Hậu Giang: Tăng cường công tác quản lý Nhà nước về quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị, trật tự xây dựng

Ngày 01/4, ông Trương Cảnh Tuyên - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hậu Giang đã ký ban hành Công văn số 404/UBND-NCTH về việc triển khai thực hiện Công văn số 909/BXD-TTr ngày 04/3/2024 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng về việc tăng cường công tác quản lý quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị, trật tự xây dựng, gửi: Giám đốc Sở Xây dựng; Trưởng Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh; Chủ tịch UBND huyện, thị xã, thành phố.

Một góc thành phố Vị Thanh bên bờ kênh xáng Xà No.

Một góc thành phố Vị Thanh bên bờ kênh xáng Xà No.

Theo Công văn này, UBND tỉnh Hậu Giang giao Sở Xây dựng: Chủ trì rà soát, tiếp tục thực hiện nội dung tại Công văn số 4860/BXDTTr ngày 26/10/2023 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng về việc triển khai thực hiện Công điện số 991/CĐ-TTg ngày 22/10/2023 của Thủ tướng Chính phủ. Tham mưu đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo việc tăng cường công tác quản lý Nhà nước về quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị, trật tự xây dựng trên địa bàn. Chủ trì thanh tra, kiểm tra đối với các dự án bất động sản đã và đang triển khai thực hiện đảm bảo việc tuân thủ quy hoạch chi tiết được duyệt, thiết kế xây dựng được thẩm định, phê duyệt, giấy phép xây dựng được cấp, đúng mục đích sử dụng đất và các nội dung khác của dự án đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, theo chức năng, nhiệm vụ được giao để kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị và trật tự xây dựng theo đúng quy định. Kiên quyết xử lý trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân để xảy ra vi phạm theo quy định.

UBND huyện, thị xã, thành phố: Phối hợp với các cơ quan chức năng thực hiện nội dung tại Công văn số 4860/BXD-TTr ngày 26/10/2023 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng về việc triển khai thực hiện Công điện số 991/CĐ-TTg ngày 22/10/2023 của Thủ tướng Chính phủ.

Đối với các dự án bất động sản đã bàn giao hạ tầng cho địa phương quản lý: Phối hợp với chủ đầu tư tăng cường quản lý đầu tư xây dựng, đảm bảo việc tuân thủ quy hoạch chi tiết được duyệt, thiết kế xây dựng được thẩm định, phê duyệt, giấy phép xây dựng được cấp, đúng mục đích sử dụng đất và các nội dung khác của dự án đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Đối với nhà ở riêng lẻ thuộc các khu vực, tuyến phố trong đô thị đã ổn định: Việc xây dựng phải tuân thủ quy hoạch xây dựng được duyệt hoặc phù hợp với quy chế quản lý kiến trúc, thiết kế đô thị được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ban hành, giấy phép xây dựng được cấp; đối với nhà ở riêng lẻ tại nông thôn kiểm tra việc tuân thủ quy hoạch chi tiết xây dựng điểm dân cư nông thôn, đúng mục đích sử dụng đất, đúng quy định về bảo vệ hành lang an toàn đường sông và đường bộ.

Việc quản lý trật tự xây dựng phải được thực hiện từ khi tiếp nhận thông báo khởi công đến khi công trình bàn giao đưa vào sử dụng nhằm phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời khi phát sinh vi phạm. Đối với công trình đã thi công hoàn thành, đưa vào sử dụng mà chủ đầu tư (chủ nhà) sửa chữa, cải tạo, chuyển đổi công năng sử dụng một phần hoặc toàn bộ phải kiểm tra việc xin giấy phép sửa chữa, cải tạo theo quy định, tuân thủ pháp luật về xây dựng và phòng cháy chữa cháy, bảo vệ môi trường và quy định của pháp luật có liên quan.

Tăng cường kiểm tra, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm hành vi vi phạm trật tự xây dựng của các công trình nhà ở riêng lẻ trong dự án bất động sản (nếu có) và nhà ở riêng lẻ thuộc các khu vực, tuyến phố trong đô thị đã ổn định, đảm bảo việc xây dựng và sử dụng đúng quy định pháp luật; kiên quyết xử lý trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân để xảy ra vi phạm; tổ chức cưỡng chế, xử lý dứt điểm các trường hợp vi phạm còn tồn đọng theo quy định.

Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh: Phối hợp với các cơ quan chức năng thực hiện nội dung tại Công văn số 4860/BXD-TTr ngày 26/10/2023 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng về việc triển khai thực hiện Công điện số 991/CĐ-TTg ngày 22/10/2023 của Thủ tướng Chính phủ. Đối với các dự án đầu tư trong Khu công nghiệp: Tăng cường quản lý đầu tư xây dựng, đảm bảo việc tuân thủ quy hoạch chi tiết được duyệt, thiết kế xây dựng được thẩm định, phê duyệt, giấy phép xây dựng được cấp, đúng mục đích sử dụng đất và các nội dung khác của dự án đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Việc quản lý trật tự xây dựng phải được thực hiện từ khi tiếp nhận thông báo khởi công đến khi công trình bàn giao đưa vào sử dụng nhằm phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời khi phát sinh vi phạm. Đối với công trình đã thi công hoàn thành, đưa vào sử dụng mà chủ đầu tư sửa chữa, cải tạo, chuyển đổi công năng sử dụng một phần hoặc toàn bộ phải kiểm tra việc xin giấy phép sửa chữa, cải tạo theo quy định, tuân thủ pháp luật về xây dựng và phòng cháy chữa cháy, bảo vệ môi trường và quy định của pháp luật có liên quan.

Tăng cường kiểm tra, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và phối hợp UBND huyện xử lý nghiêm hành vi vi phạm trật tự xây dựng của các công trình, nhà ở; phối hợp, kiến nghị cưỡng chế, xử lý dứt điểm các trường hợp vi phạm còn tồn đọng theo quy định. Kiên quyết xử lý trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân để xảy ra vi phạm.

Trong quá trình triển khai thực hiện, trường hợp có khó khăn, vướng mắc vượt thẩm quyền, các đơn vị kịp thời tổng hợp, báo cáo đề xuất gửi Sở Xây dựng để được hướng dẫn thực hiện theo đúng quy định. Đối với kết quả kiểm tra yêu cầu UBND huyện, thị xã, thành phố báo cáo gửi Sở Xây dựng đến hết ngày 15/4/2024.

Giao Sở Xây dựng chủ trì, tổng hợp báo cáo UBND tỉnh và Bộ Xây dựng trước ngày 01/5/2024. Đồng thời, theo dõi, đôn đốc UBND huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện Công văn này theo đúng quy định và kịp thời, hướng dẫn địa phương thực hiện khi có khó khăn, vướng mắc. Báo cáo định kỳ 6 tháng và năm (báo cáo 6 tháng trước ngày 05 của tháng 7 và báo cáo năm trước ngày 25/11) kết quả triển khai thực hiện về Sở Xây dựng để tổng hợp báo cáo theo quy định.

Huỳnh Biển

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/hau-giang-tang-cuong-cong-tac-quan-ly-nha-nuoc-ve-quy-hoach-xay-dung-quy-hoach-do-thi-trat-tu-xay-dung-372771.html