Hậu Giang khôi phục nhịp sống và phát triển kinh tế

Sau khi Hậu Giang nới lỏng giãn cách từ Chỉ thị 15 xuống Chỉ thị 19, các hoạt động sản xuất, thương mại - dịch vụ; dịch vụ lĩnh vực đường thủy, bộ nội tỉnh bắt đầu hoạt động trở lại. Nhiều doanh nghiệp, các công trường xây dựng tiếp tục khởi công. Nhịp sống sinh hoạt của người dân sôi động hẳn lên sau thời gian tạm ngừng.

Công ty Cổ phần thủy sản Minh Phú Hậu Giang duy trì hoạt động theo phương án “3 tại chỗ”.

Công ty Cổ phần thủy sản Minh Phú Hậu Giang duy trì hoạt động theo phương án “3 tại chỗ”.

Với 71/75 xã, phường, thị trấn được công nhận “vùng xanh”, từ 12 giờ ngày 2/10, Hậu Giang chính thức áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 theo Chỉ thị số 19/CT-TTg ngày 24/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ; trừ các khu vực, địa phương đang thực hiện phong tỏa hoặc thiết lập cách ly y tế.

Nhiều hoạt động trở lại sau nới lỏng giãn cách

Bà Lê Thị Kiều Nương ở thị trấn Vĩnh Viễn, huyện Long Mỹ phấn khởi kể: “Do hạn chế đi lại để thực hiện giãn cách xã hội, nên gần 3 tháng nay tôi không thể về thành phố Vị Thanh thăm người thân. Sau khi có thông tin cho phép đi lại trong nội tỉnh, không chỉ riêng tôi mà bà con ai cũng vui mừng. Dù nới lỏng việc đi lại, nhưng ai cũng đã quen với việc tuân thủ thông điệp 5K; đi đâu cũng phòng sẵn 1 gói khẩu trang và chai nước khử khuẩn bỏ trong cốp xe để dùng. Nó trở thành vật bất ly thân rồi”.

Các bến đò nội tỉnh cũng đã hoạt động trở lại phục vụ người dân. Các chủ phương tiện rất thận trọng trang bị đầy đủ biện pháp an toàn về y tế khi đưa rước khách sang sông, như tuân thủ nghiêm nguyên tắc 5K và giảm số người đi trên chuyến đò. Ông Nguyễn Văn Út, chủ phương tiện đò ngang ở xã Vĩnh Viễn (huyện Long Mỹ) đi qua xã Vĩnh Thuận Tây (huyện Vị Thủy), chia sẻ: “Khi có thông tin cho hoạt động lại bến đò nội tỉnh, tôi rất vui. Hồi chưa có dịch, đò chở tầm 4-5 chiếc xe, nhưng bây giờ hoạt động lại, mỗi chuyến chỉ chở 2 chiếc qua sông. Tuy ít, nhưng cũng cảm thấy thỏa mãn cái “thèm” nghe tiếng nổ máy đưa đò đã gắn bó với cuộc đời tôi gần 20 năm nay”.

Rảo quanh thành phố Vị Thanh, trung tâm tỉnh Hậu Giang, thấy nhiều hoạt động trước đó ngừng hoặc chỉ phục vụ mang về, nay đã được phép mở cửa và phục vụ tại chỗ. Từ sáng sớm, các cửa hàng kinh doanh điện tử, đồ gia dụng, cửa hàng ăn uống và các chợ truyền thống, siêu thị… bắt đầu rục rịch đông khách. Nhiều người dân đổ về khu vực trung tâm thành phố Vị Thanh đông hơn thường ngày. Điều dễ nhận thấy là không khí mua bán có phần sôi nổi hơn những ngày trước đó, dù chưa tăng mạnh như kỳ vọng. Anh Trần Văn Tư ở phường 4 vui vẻ: “Đây là lần đầu sau hơn 2 tháng anh mới được ngồi uống cà-phê tại quán. Cái cảm giác khó tả khi được ra quán ngồi thư thả, sau nhiều ngày ở nhà. Mừng lắm, vì tình hình dịch bệnh đã khả quan hơn. Tuy nhiên, vẫn phải chú ý thực hiện 5K, tự bảo vệ sức khỏe vì dịch bệnh vẫn còn khó lường”. Còn chị Huỳnh Kim Phụng, chủ quán trà sữa Rich Tea, phường 1 cho biết: nhiều khách hàng gọi điện để biết có phục vụ tại chỗ chưa và khách đặt hàng để giao tại nhà cũng nhiều. Có lẽ do tâm lý mọi người đều thoải mái hơn sau khi nới lỏng giãn cách, người bán cũng mừng theo vì được hoạt động lại, nhân viên có việc làm. Tuy nhiên, quán cũng thông báo trước là hạn chế số khách ngồi mỗi bàn (không quá 4 người). Khách đi theo nhóm đông vẫn lưu ý chia ra để bảo đảm theo các quy định hoạt động tại chỗ.

Hiện tại có 104/2.635 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Hậu Giang áp dụng phương án sản xuất “3 tại chỗ” kết hợp “1 cung đường 2 điểm đến” đã được phê duyệt, với hơn 12 nghìn lao động. Hơn một trăm công trường xây dựng được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cũng đã đi vào hoạt động trở lại.

Không chủ quan trong phòng, chống dịch

Các bến đò ngang trong tỉnh đã hoạt động trở lại.

Các bến đò ngang trong tỉnh đã hoạt động trở lại.

Nhịp sống của người dân cũng như các hoạt động sản xuất kinh doanh hoạt động trở lại cho thấy dấu hiệu tích cực của bước phục hồi kinh tế. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp, nhất là hiện nay người dân ở TP Hồ Chí Minh và các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An… tự phát đi xe gắn máy trở về quê. Vì thế cần không được chủ quan, lơ là trong công tác phòng, chống dịch.

Chỉ trong mấy ngày đầu tháng 10, đã có hơn 7.400 người dân ở các tỉnh, thành phố trở về Hậu Giang và dự báo con số này tiếp tục tăng. Để tiếp nhận và thực hiện các biện pháp y tế, tỉnh phải kích hoạt lại tất cả các cơ sở cách ly tập trung tại các trường học, cơ sở giáo dục đã trưng dụng trước đó. Trong số người dân trở về, đã ghi nhận 51 trường hợp F0. Theo Chủ tịch UBND huyện Long Mỹ Nguyễn Thanh Giang, nếu người dân cứ tiếp tục tự phát về sẽ là áp lực rất lớn, vì năng lực cách ly và điều trị hiện nay của địa phương khó bảo đảm. Do vậy, ngành y tế cần phải nhanh chóng hướng dẫn triển khai sớm kế hoạch của UBND tỉnh về thí điểm cách ly F1 tại nhà. Bên cạnh những người dân được tiếp nhận về cách ly an toàn, vẫn không thể loại trừ có những trường hợp tự di chuyển từ các tỉnh, thành phố khác về qua đường mòn, lối mở,… và chưa được kiểm soát. Do đó, các địa phương đề nghị giữ lại một số chốt nội tỉnh nhằm tăng cường kiểm soát chặt người ngoài tỉnh về địa bàn.

Trước áp lực người dân trở về quá lớn sẽ dẫn đến quá tải các khu cách ly, Hậu Giang cũng đã có công văn kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các tỉnh Đông Nam Bộ không để người dân tự ý rời khỏi địa bàn. Theo đồng chí Đồng Văn Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo, Chỉ huy trưởng Sở Chỉ huy phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh, hiện nay, nhiều doanh nghiệp ở TP Hồ Chí Minh, Bình Dương… đã mở cửa trở lại, rất cần công nhân làm việc, do đó, bà con nên suy nghĩ kỹ. Còn nếu người dân muốn về thì đăng ký theo các kênh của tỉnh đã công bố, không nên tự phát về quê nhà lúc này.

Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang Nghiêm Xuân Thành, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh, cho biết: Tuy Hậu Giang đang kiểm soát dịch hiệu quả, nhưng nguy cơ dịch bệnh xâm nhập vẫn còn rất lớn. Phải chuyển kiểm soát dịch sang trạng thái mới, vừa kiểm soát dịch hiệu quả vừa khôi phục, phát triển kinh tế. Công tác phòng, chống dịch bám sát vào chỉ đạo của Trung ương và phù hợp với thực tế, linh hoạt kiểm soát dịch một cách an toàn, chủ động, đúng tình hình. Phòng, chống dịch vẫn là nhiệm vụ ưu tiên cao nhất trong thời điểm này.

Hiện Hậu Giang vẫn tiếp tục tuyên truyền, khích lệ người dân chung tay phòng, chống dịch, phát huy mô hình “người dân giám sát người dân”, nhất là kiểm soát những trường hợp cách ly tại nhà. Lấy xã phường, thị trấn là “pháo đài”, người dân là “chiến sĩ”, chủ thể, trung tâm trong phòng, chống dịch. Cấp ủy, chính quyền các cấp, mặt trận, đoàn thể chính trị - xã hội tăng cường tuyên truyền vận động người dân từ tỉnh khác về thực hiện nghiêm các quy định phòng, chống dịch. Thông tin rõ tỉnh đang có kế hoạch đón người dân, trong đó ưu tiên những người già, trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai... Nếu có nhu cầu trở về, người dân cần chủ động đăng ký qua các kênh đã công bố.

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/tin-tuc-kinh-te/hau-giang-khoi-phuc-nhip-song-va-phat-trien-kinh-te-668096/