Hậu dịch Covid-19, cú sốc kinh tế thứ hai đối với Bắc Kinh có 'hình thù' thế nào?
Vào cuối tháng trước, các doanh nghiệp Trung Quốc còn lo lắng khi các đơn hàng nội địa bị hủy do lệnh phong tỏa. Một tháng sau, khi kinh tế trong nước bắt đầu hồi phục, họ lại có nỗi lo mới.
Hy vọng về một kịch bản hồi phục hình chữ V, trong đó kinh tế tăng vọt với tốc độ tương đương khi suy giảm, là viễn cảnh xa vời. (Nguồn: Bloomberg)
Sau khi đã suy giảm 17,2% trong hai tháng đầu năm, xuất khẩu của Trung Quốc, vốn chiếm 20% nền kinh tế, được dự báo sẽ còn tiếp tục chịu ảnh hưởng nặng nề.
Giám đốc một công ty dệt may cao cấp trụ sở tại Mỹ tiết lộ, họ ký hợp đồng với nhiều nhà máy khắp Trung Quốc, Việt Nam và các nước châu Á khác để cung cấp cho các thương hiệu như Hugo Boss, Ted Baker, Fila… Nhưng hiện nay, phần lớn đối tác đều ngừng đặt hàng, do các chuỗi cửa hàng trên khắp châu Âu và Mỹ đều phải đóng cửa do đại dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19.
“Khi chúng tôi khôi phục 100% công suất thì các thị trường ngoài nước lại đang đóng cửa hoặc chuẩn bị đóng cửa,” Giám đốc một công ty ở Trung Quốc cho biết.
Nhân tố thứ hai mà các doanh nghiệp Trung Quốc kỳ vọng có thể "bấu víu" để đi qua giai đoạn khó khăn là cầu nội địa. Tuy nhiên, rủi ro là, nhiều doanh nghiệp đã phá sản sau hai tháng tê liệt. Kết quả thăm dò vào tuần trước cho thấy, tỉ lệ thất nghiệp đã tăng từ 5,2 lên 6,2%, tương đương 5 triệu người mất việc làm, chưa kể nhóm lao động nhập cư chưa có việc trở lại và các lao động không có hợp đồng chính thức.
Tổ chức tư vấn Gavekal Dragonomics, có trụ sở tại Bắc Kinh dự báo, Covid-19 sẽ gây thiệt hại khoảng 115 tỷ USD tiền lương cho khối lao động nhập cư và thiệt hại này là vĩnh viễn, vì họ không có cơ hội làm bù. Thực trạng này khiến cầu nội địa tiếp tục giảm, trong bối cảnh ngành bán lẻ đã sụt giảm doanh thu 20,5% trong 2 tháng đầu năm.
Giáo sư Michael Pettis thuộc Đại học Bắc Kinh phân tích: “Trong khi vấn đề nguồn cung có thể được giải quyết tương đối nhanh, khôi phục cầu mới là vấn đề nan giải. Ngay cả những người không bị thiệt hại về thu nhập cũng có xu hướng phản ứng bằng cách hạn chế chi tiêu và tăng cường tiết kiệm”.
Biggi Stefansson, Giám đốc một công ty phân phối hải sản Iceland ở Trung Quốc, cho biết, doanh thu tháng 2 đã giảm 94% so với cùng kỳ năm ngoái. Anh hy vọng tháng 3 sẽ khá hơn, chỉ giảm 80% và tháng 4 con số này chỉ còn 50%. “Người tiêu dùng cũng bắt đầu muốn đi mua sắm nhưng vẫn còn tâm lý e dè, chắc sẽ phải mất một khoảng thời gian nữa để tập quán mới này biến mất”.
William Kerins, Giám đốc một công ty phân phối thịt tại Bắc Kinh cũng chia sẻ quan điểm này. “Tăng trưởng là kịch bản không ai chờ đợi trong năm nay. Một nửa Bắc Kinh nếu không mất việc thì cũng bị giảm lương”. Theo ông, phân khúc bình dân sẽ thiệt hại ít hơn, trong khi các mặt hàng xa xỉ bị ảnh hưởng nặng nề nhất, vì “không ai gọi đồ đắt tiền về để ngồi ăn trên sofa tại nhà cả. Thay vào đó họ sẽ ăn mì gói".
Một cuộc thăm dò của Rong360.com cho thấy, 64,4% sẽ kiềm chế chi tiêu sau khi bệnh dịch kết thúc và 31,4% khẳng định không có kế hoạch gia tăng tiêu dùng khi tình hình khả quan hơn.
Tuy nhiên, thực tế vẫn có những tia sáng dù còn le lói, mảng thương mại điện tử, đặc biệt là thực phẩm, vật tư y tế và sản phẩm rèn luyện sức khỏe tại nhà lại đặc biệt khởi sắc.
Kết hợp với tình hình ảm đạm ở các thị trường nhập khẩu chính của Trung Quốc đại lục, hy vọng về một kịch bản hồi phục hình chữ V, trong đó kinh tế tăng vọt với tốc độ tương đương khi suy giảm, là viễn cảnh xa vời. Phần lớn các chuyên gia dự báo, kinh tế Trung Quốc quý I sẽ tăng trưởng âm lần đầu tiên kể từ 1976. Nguy cơ suy thoái toàn cầu cũng đang hiện hữu.