Hậu quả của kháng kháng sinh trong nông nghiệp

Trong những năm gần đây, thế giới đã phải chứng kiến mối đe dọa ngày càng gia tăng của kháng kháng sinh. Nguyên nhân cơ bản là do việc sử dụng kháng sinh không hợp lý tại các cấp của hệ thống chăm sóc sức khỏe, trong nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi và trong cộng đồng.

Ảnh minh họa.

Kháng sinh được sử dụng trong chăn nuôi ở nước ta với 3 mục đích là trị bệnh, phòng bệnh, kích thích tăng trưởng. Việc bổ trợ thường xuyên một lượng kháng sinh liều thấp vào thức ăn, nước uống giúp diệt được vi khuẩn có hại, làm giảm chi phí thức ăn, tăng khả năng hấp thụ, giúp vật nuôi tăng trưởng đã từng được cho là giải pháp tốt.

Tuy nhiên, hiện nay, nhiều nước trên thế giới đã hạn chế, kiểm soát hoặc cấm sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi vì những tác động tiêu cực của nó.

Về nguyên lý, khi một loại kháng sinh được sử dụng nhiều lần, vi khuẩn sẽ trở nên thích nghi, "nhờn" với loại kháng sinh đó khiến các chủng vi khuẩn sinh ra biến thể mới để vô hiệu hóa tác dụng của thuốc. Việc kháng kháng sinh của vi khuẩn không chỉ gây tác hại trực tiếp tới vật nuôi mà bằng nhiều con đường khác nhau như sự tiếp xúc của người chăn nuôi, giết mổ; chất thải phát tán ra môi trường đã xâm nhập vào cơ thể con người.

Đặc biệt, ở không ít hộ chăn nuôi, trang trại, không đợi vật nuôi đào thải hết kháng sinh đã xuất bán tạo ra những tồn dư kháng sinh trong thực phẩm rất lớn gián tiếp hình thành sự đề kháng kháng sinh. Vi khuẩn kháng thuốc xuất hiện ngay trong môi trường tự nhiên khiến việc chữa bệnh cho vật nuôi trở nên khó khăn, thậm chí tồn dư kháng sinh gây nguy hiểm đến tính mạng con người.

Một số loại kháng sinh như: Dexametazon, Tetracyclin có tác dụng tăng trọng, nhưng nếu con người ăn phải sẽ gây ung thư hoặc các bệnh nghiêm trọng khác trong gan, thần kinh, hệ tiêu hóa, tim và có khả năng gây đột biến.

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/y-te/202211/hau-qua-cua-khang-khang-sinh-trong-nong-nghiep-ed60a5f/