi nhận số lượng đơn hàng xuất khẩu mới lần đầu trong năm nay, nhờ vào việc các quốc gia nới lỏng biện pháp kiểm soát để tái khởi động nền kinh tế.

Sự phục hồi ở Trung Quốc một phần được thúc đẩy bởi Chính phủ trong đầu tư cơ sở hạ tầng. Bên cạnh đó, xuất khẩu cũng có khả năng phục hồi khi các lô hàng vật tư y tế tăng mạnh trong nửa đầu năm.

Đồng thời, thị trường lao động tại Trung Quốc cũng đang được cải thiện. Nhiều doanh nghiệp đã tăng tuyển dụng để đáp ứng nhu cầu sản xuất. Tuy nhiên, chỉ số theo dõi tình hình việc làm vẫn trong vùng âm trong vòng 8 tháng đầu năm.

Chuyên gia kinh tế học tại Caixin Insight Group Wang Zhe nhận định, thị trường lao động sẽ có bước ngoặt trong thời gian tới khi số lượng các đơn hàng tại các nhà máy đang tăng nhanh.

Ông khẳng định: "Lao động hiện nay vẫn là tâm điểm. Tăng trưởng trong thị trường lao động phụ thuộc vào khả năng cải thiện của nền kinh tế trong dài hạn. Bên cạnh đó, các chính sách hỗ trợ kinh tế vĩ mô là rất cần thiết, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế trong và ngoài nước còn bất ổn".

Trong một tin khác, ngày 31/8, tại Trung Quốc đã diễn ra Lễ khởi công cảng container tự động số 9, số 10 khu vận hành Đại Lãm Bình Nam, Khâm Châu, tỉnh Quảng Tây. Sau khi dự án hoàn thành, đây sẽ là cảng container tự động thứ 5 của Trung Quốc, đồng thời là cảng tự động liên vận đường sắt - đường biển đầu tiên của Trung Quốc. Dự án bến container tự động số 9, số 10 dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2022.

Dự án lần này, cùng với công trình xây dựng cải tạo tự động hóa bãi tập kết container số 7, 8 khởi động năm 2019, sẽ là những dự án xây dựng trọng điểm phục vụ tuyến đường bộ, đường biển mới của khu vực miền Tây. Đây cũng là công trình quan trọng tạo cảng biển quốc tế khu vực Vịnh Bắc Bộ. Sau khi cảng container tự động Khâm Châu hoàn thành và đi vào hoạt động, cùng với năng lực di chuyển của luồng dẫn phía Đông cảng Khâm Châu, sẽ đáp ứng nhu cầu cập bến của tàu hàng trọng tải 200 nghìn tấn.

Về lĩnh vực du lịch, nhằm tăng cường nhận thức của xã hội, xây dựng tính pháp trị, đẩy mạnh quản lý giám sát ngành, tiêu chuẩn hóa trật tự thị trường, đồng thời thực hiện triển khai “Luật du lịch”, “Luật an ninh mạng”, “Luật thương mại điện tử”, Bộ Văn hóa và Du lịch, Trung Quốc đã ban hành “Quy định tạm thời quản lý dịch vụ du lịch trực tuyến”.

“Quy định” nêu rõ, kiên trì lấy nhân dân làm trung tâm, đặt “bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của khách du lịch” lên hàng đầu, tích cực phản ánh tiếng nói của nhân dân, quan tâm lợi ích lâu dài của doanh nghiệp; Kiên trì bảo đảm an toàn tư tưởng chính trị, an toàn tài sản sinh mạng, an ninh mạng; Kiên trì định hướng, tập trung quản lý thị trường tổng thể, bồi dưỡng và phát triển kinh nghiệm ngành nghề, giải quyết những khó khăn trong giám sát quản lý thị trường, trở ngại trong phát triển ngành nghề, khắc phục những lỗ hổng lập pháp trong lĩnh vực du lịch trực tuyến.

Quy định gồm 5 chương, 13 điều với một số nội dung đáng chú ý: Xác định rõ chủ thể liên quan và phạm vi áp dụng; Tăng cường tính trách nhiệm ngành của nền tảng du lịch trực tuyến; Giải quyết các vấn đề nóng của xã hội, đưa các vấn đề nóng như du lịch không đồng, bảo về quyền đánh giá, sử dụng thông tin khách du lịch vào quản lý giám sát, đặt ra các quy định tương ứng, thể hiện tính nghiêm minh trong quản lý ngành nghề, đồng thời cũng bảo vệ mức độ mở cửa và làm tốt công tác phòng chống dịch bệnh, phục hồi sản xuất kinh doanh.

(theo CCTV, Cổng thông tin Bộ Văn hóa và Du lịch Trung Quốc, Kinh tế nhật báo, Reuters)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/hau-covid-19-trung-quoc-co-luc-day-cho-da-phuc-hoi-kinh-te-ben-vung-123020.html