Hậu Giang: Đẩy mạnh chuyển đổi số, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội
Thực hiện Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ về xây dựng chính quyền điện tử và chuyển đổi số giai đoạn 2021- 2025, định hướng đến năm 2030, tỉnh Hậu Giang đã phát huy mạnh mẽ vai trò của tổ chuyển đổi số cộng đồng; mô hình chuyển đổi số tiêu biểu cấp huyện...
Theo ông Đồng Văn Thanh - Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, Tỉnh xác định công nghệ thông tin là bước đột phá, tạo ra bước phát triển mạnh mẽ nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV đã đề ra “Đưa tỉnh Hậu Giang trở thành một trong những tỉnh phát triển khá của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long trong thời gian tới”. Từ đó, các sở, ngành, địa phương, doanh nghiệp và người dân trên địa bàn tỉnh đã tập trung triển khai thực hiện quyết liệt về chuyển đổi số, góp phần nâng cao nhận thức về chuyển đổi số.
Đến nay, tỉnh đã hoàn thành và đưa vào vận hành hiệu quả các nền tảng dùng chung thiết yếu, Trung tâm Giám sát điều hành đô thị thông minh; Ứng dụng di động Hậu Giang (Hau Giang app) được nhiều người dân sử dụng và đánh giá cao. Tỉnh Hậu Giang đã phát huy mạnh mẽ vai trò của tổ chuyển đổi số cộng đồng; mô hình chuyển đổi số tiêu biểu cấp huyện; tỉnh có cách làm hay là bố trí nguồn kinh phí chuyển đổi số đến cấp xã…
Hiện, toàn tỉnh Hậu Giang đã thành lập hơn 600 tổ công nghệ số cộng đồng tại tất cả các ấp, khu vực trên địa bàn tỉnh với hơn 4.000 thành viên tham gia để hỗ trợ người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến (tiếp nhận và xử lý trực tuyến hơn 369.000 hồ sơ), thanh toán không dùng tiền mặt (44% hộ gia đình đã cài đặt ví điện tử, tài khoản ngân hàng…), sử dụng app Haugiang (34% hộ gia đình đã cài đặt app)… Nhờ đó, cả 3 trụ cột về chính quyền số, kinh tế số và xã hội số của tỉnh đạt nhiều kết quả tích cực.
Bên cạnh đó, Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh đã cập nhật 1.851 thủ tục hành chính của các đơn vị trong tỉnh. Trong đó, cung cấp 395 dịch vụ mức 2, 140 dịch vụ mức 3 và 1.316 dịch vụ mức 4; 100% cơ quan nhà nước tham gia Hệ thống quản lý văn bản và điều hành; 100% văn bản giữa các đơn vị được ký số và chuyển hoàn toàn trên hệ thống; 100% xã, phường, thị trấn được trang bị hệ thống phòng họp trực tuyến, đảm bảo chất lượng họp trực tuyến ổn định. Hậu Giang đã đưa 105 sản phẩm OCOP và 904 sản phẩm nông sản lên sàn thương mại điện tử Vỏ sò và Postmart, tham gia giao dịch điện tử trên 2 sàn này.
Một trong những điểm nhấn về thực hiện chuyển đổi số của tỉnh Hậy Giang năm 2023 đó là việc thành lập Khu Công nghệ số tỉnh Hậu Giang, với quy mô 28,5ha… qua đó, đã tạo nhiều chuyển biến tích cực trong công tác quản lý điều hành của 3 cấp chính quyền; tạo môi trường giao tiếp khoa học và hiệu quả giữa các cơ quan nhà nước với nhau, cũng như giữa người dân và doanh nghiệp với chính quyền. Khu Công nghệ số đã góp phần nâng cao tính công khai, minh bạch và tăng mức độ hài lòng của người dân với chính quyền; đồng thời đã tăng đáng kể các chỉ số về cải cách hành chính, năng lực cạnh tranh và chuyển đổi số của tỉnh.
Những kết quả bước đầu của hoạt động chuyển đổi số đã góp phần tích cực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, đẩy mạnh thu hút đầu tư và phát triển các thành phần kinh tế của tỉnh. Năm 2022, môi trường đầu tư, kinh doanh của Hậu Giang được cải thiện tích cực. Các chỉ số (PAPI, PAR INDEX, SIPAS) đều tăng từ 5 bậc đến 26 bậc, trong đó, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) tăng 26 bậc, xếp thứ 12 cả nước và xếp thứ 3 vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Tốc độ tăng trưởng kinh tế GRDP của tỉnh đạt 13,94%, đứng đầu vùng Đồng bằng sông Cửu Long và vươn lên thứ 4 cả nước (tăng trên 30 bậc so với năm 2021). Tốc độ tăng trưởng kinh tế quý 1 năm 2023 tăng 12,67% (lần đầu tiên tăng trưởng quý của tỉnh được xếp đạt mức cao nhất cả nước).
Theo Hoàng Mẫn/dangcongsan.vn