Hậu Giang củng cố các đơn vị có chất lượng tín dụng thấp, chưa ổn định
Tính đến 31/3/2023, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách của tỉnh đạt hơn 3.535 tỷ đồng, tăng hơn 72 tỷ đồng so với năm 2022.
Ngày 13/4, tại hội nghị Ban đại diện Hội đồng quản trị, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Hậu Giang, bà Hồ Thu Ánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban đại diện, yêu cầu các đơn vị tiếp tục tập trung thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ để duy trì, nâng cao chất lượng tín dụng chính sách trong thời gian tới.
Tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng đối với các đơn vị có chất lượng tín dụng còn thấp, chưa ổn định. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ các đơn vị để theo dõi, nắm bắt tình hình thiên tai, xâm ngập mặn làm ảnh hưởng thiệt hại đến cây trồng vật nuôi xảy ra ở các địa phương.
Từ đó, kịp thời hỗ trợ nguồn vốn chính sách đến hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác ổn định đời sống và sản xuất kinh doanh; thực hiện tốt công tác quản lý và xử lý nợ rủi ro theo đúng quy định.
Theo ông Bùi Thanh Thuấn, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Hậu Giang, trong quý II/2023, ngân hàng tập trung triển khai cho vay tăng trưởng dư nợ đối với các chương trình tín dụng được giao năm 2023, đồng thời giải ngân hỗ trợ vốn đến 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo đủ điều kiện và có nhu cầu vay vốn.
Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh phối hợp tốt với đội đoàn thể nhận ủy thác triển khai tập huấn nghiệp vụ cho hội đoàn thể cấp cơ sở và ban quản lý tổ nhằm củng cố kiến thức về các quy trình, nghiệp vụ ủy thác của Ngân hàng Chính sách xã hội, góp phần nâng cao chất lượng tín dụng chính sách cũng như chất lượng ủy thác của hội đoàn thể.
Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh cũng sẽ chủ động phối hợp với các sở, ngành, phòng, ban chuyên môn tham mưu cấp ủy chính quyền địa phương thực hiện chương trình, kế hoạch, chỉ thị, nghị quyết của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, tạo việc làm, phát triển nông nghiệp, hỗ trợ cho các cơ sở sản xuất kinh doanh đầu tư phát triển sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh gắn với tín dụng chính sách xã hội.
Đồng thời, nâng cao công tác phối hợp giữa chi nhánh và hội đoàn thể nhận ủy thác để chất lượng hoạt động ủy thác nguồn vốn chính sách ngày càng ổn định và hiệu quả.
Đối với hoạt động ủy thác các tổ tiết kiệm và vay vốn cho Đoàn Thanh niên các cấp tỉnh Hậu Giang, trong quý I/2023, tình hình nợ xấu có chiều hướng gia tăng. Đến hết tháng 3/2023 tổng dư nợ là 357 tỷ, trong đó nợ xấu là 1,25%; 6 đơn vị cấp huyện có nợ xấu trên 1%; hai đơn vị cấp huyện ổn định nợ xấu dưới 1% là huyện Châu Thành và huyện Vị Thủy; dư nợ của Đoàn Thanh niên thấp nhất trong 4 hội đoàn thể nhưng tỷ lệ nợ xấu cao nhất trong 4 hội đoàn thể.
Ông Bùi Hữu Lộc, Bí thư Tỉnh đoàn Hậu Giang, cho biết, trước tình hình đó, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn đã triển khai một số nội dung trọng tâm năm 2023 trong Chương trình liên tịch với Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh.
Trong đó nhận định về thực trạng và có chấn chỉnh đối với một số cơ sở Đoàn chưa sát sao chỉ đạo; công tác kiểm tra, giám sát ở một số đơn vị còn chưa được coi trọng đúng mức; chất lượng công tác tuyên truyền, tập huấn còn hạn chế; việc bố trí cán bộ theo dõi chương trình chưa ổn định.
Đặc biệt là trong thời gian tới, Tỉnh đoàn sẽ phối hợp với Ngân hàng chính sách xã hội các cấp triển khai ứng dụng công nghệ số trong quản lý hoạt động ủy thác, hoạt động tổ tiết kiệm và vay vốn.
Báo cáo của ban đại diện Hội đồng quản trị, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Hậu Giang, đến 31/3/2023, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách của tỉnh đạt hơn 3.535 tỷ đồng, tăng hơn 72 tỷ đồng so với năm 2022. Doanh số cho vay trong quý I/2023 của Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đạt hơn 179 tỷ đồng, giảm hơn 70 tỷ đồng so với cùng kỳ 2022, với hơn 5,5 nghìn lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn.
Đến 31/3/2023, tổng nợ quá hạn và nợ khoanh của Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh là hơn 29 tỷ đồng chiếm tỷ lệ 0,84%/ tổng dư nợ. Trong đó, nợ quá hạn là hơn 6 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 0,18%/tổng dư nợ, tăng gần 1,3 tỷ đồng so với năm 2022; nợ khoanh hơn 23 tỷ đồng chiếm 0,66%/tổng dư nợ giảm hơn 800 triệu đồng so với đầu năm 2023.
Gần đây, trong triển khai nguồn vốn chính sách, tỉnh Hậu Giang gặp một số khó khăn, vướng mắc như nguồn vốn từ ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội để bổ sung nguồn vốn cho vay còn thấp (hơn 243 tỷ đồng, bao gồm cả nguồn vốn nhận ủy thác từ quỹ phát triển hợp tác xã tỉnh 40 tỷ đồng), chiếm 6,8% (bình quân toàn quốc 11%).
Tỉnh chưa có chính sách phát triển kinh tế- xã hội cần thiết khác gắn với tín dụng ưu đãi, chưa có chính sách phát triển trong lĩnh vực nông nghiệp, hỗ trợ đối với các sản phẩm OCOP. Vốn huy động tiết kiệm tiền gửi dân cư đến 31/3/2023 giảm so với đầu năm 2023 hơn 1,1 tỷ đồng. Nợ quá hạn tăng hơn 1.2 tỷ đồng so với đầu năm, xẩy ra tại 7/8 đơn vị.
Nhất là gần đây, chất lượng hoạt động giao dịch xã, chất lượng hoạt động của tổ tiết kiệm và vay vốn, chất lượng hoạt động tín dụng xã xếp loại tốt, chất lượng hoạt động tín dụng toàn tỉnh đều không đạt điểm định hướng, kế hoạch đề ra./.