Hầu hết sinh vật trên Trái Đất biến mất 2 tỷ năm trước
Các chuyên gia phân tích mẫu đá ở vịnh Hudson và phát hiện số sinh vật trên Trái Đất từng giảm mạnh do lượng oxy thay đổi.
80 - 99,5% sinh vật cổ đại trên Trái Đất có thể đã chết do môi trường thay đổi sau thảm họa oxy (GOE) cách đây 2 - 2,4 tỷ năm, Newsweek hôm 2/9 công bố về kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học. Nhóm chuyên gia rất ngạc nhiên khi phân tích mẫu đá có niên đại hàng tỷ năm ở vịnh Hudson, Canada, và tìm ra dấu vết của sự kiện này. Đây là giai đoạn lượng oxy trên Trái Đất tăng lên rồi đột ngột giảm mạnh.
"Khoảng 100-200 triệu năm trước sự kiện, có rất nhiều sinh vật sống trên Trái Đất. Sau đó, một lượng lớn bị tiêu diệt mà không phục hồi lại như những cuộc tuyệt chủng gần đây", theo Peter Crockford, đồng tác giả nghiên cứu.
"Việc gọi sự kiện này là đại tuyệt chủng không hoàn toàn thích hợp, vì có thể chúng ta sẽ không bao giờ biết chính xác những loài vật nào biến mất. Tuy nhiên, có vẻ số lượng sinh vật trên Trái Đất khi đó đã giảm mạnh", ông nói thêm.
Phát hiện mới có thể giúp các nhà khoa học dự đoán tương lai xa của Trái Đất, theo Crockford. "Giống hai tỷ năm trước, sinh quyển ngày nay (trong đó có con người) phụ thuộc vào nền móng của chuỗi thức ăn, đó là vi sinh vật dưới biển và thực vật trên mặt đất. Khả năng cao lượng oxy sẽ không biến đổi nhanh và nhiều đến mức khiến con người quá chú ý, nhưng nó hoàn toàn có thể thay đổi trong vài tỷ năm tới", ông nhận định.
Sự kiện tuyệt chủng nghiêm trọng nhất giới khoa học từng biết đến là Đại tuyệt chủng kỷ Permi - kỷ Trias cách đây khoảng 252 triệu năm. Sự kiện này khiến 96% loài vật dưới biển và 73% loài có xương sống trên cạn biến mất.