Hậu COVID-19, Việt Nam cần nhìn nhận lại việc phát triển đô thị thông minh
Theo TS Nguyễn Thành Phong, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đã khiến Việt Nam phải nhìn nhận lại việc mô hình phát triển đô thị nói chung và phát triển đô thị thông minh nói riêng.
5 hạn chế khi phát triển đô thị thông minh tại Việt Nam
Trong xu thế đô thị hóa và phát triển đô thị thông minh ngày càng gia tăng, việc phát triển đô thị thông minh được Việt Nam xác định là hướng đi trọng tâm cho các đô thị.
Định hướng phát triển đô thị thông minh là một trong những nội dung quan trọng được Bộ Chính trị chính thức đưa vào Nghị quyết 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Việc phát triển đô thị thông minh được Việt Nam xác định là hướng đi trọng tâm cho các đô thị.
Văn kiện Đại hội Đảng XIII về đường lối phát triển đất nước trong giai đoạn tới cũng đặt mục tiêu hình thành một số chuỗi đô thị thông minh tại các khu vực kinh tế trọng điểm phía Bắc, phía Nam và miền Trung và từng bước kết nối với mạng lưới đô thị thông minh trong khu vực và trên thế giới.
Trong chuỗi sự kiện Diễn đàn cấp cao và Triển lãm quốc tế lần thứ ba về công nghiệp 4.0 - Industry 4.0 Summit 2021, vào sáng 10/11, TS Nguyễn Thành Phong, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương khẳng định: Phát triển đô thị thông minh cũng nhận được sự quan tâm lớn của Chính phủ.
Đến nay, trên cả nước đã có 41/63 tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương đã hoặc đang triển khai xây dựng đề án phát triển đô thị thông minh, trong đó có đề án, kế hoạch được ban hành cho toàn tỉnh và đề án, kế hoạch ban hành cho một đô thị thuộc tỉnh. Tuy vậy việc triển khai đô thị thông minh tại Việt Nam vẫn gặp một số khó khăn.
Thứ nhất, nhận thức về đô thị thông minh từ nhu cầu của nhà quản lý (lãnh đạo ở địa phương), nhu cầu cung cấp sản phẩm của cộng đồng doanh nghiệp/chủ đầu tư hay từ nhu cầu thụ hưởng các dịch vụ của người dân chưa được nâng cao.
Thứ hai, tiêu chuẩn, quy chuẩn quy hoạch đô thị thông minh và hạ tầng kỹ thuật, công trình kiến trúc thông minh chưa được ban hành đầy đủ và đồng bộ.
Thứ ba, sự tham gia của cộng đồng, các thành phần kinh tế trong xây dựng đô thị thông minh còn hạn chế.
Thứ tư, việc triển khai đô thị thông minh còn riêng lẻ, manh mún. Các đô thị thông minh chưa mang tính đặc thù cho mỗi đô thị.
Thứ năm, nguồn lực cho phát triển đô thị thông minh bao gồm cả nguồn vốn và nguồn nhân lực còn nhiều hạn chế.
TS Nguyễn Thành Phong, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương.
Theo TS Nguyễn Thành Phong, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đã khiến cho các quốc gia trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng phải nhìn nhận lại nhiều vấn đề trong quá trình tồn tại và phát triển, đặc biệt trong đó có việc xem xét lại những mô hình phát triển đô thị nói chung và phát triển đô thị thông minh nói riêng.
“Bởi vậy, phát triển đô thị thông minh là hết sức cần thiết không chỉ đối với Việt Nam mà còn hữu ích đối với nhiều quốc gia khác trên thế giới”, ông Phong nhấn mạnh.
Phát triển đô thị thông minh là xu hướng chung của thế giới
Thượng tướng, PGS.TS Nguyễn Văn Thành, Phó Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương giải thích thành phố thông minh, là thành phố sử dụng công cụ điều khiển hệ tích hợp, kết nối giữa hệ thống thế giới thực và thế giới ảo, chủ đạo là tư duy hệ thống, phương tiện: sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông.
Thượng tướng PGS.TS Nguyễn Văn Thành, Phó Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương.
“Mục tiêu xây dựng thành phố có giá trị, có sức sống, có khả năng phục hồi và cạnh tranh, thước đo là sự hài lòng của cộng đồng dân cư; Tiêu chí đạt chuẩn các chỉ số An ninh, An sinh, An toàn về kinh tế, xã hội và môi trường sinh thái”, PGS.TS Nguyễn Văn Thành cho biết.
Trong khi đó, Ths. Vũ Thanh Thắng, Tổng Giám Đốc Công ty Công nghệ Bkav AI cho biết: Phát triển đô thị thông minh đang là xu hướng chung của thế giới. Đặc biệt, một trong những công nghệ mới nhất trong việc phát triển các đô thị thông minh là tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI).
Ông Thắng tiết lộ, từ giai đoạn 2018 - 2020, các quốc gia châu Âu như Anh, Đức đã đổ cả “núi tiền” để tích hợp công nghệ trí tuệ nhân tạo vào đô thị thông minh. Đặc biệt, năm 2020, Mỹ đã đầu tư 4,9 tỷ USD trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, Trung Quốc là hơn 10 tỷ USD vào lĩnh vực này.
Theo ông Thắng, một số ứng dụng của trí tuệ nhân tạo trong đô thị thông minh bao gồm, giáo dục thông minh, môi trường thông minh, camera trí tuệ nhân tạo, công nghiệp, dịch vụ thông minh,....
Đơn cử, với camera trí tuệ nhân tạo, hệ thống camera có thể nhận diện được khuôn mặt đối với một số đối tượng cần giám sát, đơn cử như tội phạm. Hoặc hệ thống camera thông minh giám sát dịch bệnh, phát hiện ra một số người không đeo khẩu trang, giám sát hệ thống hành chính quốc gia trong vấn đề tiếp dân, cảnh bảo nguy cơ cháy rừng, giám sát giao thông,...
Tại Trung Quốc, hiện nay có khoảng 200 triệu camera thông minh, tương ứng 14,4 camera/100 người; tại Mỹ là 50 triệu camera, khoảng 15 camera/100 người. Các nước Đức, Anh, Nhật có khoảng 5 triệu camera.
“Với quốc gia xấp xỉ 100 triệu dân, nếu Việt Nam sử dụng công nghệ camera thông minh với tỷ lệ 10 camera/100 dân trong việc giảm sát xã hội, sẽ thay thế cho khoảng 30 triệu người thực hiện nhiệm vụ này”, ông Thắng nói.