Hậu phương vững chắc
Kỷ niệm 15 năm ngày cưới, Thiếu tá Lý Văn Thưởng, Trợ lý bảo vệ an ninh, dân vận, Phòng Chính trị Lữ đoàn pháo binh 164 (Quân đoàn 12) tổ chức bữa tiệc nhỏ để cảm ơn người bạn đời của mình là Lê Thị Hạnh luôn đồng hành, gắn bó, chia sẻ với những khó khăn, vất vả của bộ đội. Khuôn mặt chị Hạnh ánh lên niềm hạnh phúc vô bờ...
Anh Thưởng và chị Hạnh vốn học cùng trường thời phổ thông. Năm 2003, tốt nghiệp THPT, anh Thưởng viết đơn tình nguyện nhập ngũ, còn chị Hạnh trúng tuyển Trường Cao đẳng Y Dược Phú Thọ.
5 năm sau, trong buổi giao lưu giữa các trường đại học, cao đẳng, cả hai cùng tham gia và tình cờ nhận ra nhau. Lúc đó, thật nhiều kỷ niệm đẹp thời học sinh ùa về. Cũng chính lần gặp lại đó, chị Hạnh đã bị chinh phục bởi sự trưởng thành, chững chạc của người bạn trong bộ quân phục chỉnh tề. Sau hôm đó, cả hai nói chuyện, tâm sự với nhau nhiều hơn.
Chàng và nàng đều bận nên nghĩ thật đơn giản: Làm bạn 3 năm thời học sinh, ít nhiều đã biết được tính cách của nhau, lại cùng quê nên không mất nhiều thời gian để tìm hiểu. Vậy là chỉ sau một tháng gặp gỡ, họ đã chính thức kết đôi, nhận lời yêu trong sự ngỡ ngàng và niềm vui của các bạn cùng lớp.
Lúc đầu, mọi người cũng khuyên chị Hạnh lấy chồng bộ đội sẽ thiệt thòi, vất vả, nhưng những lần đến đơn vị thăm người yêu, chị cảm nhận được tình cảm gần gũi, ấm áp của các đồng chí và sự yêu thương, quan tâm, ân cần của anh nên càng có động lực muốn gắn bó và trở thành hậu phương bộ đội.
Tháng 11-2009, cả hai chính thức về chung một nhà. Sau đám cưới, anh nhập học tại Trường Sĩ quan Pháo binh, còn chị thuê căn phòng trọ nhỏ, làm việc ở Công ty Cổ phần Y dược Hoa Hồng (Hà Nội). Ngoài thời gian làm việc ở Công ty, chị còn nhận thêm nhiều công việc khác để có thêm thu nhập. Sợ chị vất vả, anh bàn với chị tạm thời kế hoạch, đợi khi nào kinh tế ổn định rồi tính tiếp.
Thế nhưng, chị bảo “con cái là lộc trời cho”, nếu con đến thì vui vẻ đón nhận, khó khăn về kinh tế sẽ tìm cách khắc phục. Và rồi, tháng 10-2010, anh chị vui mừng chào đón con trai đầu lòng Lý Trọng Thế. Chị sinh con, anh bận nhiệm vụ không về được. Vì thế, chị đưa con về với mẹ chồng nhờ sự trợ giúp. Bố chồng chị mất sớm, chỉ còn mẹ chồng, điều kiện kinh tế cũng rất vất vả.
Khi con trai 4 tháng tuổi, chị đưa con và mẹ chồng từ Bắc Giang lên Hà Nội để thuận tiện cả việc gia đình và việc của Công ty. Vừa kết hợp với chăm con nhỏ, vừa làm thêm nhiều việc nên nhiều đêm do mệt quá, chị gục xuống bàn ngủ thiếp đi, tỉnh dậy lại tiếp tục làm. Vậy mà, mỗi khi nhận được cuộc gọi từ anh, chị Hạnh thường chia sẻ với chồng những chuyện vui, những thành tích đạt được trong công việc; động viên anh nỗ lực học tập, công tác.
Anh ra trường, cuộc sống kinh tế được san sẻ, vơi bớt khó khăn. Anh chị bàn với nhau quyết định vay mượn ngân hàng, họ hàng, bạn bè mua mảnh đất nhỏ ở quê làm vốn để dành. Năm 2014, con gái Lý Hoài An chào đời. Cùng với hạnh phúc viên mãn về con cái là những khó khăn, vất vả mà cả hai phải đối mặt. Chị Hạnh tâm sự: “Nhớ nhất là khi con gái được 10 tháng tuổi, bị viêm phổi, người nóng như hòn than, sốt cao không hạ. Vậy là mẹ con bồng bế nhau vào viện cấp cứu. Ngoài trời thì lạnh mà trong lòng tôi nóng như lửa đốt vì lo lắng và sợ hãi... Khi Hoài An 20 tháng tuổi, lần nữa trong đêm tôi phải đưa con đi cấp cứu vì bệnh viêm phổi tái phát”.
Lúc con gái lên 3 tuổi, anh chị lại một lần nữa nhờ đến sự hỗ trợ của bạn bè, người thân, dựng lên ngôi nhà trên mảnh đất đã mua trước đó để đưa mẹ chồng và hai con về quê học. Anh Thưởng tiếp tục học thêm chuyên ngành, chị Hạnh vẫn ở nhà thuê tại Hà Nội để làm việc, cuối tuần tranh thủ về thăm mẹ và chăm sóc các con. Cuối tháng, anh Thưởng được nghỉ tranh thủ, cả nhà mới lại sum họp đủ đầy.
Phấn khởi khoe với chúng tôi về niềm vui năm nay anh sẽ có mặt ở nhà cùng đón Giao thừa với mẹ con chị, khẽ nhẩm tính, chị Hạnh bảo: "Kể cả Tết này nữa là chúng tôi đã có 15 năm bên nhau, nhưng số lần anh đón Tết cùng gia đình chưa đếm hết trên đầu ngón tay". Không có anh ở nhà, một mình chị vẫn đảm đang chu toàn nội ngoại hai bên, chăm lo cho các con không thua kém bạn bè. “Nhưng bảo không buồn là không đúng, bởi đêm Giao thừa vắng anh, nhìn sang nhà hàng xóm quây quần ấm cúng lại thấy tủi thân, chạnh lòng. Nhưng rồi, nghe điện thoại của anh, nhìn anh khoe thành quả chuẩn bị Tết của anh và đồng đội ở đơn vị, tôi lại thấy thương và tự hào về công việc của anh”.
Tết Giáp Thìn 2024, anh Thưởng trực sẵn sàng chiến đấu ở đơn vị. Ngày đầu năm mới, lo tết nội, tết ngoại xong, chị Hạnh và hai con lại cùng nhau lên đơn vị đón Tết cùng anh.
15 năm về chung một nhà, chị Hạnh luôn tâm niệm: “Yêu và lấy anh là bản thân đã xác định phải có sự cảm thông, vượt khó mới có thể vun vén hạnh phúc gia đình và là hậu phương vững chắc để chồng yên tâm công tác”. Với anh Thưởng, sự quan tâm, thấu hiểu và sẻ chia từ hậu phương là động lực mạnh mẽ để anh toàn tâm toàn ý trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, cũng như vun vén cho hạnh phúc gia đình.
Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/hau-phuong-vung-chac-810967