Hậu Giang sẽ quy hoạch, phát triển 8 khu công nghiệp
Ông Nguyễn Phong Minh - Trưởng ban Quản lý các khu công nghiệp (KCN) tỉnh Hậu Giang cho biết: 'Sau gần 20 năm thành lập tỉnh, hiện nay tình hình thu hút đầu tư và tốc độ công nghiệp hóa của tỉnh phát triển rất mạnh'.
Ban Quản lý các KCN tỉnh Hậu Giang cho biết tỉnh đã quy hoạch và đang phát triển 2 KCN và 3 cụm công nghiệp tập trung (CNTT) với quy mô diện tích khoảng 800ha và 355ha đất Trung tâm Điện lực Sông Hậu. Vị trí các KCN được quy hoạch gần vùng nguyên liệu nông sản, thủy hải sản, gần thị trường tiêu thụ và gần nguồn lao động chất lượng cao trong khu vực ĐBSCL; giao thông thuận lợi về đường bộ (quốc lộ 1A, 61C, Nam Sông Hậu), đường thủy (sông Hậu, sông xáng Xà No) và Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ. Đây là điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư trong và ngoài nước.
Nguyễn Phong Minh - Trưởng ban Quản lý các KCN tỉnh Hậu Giang - Ảnh: VKK
Đến nay, nhiều doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước đã đến đầu tư xây dựng, sản xuất, kinh doanh tại Hậu Giang, góp phần đáng kể trong việc phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. Một số doanh nghiệp lớn đã đầu tư tại KCN Hậu Giang có thể kể đến như: Tập đoàn Chế biến tôm xuất khẩu Minh Phú, Tập đoàn Nước giải khát Tân Hiệp Phát, Masan Group, Nhà máy nhiệt điện Sông Hậu...
Diện tích các KCN hiện hữu hiện nay như sau: KCN Sông Hậu - giai đoạn 1: 290ha, tỷ lệ lấp đầy 100%; KCN Tân Phú Thạnh - giai đoạn 1: 201ha; tỷ lệ lấp đầy khoảng 75%; cụm CNTT Phú Hữu A - giai đoạn 1: 121ha, tỷ lệ lấp đầy 100%; cụm CNTT Phú Hữu A - giai đoạn 3: 50ha; tỷ lệ lấp đầy 100%; KCN Đông Phú - giai đoạn 1: 120ha; tỷ lệ lấp đầy 23%; Trung tâm Điện lực Sông Hậu: 355ha; tỷ lệ lấp đầy 70%. Như vậy, các cụm CNTT và KCN Hậu Giang gần như đã được lấp đầy gần hết.
Đến thời điểm hiện tại, tỉnh thu hút đầu tư 72 dự án (có 12 của nước ngoài) và 2 dự án kinh doanh kết cấu hạ tầng với tổng mức thu hút đầu tư từ trong nước là 74.377 tỉ đồng, ngoài nước là 3,8 tỉ USD. Tổng số lao động là 26.588 người. Đã có 52/72 cơ sở đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh.
Từ đầu năm đến nay, Ban Quản lý đã tiếp và làm việc với 18 nhà đầu tư đến tìm hiểu đầu tư với các ngành nghề như: xây dựng hạ tầng KCN, sản xuất thức ăn chăn nuôi, thủy sản, chế biến nông sản, nhựa xuất khẩu, may công nghệ cao…, đã thu hút 2 dự án đầu tư mở rộng với tổng vốn thu hút khoảng 180 tỉ đồng, 1 dự án đầu tư mới đang trình UBND tỉnh xin chủ trương với tổng vốn đăng ký đầu tư khoảng 3.500 tỉ đồng trong lĩnh vực chế biến thực phẩm, đồ uống, mỹ phẩm, vật liệu xây dựng.
Dự kiến trong tháng 7 này, Hậu Giang tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Hậu Giang năm 2022, với chủ đề “Doanh nghiệp đến, Hậu Giang vui”. Ban Quản lý các KCN tỉnh đã chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện nhằm phát huy vai trò trách nhiệm của các đơn vị trong công tác mời gọi, thu hút đầu tư, định hướng thu hút nhà đầu tư hạ tầng KCN, các lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, năng lượng tái tạo và công nghiệp hỗ trợ, thu hút doanh nghiệp có đóng góp ngân sách lớn, ít tác động đến môi trường.
Ông Nguyễn Phong Minh cũng cho biết: “Hạ tầng giao thông dù tỉnh cố gắng nhiều nhưng vẫn chưa hoàn thiện. Các KCN quy hoạch hiện nay đất sạch còn rất ít, dưới 100ha. Những khó khăn đó Hậu Giang sẽ khắc phục nhưng phải có thời gian. Vì vậy, nỗi lo lớn nhất của tỉnh khi doanh nghiệp muốn đến Hậu Giang là đất sạch để đáp ứng nhu cầu nhà đầu tư".
Hậu Giang là một trong những tỉnh có chính sách ưu đãi đầu tư hấp dẫn, nhà đầu tư được hưởng ưu đãi cao nhất khi đầu tư vào các KCN tỉnh Hậu Giang, vào 7/8 đơn vị hành chính cấp huyện thuộc địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặt biệt khó khăn. Cụ thể: Doanh nghiệp được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp 4 năm đầu, giảm 50% trong 9 năm tiếp theo; doanh nghiệp được hưởng mức thuế suất ưu đãi 10% trong 15 năm. Ngoài ra doanh nghiệp còn được miễn giảm tiền thuê đất tối thiểu là 11 năm, được miễn thuế nhập khẩu khi nhập khẩu máy móc thiết bị để tạo tài sản cố định.
Tỉnh Hậu Giang hiện tập trung mọi nguồn lực để phát triển công nghiệp, nên tỉnh ưu tiên bố trí nguồn ngân sách để giải phóng mặt bằng tạo ra đất sạch sẵn sàng cho công tác kêu gọi đầu tư trong thời gian tới. Cụ thể: Tại KCN Tân Phú Thạnh đang thực hiện giải phóng mặt bằng khoảng 38ha; KCN Đông Phú - giai đoạn 1 đang thực hiện giải phóng mắt bằng 60ha của nhà đầu tư hạ tầng Công ty cổ phần Đầu tư KCN Đông Phú.
Theo UBND tỉnh Hậu Giang, giai đoạn 2021-2030 tỉnh sẽ quy hoạch phát triển 8 KCN với tổng diện tích 2.233ha. Nhiệm vụ của tỉnh là tập trung đầu tư hạ tầng KCN. Xây dựng KCN với hạ tầng đồng bộ, KCN xanh đảm bảo môi trường, tạo ra giá trị bền vững, tăng thu cho ngân sách, tạo việc làm cho người lao động.
Quy hoạch được phân ra 2 giai đoạn. Giai đoạn từ 2021-2025 tiến hành quy hoạch 4 KCN với diện tích 784ha; xây dựng khu dân cư, khu tái định cư, khu dân cư thương mại và khu nhà xã hội; tạo ra sự phát triển đồng bộ. Giai đoạn 2 quy hoạch 4 KCN với diện tích còn lại trong 1.449ha.
Về đất sạch cho nhà đầu tư, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Nguyễn Văn Hòa cho biết: “Với hơn 90ha đất sạch Hậu Giang hiện có, chỉ một hoặc hai nhà đầu tư lớn thì đã hết đất. Tuy nhiên, nếu nhà đầu tư có nhu cầu, tỉnh và nhà đầu tư sẽ bàn cách cùng thực hiện. Đất quy hoạch KCN từ nay đến năm 2030 tỉnh đã có 2.233ha, trong đó giai đoạn 1 từ năm 2021-2025 có hơn 784ha. Về vị trí, tỉnh Hậu Giang có nhiều lợi thế cạnh tranh, nhiều ưu đãi đầu tư, tạo điều kiện cho DN đến với phương châm “Doanh nghiệp đến, Hậu Giang vui”.