Hậu phương vững chắc của những người lính đảo

Để đất nước được vẹn toàn bờ cõi, để những hòn đảo của Tổ quốc mãi mãi sừng sững trong chủ quyền dân tộc, đòi hỏi những người canh giữ biển trời phải can trường và quả cảm. Bên cạnh đó, gia đình của các anh, những người vợ, người mẹ là hậu phương vững chắc.

Hai con gái của chiến sĩ Nguyễn Ngọc Hòa tự hào về những thành tích của bố đạt được trong công tác.

Đến thăm ngôi nhà của anh Nguyễn Ngọc Hòa, Khẩu đội trưởng CSB-4032, Hải đội 261, Cảnh sát biển vùng 2, tại xã Tiên Trang, huyện Quảng Xương, chúng tôi được biết chị Lê Thị Dung - vợ anh Hòa vừa cùng hai con gái đi thăm bố từ Đà Nẵng trở về, sau chặng đường dài đi xe nhưng dường như niềm vui được đoàn tụ với gia đình khiến chị Dung và hai cô con gái như quên hết những mệt mỏi. Chị Dung kể: Số lần anh Hòa được nghỉ phép về nhà, chị vẫn nhớ như in, bởi lẽ một năm anh mới được nghỉ phép một lần và lần nào về thì anh cũng phải đi gấp gáp khi nhận được lệnh gọi đột xuất từ đơn vị. Hai lần sinh con là hai lần chị một mình vượt cạn mà không có anh bên cạnh, những phần việc trong gia đình vốn chỉ dành cho đàn ông như sửa điện, sửa cái bàn, cái ghế,... chị cũng phải “xắn tay áo” vào làm. Hai đứa con lớn lên trong vòng tay chăm sóc của mẹ và quen dần với sự vắng mặt thường xuyên của bố.

Em Nguyễn Thị Thùy Dương - con của anh Nguyễn Ngọc Hòa, chia sẻ: “Bố ít khi được về nhà, xa bố lâu hai chị em nhớ bố lắm. Nhưng em rất tự hào và hãnh diện vì bố làm nhiệm vụ bảo vệ biển đảo của Tổ quốc. Những cuộc điện thoại bố gọi về cho gia đình, luôn căn dặn ba mẹ con yên tâm, giữ gìn sức khỏe, ở ngoài đảo bố cùng các đồng đội sẽ luôn giữ vững niềm tin bảo vệ biển đảo quê hương”.

Hầu hết những người cảnh sát biển đang thực thi nhiệm vụ tại Trường Sa đều còn rất trẻ, trong đó có những người vào những dịp nghỉ phép tranh thủ về xây dựng gia đình riêng như trường hợp của Thiếu úy Lê Khắc Dự, cũng ở xã Tiên Trang, hiện đang làm nhiệm vụ trên tàu CSB 2013. Năm 2009, trong thời gian về nghỉ phép anh đã xin phép gia đình làm lễ kết hôn với chị Nguyễn Thị Nguyệt là công chức tại địa phương, chỉ vỏn vẹn trong vòng 1 tuần sau khi cưới vợ anh nhận được lệnh khẩn cấp của đơn vị. Chị Nguyệt sống trong sự chăm lo của gia đình chồng, mẹ chồng động viên con dâu, ông bà động viên cháu hãy luôn làm hậu phương vững chắc cho chồng yên tâm canh giữ vùng biển của Tổ quốc. Mỗi khi nghe tin tàu của các anh vẫn bình yên mới thấy an tâm, với những cuộc điện thoại trong chốc lát, mọi thành viên trong gia đình đều kìm nén cảm xúc để không bật khóc.

Để các chiến sĩ vững vàng nơi đầu sóng, phải có một hậu phương vững chắc. Chị Trần Thị Tuyết ở thôn 2, xã Trung Thành, huyện Nông Cống là một hậu phương như thế. Năm 2009, chị Tuyết gặp anh Vỹ khi chị mới 20 tuổi đang làm tại căng tin cho một đơn vị bộ đội hải quân ở Đà Nẵng. Lúc đó anh là lính hải quân đã 28 tuổi. Sau một thời gian tìm hiểu chị Tuyết cùng anh Vỹ quyết định xây dựng mái ấm gia đình vào cuối năm 2009 và năm sau, cậu con trai kháu khỉnh ra đời trong niềm hạnh phúc của 2 bên gia đình. Từ khi sinh con, chị mới ý thức rõ được những vất vả của người vợ có chồng là lính đảo. Để có người đỡ đần con nhỏ, hai mẹ con chị quyết định về quê sinh sống, thời gian đầu hai mẹ con chị phải ở nhờ nhà anh trai.

Vào năm 2014 được sự quan tâm của Liên đoàn Lao động tỉnh, gia đình chị Trần Thị Tuyết đã được Quỹ Tấm lòng vàng Báo Lao động trao tặng 40 triệu đồng hỗ trợ gia đình xây dựng nhà ở. Được sự giúp đỡ của gia đình cùng với số tiền tích cóp của 2 vợ chồng, chị đã xây dựng được căn nhà làm nơi sinh hoạt cho hai mẹ con. Mặc dù cuộc sống còn nhiều khó khăn, nhưng chị Tuyết luôn cố gắng lo toan công việc ở nhà thật trọn vẹn để trở thành hậu phương vững vàng cho chồng làm tròn nhiệm vụ được giao.

Kể về chồng mình, chị Tuyết tâm sự: “Trước khi công tác trong lực lượng kiểm ngư, anh Trần Văn Vỹ là bộ đội hải quân ở Hải đội 311, Lữ đoàn 161 vùng 3, hải quân đóng tại bán đảo Sơn Trà, TP Đà Nẵng. Cũng giống như những người lính biển khác luôn đặt nhiệm vụ lên trên hết nên có khi phải 2 năm anh Vỹ mới về thăm gia đình. Có lần anh được nghỉ phép nhưng mới về đến Quảng Bình thì trong đơn vị lại gọi điện phải vào ngay”.

Cuộc sống gia đình luôn vắng bóng người chồng, người cha nhiều lúc làm các chị - những người vợ của lính biển không khỏi chạnh lòng. Song vượt lên tất cả, các chị lại tự động viên mình phải khắc phục khó khăn, tự vươn lên để vừa nuôi dạy con thơ, vừa là điểm tựa cho chồng yên tâm công tác. Họ có niềm tin sắt đá hướng về chồng và biển cả, với tâm nguyện mỗi người góp một phần nhỏ vì Tổ quốc bình yên.

Hoàng Lan

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/doi-song-xa-hoi/hau-phuong-vung-chac-cua-nhung-nguoi-linh-dao/133344.htm