Hậu Giang: Xây dựng phát triển 2 sản phẩm du lịch đặc trưng
UBND tỉnh Hậu Giang vừa phê duyệt chương trình triển khai thực hiện các nhiệm vụ về phát triển du lịch trên địa bàn. Theo đó, từ nay đến năm 2025, Hậu Giang sẽ sẽ tập trung xây dựng thành công 2 sản phẩm du lịch đặc trưng du lịch trên tàu tuyến kênh Xà No đi làng khóm Cầu Đúc và du lịch sinh thái Khu Bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng, huyện Phụng Hiệp…
Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang thống nhất phê duyệt nội dung Chương trình triển khai thực hiện các nhiệm vụ về phát triển du lịch theo Kế hoạch số 213/KH-UBND ngày 22/12/2021 của UBND tỉnh Hậu Giang do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng (Chương trình số 02/CTr-SVHTTDL ngày 6/4/2022). Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang giao Giám đốc Sở, Thủ trưởng cơ quan, ban, ngành tỉnh và Chủ tịch UBND huyện, thị xã, thành phố theo chức năng, nhiệm vụ được giao, chủ động phối hợp triển khai thực hiện Chương trình, đảm bảo đúng tiến độ và đạt hiệu quả.
Trước đó, ngày 6/4/2022, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao Du lịch tỉnh Hậu Giang, Nguyễn Thị Lý đã ký ban hành Văn bản số: 02/CTr-SVHTTDL Chương trình
Triển khai thực hiện các nhiệm vụ về phát triển du lịch theo Kế hoạch số 213/KH-UBND ngày 22/12/2021 của UBND tỉnh Hậu Giang. Mục tiêu Chương trình này đến năm 2025, tỉnh Hậu Giang tập trung xây dựng thành công 2 điểm nhấn du lịch của tỉnh trong giai đoạn 2021 - 2025 vươn tầm khu vực và cả nước: Du lịch trên Tàu tuyến Kênh Xà No đi làng khóm Cầu Đúc và Du lịch sinh thái Khu Bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng, huyện Phụng Hiệp. Tổng số lượt khách tham quan du lịch đến tỉnh vào năm 2025 là 700.000 lượt, trong đó: 28.000 lượt khách quốc tế và 672.000 lượt khách nội địa; tổng thu từ du lịch năm 2025 đạt trên 300 tỷ đồng. Đến năm 2025 xây dựng ít nhất 8 điểm tham quan du lịch mới; đến năm 2030 đưa Khu Bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng vào danh mục các địa điểm tiềm năng phát triển Khu du lịch Quốc gia.
Theo đó, khai thác Tàu du lịch trên tuyến kênh xáng Xà No đi vùng khóm Cầu
Đúc - Khu Căn cứ Tỉnh ủy Cần Thơ tại thành phố Vị Thanh. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì phối hợp với Công ty Cổ phần xây dựng và Thương mại Vạn Phát, UBND thành phố Vị Thanh và Sở, ngành liên quan khai thác hiệu quả Tàu du lịch Xà No như: Tiếp tục thực hiện các giải pháp hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp khai thác hiệu quả Tàu du lịch Xà No; phát huy sản phẩm bằng việc kết nối các điểm tham quan và các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn thành phố Vị Thanh; đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá giới thiệu sản phẩm Tàu du lịch trên website du lịch Hậu Giang, các ấn phẩm, bảng hiệu quảng cáo, tại các sự kiện quảng bá xúc tiến du lịch; quảng bá trên các màn hình Led và trên các phương tiện trực quan trong thành phố; trên Báo Hậu Giang, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh; trang thông tin điện tử của các Sở, ngành, địa phương; mạng xã hội… Thực hiện quảng bá trên Tàu du lịch (góc quảng bá, chiếu video, bản đồ, ấn phẩm, trưng bày các sản phẩm OCOP…); liên kết các doanh nghiệp du lịch, công ty lữ hành đưa khách tham quan, trải nghiệm Tàu du lịch.
Đề nghị UBND thành phố Vị Thanh khẩn trương và sớm hoàn thiện Dự án kè gia cố nâng cấp mặt đê Xà No đoạn từ cầu 6 Thước đến cầu Ba Voi; hoàn thành việc xây dựng cầu tàu khu vực 2, phường I, thành phố Vị Thanh để đưa vào khai thác phục vụ khách du lịch đến thành phố Vị Thanh nói chung và khách tham quan du lịch trên Tàu du lịch Xà No nói riêng.
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ động phối hợp với UBND thành phố Vị Thanh và các đơn vị liên quan xây dựng các tour, tuyến du lịch nhằm khai thác có hiệu quả các điểm tham quan du lịch dọc tuyến kênh xáng Xà No như: Khu di tích Chiến thắng Chương Thiện, di tích chiến thắng Vàm Cái Sình, du lịch cộng đồng vùng khóm Cầu Đúc, Khu Căn cứ Tỉnh ủy Cần Thơ tại thành phố Vị Thanh.
Khai thác Khu Bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng gắn với các di tích lịch sử trên địa bàn huyện Phụng Hiệp và chợ nổi Ngã Bảy. Đề nghị UBND huyện Phụng Hiệp và Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng chủ trì phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư và các Sở, ngành liên quan đầu tư giải phóng mặt bằng để thu hút đầu tư phát triển dịch vụ du lịch tại Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng (diện tích 9,7ha). Ngoài ra, phối hợp với UBND thành phố Ngã Bảy tiếp tục kêu gọi các nhà đầu tư xây dựng các cơ sở dịch vụ du lịch chất lượng cao, các khu du lịch sinh thái quy mô lớn phức hợp nhiêu dịch vụ tại khu du lịch sinh thái Trung tâm Nông nghiệp Mùa Xuân và khu dự án phục hồi Chợ nổi Ngã Bảy để tạo thành một tuyến du lịch phục vụ du khách trong và ngoài tỉnh khi đến Hậu Giang.
Đề nghị Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án du lịch sinh thái Khu Bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 1015/QĐ-UBND ngày 07/6/2021. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp Sở Kế hoạch và Đầu tư lập danh mục dự án kêu gọi đầu tư vào Khu Bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng.
Tham gia xây dựng Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo yêu cầu của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng, Sở, ngành liên quan cung cấp thông tin và đề xuất Tổng cục Du lịch tham mưu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy hoạch Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng thuộc xã Phương Bình, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang thành Khu du lịch Quốc gia vào Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đồng thời, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư cung cấp thông tin dữ liệu liên quan để lập Quy hoạch tỉnh Hậu Giang thời kỳ 2021 - 2030 đến năm 2050.
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Sở, ngành và đơn vị liên quan triển khai có hiệu quả Kế hoạch số 191/KH-UBND ngày 12/11/2021 của UBND tỉnh Hậu Giang triển khai Chương trình liên kết, hợp tác phát triển du lịch Thành phố Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2021 – 2025. Tăng cường liên kết với Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội để khai thác thị trường khách du lịch quốc tế, đồng thời liên kết các tỉnh, thành trong khu vực để khai thác thị trường du lịch nội địa.
Phối hợp với UBND huyện, thị xã, thành phố và các sơ sở kinh doanh du lịch trên địa bàn Tỉnh phát triển tuyến du lịch liên kết “Những nẻo đường phù sa” (Thành phố Hồ Chí Minh - Long An – Tiền Giang - Vĩnh Long - Cần Thơ - Hậu Giang - Sóc Trăng - Bạc Liêu - Cà Mau), đồng thời hàng năm, phối hợp với Hội đồng vùng, Tổ giúp việc tổ chức đánh giá hoạt động 03 tuyến du lịch “Những nẻo đường phù sa”, “Non nước hữu tình”, “Sắc màu vùng biên” và phát triển tuyến du lịch mới.
Phối hợp với UBND huyện, thị xã, thành phố và các sơ sở kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh liên kết doanh nghiệp du lịch, các công ty lữ hành từ Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long đưa khách tham quan, trải nghiệm tàu du lịch trên kênh xáng Xà No.
Tổng kinh phí thực hiện Chương trình là 500,4 tỷ đồng, trong đó: Nguồn vốn đầu tư công trung hạn 2021 - 2025: 64,9 tỷ đồng; Vốn đầu tư công dự kiến (đề nghị bổ sung) 179 tỷ đồng; Vốn ngân sách địa phương thực hiện dự án Xây dựng chính quyền điện tử và đô thị thông minh tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021 – 2025 là 10 tỷ đồng; Vốn xã hội hóa 226,5 tỷ đồng; Vốn chi sự nghiệp 20 tỷ đồng.
Mục tiêu của Chương trình là khơi dậy hiện thực hóa tiềm năng du lịch của tỉnh; nâng cao chất lượng các hoạt động và xây dựng sản phẩm trong lĩnh vực du lịch, quảng bá hình ảnh Hậu Giang với du khách trong và ngoài nước. Thực hiện Nghị quyết số 04- NQ/TU ngày 26/11/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hậu Giang về phát triển công nghiệp, nông nghiệp, đô thị và du lịch tỉnh Hậu Giang, giai đoạn 2021 - 2025 và các năm tiếp theo.