Hậu Giang quyết tâm cao, phát triển tương xứng tiềm năng
Chiều ngày 23/4, Đoàn Công tác thành viên Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long - Trưởng đoàn công tác Thành viên Chính phủ làm việc với UBND tỉnh Hậu Giang về tình hình sản xuất kinh doanh, đầu tư công, xây dựng hạ tầng và xuất nhập khẩu trên địa bàn tỉnh theo Quyết định 435 của Thủ tướng Chính phủ.
Tiếp và làm việc với đoàn có ông Đồng Văn Thanh – Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang; cùng lãnh đạo đông đủ các Sở, Ban, Ngành của tỉnh.
Thừa lệnh Chủ tịch UBND tỉnh, báo cáo với Đoàn công tác, ông Nguyễn Đăng Hải – Giám đốc Sở Kế hoạch & Đầu tư tỉnh Hậu Giang cho biết: Từ đầu năm, Hậu Giang đã quán triệt các sở, ngành, địa phương trên tinh thần năm 2024 “là năm mà Tỉnh tập trung mọi nguồn lực phấn đấu về đích sớm các chỉ tiêu trọng yếu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025”.
Trên cơ sở đó, các đơn vị đã quán triệt và thực hiện các nhiệm vụ năm 2024 rất sớm và chủ động. Qua đó, Quý I/2024, tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh đạt nhiều kết quả quan trọng. Tốc độ tăng trưởng kinh tế GRDP đạt 6,83%, đứng thứ 2 vùng ĐBSCL. Sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh ổn định, thu hoạch vụ lúa Đông Xuân đạt năng suất và giá cả cao. Tình hình sản xuất công nghiệp tiếp tục phát triển, giá trị sản xuất công nghiệp tăng 12,48% so với cùng kỳ.
Theo ông Hải, giải ngân vốn đầu tư công đạt tiến độ đề ra, tập trung nguồn lực cho các công trình, dự án trọng điểm của địa phương, dự án có tính kết nối, lan tỏa cao. Khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã đã từng bước phát triển tích cực cả về số lượng và chất lượng. Tuy nhiên, tình hình kinh tế - xã hội địa phương còn một số tồn tại, hạn chế nhất định. Kinh tế - xã hội của Tỉnh tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức, khó khăn do giá nguyên vật liệu đầu vào tăng cao. Công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng còn nhiều vướng mắc, ảnh hưởng tiến độ thi công. Việc hiện thực hóa các chủ trương tạo quỹ đất sạch để thu hút đầu tư còn chậm.
Tại buổi làm việc, lãnh đạo các Sở, ngành tỉnh Hậu Giang đã trao đổi, trình bày nhiều khó khăn, vướng mắc nhờ đoàn công tác hỗ trợ tháo gỡ. Ông Mai Văn Tân – Giám đốc Sở GTVT tỉnh Hậu Giang cho biết: Hiện tại nguồn cát để cung ứng cho các dự án đường bộ trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn do các mỏ cát ở khu vực ĐBSCL đều tập trung cho tuyến cao tốc, dẫn đến giá thành tăng cao.
Từ đó, ông Tân kiến nghị Đoàn công tác có giải pháp, ý kiến những nơi có mỏ cát có thể hỗ trợ Hậu Giang trong thời gian tới có nguồn vật liệu đảm bảo trong việc xây dựng các tuyến đường trên địa bàn tỉnh. Về vấn này, ông Nguyễn Việt Cường – Phó Cục trưởng Cục Đường cao tốc Việt Nam (Bộ GTVT) cho biết: Hiện ĐBSCL đang thực hiện nhiều dự án và cần một trữ lượng cát rất lớn.
Tuy nhiên các mỏ cát còn thiếu, chưa đáp ứng được. Để xử lý trường hợp này, đối với mỏ cát đã được cấp, đề nghị chủ đầu tư, nhà thầu khẩn trương khai thác. Số lượng còn thiếu thì đề nghị UBND tỉnh tổ chức triển khai thủ tục khai thác cát ở những vị trí phù hợp để đáp ứng nhu cầu thực tế. Đối với cát biển, có trữ lượng rất lớn tuy nhiên chỉ sử dụng cho vùng nhiễm mặn, còn những nơi không nhiễm mặn thì không được triển khai.
Tương tự, ông Nguyễn Thanh Tú – Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế (Bộ Tư pháp) cho biết, sẽ ghi nhận ý kiến về yêu cầu hỗ trợ nguồn cát của Hậu Giang. Chính phủ đã thành lập Tổ Công tác giải quyết vấn đề về cát và vấn đề này sẽ được trao đổi với Tổ công tác để có hướng xử lý, hỗ trợ phù hợp. Bên cạnh đó, các thành viên Đoàn công tác còn lần lượt trả lời, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc các ngành ở Hậu Giang đề ra.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho rằng các đề xuất, kiến nghị của Hậu Giang về cơ bản đã được các Bộ, ngành phản hồi. Bộ trưởng đánh giá, những ý kiến đó đã giúp giải quyết những khó khăn, vướng mắc, tháo gỡ “điểm nghẽn” của địa phương, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà.
Từ đó, Bộ trưởng đề nghị các bộ, ngành tiếp tục nghiên cứu đầy đủ, thấu đáo những đề xuất, kiến nghị của địa phương từ mọi phương diện để có ý kiến tháo gỡ phù hợp cho tỉnh Hậu Giang. “Các đồng chí cần nghiên cứu kỹ hơn để tập hợp, báo cáo rõ ràng, rành mạch cho Thủ tướng Chính phủ, chuyển các Bộ, ngành liên quan”.
Đối với tỉnh, Bộ trưởng đề nghị, trong quá trình thảo luận, chuẩn bị báo cáo cần trình bày cụ thể những vấn đề còn vướng mắc chưa giải quyết được hoặc những khó khăn mới phát sinh để Đoàn công tác hoàn thiện báo cáo Thủ tướng. Đồng thời, Bộ trưởng đề nghị, trong phạm vi của tỉnh, chính quyền địa phương cần chuẩn bị nguồn lực về phổ biến, quán triệt tổ chức thực hiện nhiều luật quan trọng được thông qua như: Luật Đấu thầu, Luật Hợp tác xã, Luật Nhà ở, đặc biệt là Luật Đất đai. Đây là công tác hết sức quan trọng.
Cạnh đó, từ nay đến Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ tới, hướng tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV, tỉnh Hậu Giang cần tập trung thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm trên cơ sở kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, phối hợp các Bộ, ngành thực hiện thêm các đề án mới. Đồng thời, Bộ trưởng đề nghị Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hậu Giang tiếp tục quan tâm hỗ trợ công tác Tư pháp và THADS địa phương. Về vấn đề này, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Đồng Văn Thanh cho biết Chính quyền và các Sở, ngành luôn quan tâm và tiếp tục sẽ quan tâm đến công tác THADS.
Tiếp thu ý kiến của Trưởng Đoàn Công tác, ông Đồng Văn Thanh – Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang cho biết, tỉnh ghi nhận ý kiến của Đoàn Công tác và hoàn thiện báo cáo cũng như làm rõ nội dung kiến nghị để gửi cho Đoàn. Theo ông Thanh, Hậu Giang xác định năm 2023 và 2024 là 2 năm đột phá hoàn thành chỉ tiêu trọng yếu của nhiệm kỳ Đại hội. Mỗi ngành, mỗi địa phương phải không ngừng phấn đấu chọn từ 3 đột phá trở lên để có sự chuyển biến rõ nét, thay đổi tình hình.
Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang khẳng định trong thời gian tới tỉnh sẽ triển khai thực hiện việc hỗ trợ hạ tầng chuyển đổi số trong công tác Tư pháp trên tinh thần quyết liệt để đạt được những kết quả đáng kể. Theo ông Thanh, lãnh đạo Hậu Giang và các sở, ngành tỉnh đều rất quan tâm, ủng hộ và hỗ trợ công tác THADS tại địa phương.
Tháp tùng Đoàn Công tác của thành viên Chính phủ có sự tham gia của đại diện nhiều Bộ, ngành như: Bộ Giao thông vận tải, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ NN&PTNT, Bộ Công an, Bộ Tài nguyên và Môi trường… Cùng lãnh đạo các Vụ, Cục chuyên môn thuộc Bộ Tư pháp như: Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Văn phòng Bộ, Vụ Các Vấn đề chung về xây dựng pháp luật, Vụ Pháp luật quốc tế, Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và Theo dõi thi hành pháp luật…