Hậu quả của việc 'nước đến chân mới nhảy'
Trong khi các chủ phương tiện ô tô ồ ạt kéo nhau đi nộp phí bảo trì đường bộ thì hàng chục triệu xe máy vẫn đang chờ được thông báo việc thu phí bởi nhiều địa phương chưa nhận được bất kỳ chỉ đạo thực hiện nào.
>> Ô tô nhộn nhịp nộp phí, xe máy hoang mang chờ hướng dẫn...!
Chủ xe máy “án binh bất động”
Quỹ bảo trì đường bộ có hiệu lực được một tuần, Không ít chủ phương tiện ô tô đã nộp phí theo quy định. Sau bốn ngày thực hiện thu phí sử dụng đường bộ (tính đến hết ngày 5/1/2013), các trung tâm đăng kiểm trong cả nước đã thực hiện thu phí của 25.438 phương tiện, trong đó có 10.476 ôtô tải, với tổng số tiền hơn 51,3 tỉ đồng. Còn việc triển khai thu phí đối với mô tô, xe máy vẫn “án binh bất động”.
Theo lãnh đạo một số phường, xã, trên địa bàn Hà Nội, đến thời điểm hiện tại họ vẫn chưa nhận được bất kỳ thông báo, quyết định hay văn bản hướng dẫn nào liên quan đến việc thu phí bảo trì đường bộ đối với xe máy. Nhiều phường vẫn rất mù mờ về thông tin thu phí này.
Một lãnh đạo xã Mễ Trì, huyện Từ Liêm, mọi thông tin đến thời điểm này đều cập nhật qua tivi, báo đài thôi nên chưa có kế hoạch triển khai.
Trong khi đó, rất nhiều người lại bày tỏ quan điểm rằng, sao phương tiện ô tô lại có thể tiến hành thu phí được ngay khi có hiệu lực mà xe máy lại lúng túng, chờ hướng dẫn. Phải chăng, Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Tài chính ban hành quyết định thu nhưng lại không tính hết những khó khăn vướng mắc.
Anh Nguyễn Bá Hảo (thôn Đình Thôn, xã Mỹ Đình, huyện Từ Liêm, Hà Nội) cho biết: “Tôi cũng mới chỉ nghe trên ti vi nói chứ về phía UBND xã có thu hay không thì cũng chưa nhận được thông báo gì về vấn đề này”.
Được giữ lại 35% phí là quá nhiều?!
Theo thông tư liên tịch giữa Bộ Tài chính và Bộ Giao thông Vận tải hướng dẫn chế độ quản lý, sử dụng, thanh toán, quyết toán quỹ bảo trì đường bộ thì Phần để chi quản lý bảo trì đường bộ được phân chia cho quỹ Trung ương 65% và các quỹ địa phương 35%.
Theo đó, đối với phí thu từ xe ô tô, Hội đồng quản lý quỹ Trung ương lập kế hoạch thu, kèm theo thuyết minh chi tiết cơ sở tính toán; trong đó xác định phần trích để lại chi cho đơn vị tổ chức thu phí theo quy định; phần còn lại để chi quản lý bảo trì đường bộ được phân chia cho quỹ trung ương 65% và các quỹ địa phương 35%, trong đó chi tiết cho từng địa phương (các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương) gửi Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Tài chính.
Đối với phí thu từ xe mô tô, Hội đồng quản lý quỹ địa phương xem xét, phê duyệt kế hoạch thu và giao kế hoạch cho các đơn vị thực hiện. Trong đó, phần trích để lại chi cho đơn vị tổ chức thu phí theo quy định, phần còn lại để chi quản lý bảo trì đường bộ.
Mức bổ sung từ Ngân sách Trung ương, Bộ Tài chính xem xét kế hoạch thu, chi tài chính của quỹ để cân đối xác định phần chi bổ sung từ ngân sách trung ương cho quỹ, để tổng hợp trong phương án phân bổ chi ngân sách trung ương trình các cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Để đảm bảo việc sử dụng quỹ bảo trì đường bộ đúng mục đích, có hiệu quả, Bộ Giao thông Vận tải, Hội đồng quản lý quỹ có trách nhiệm phối hợp với cơ quan Tài chính cùng cấp thực hiện kiểm tra định kỳ, đột xuất tình hình quản lý, sử dụng quỹ bảo trì đường bộ.
Tuy nhiên, theo một số chuyên gia, việc trích quỹ cho địa phương tới 35% tổng số thu là quá nhiều, ảnh hưởng đến việc bảo trì đường bộ.
Thu phí bảo trì đường bộ qua tài khoản, thẻ thanh toán
Sau gần một tuần quỹ bảo trì đường bộ có hiệu lực, Bộ Giao thông Vận tải cho rằng, người sử dụng phương tiện ô tô bước đầu đã chấp hành tốt quy định về việc nộp phí sử dụng đường bộ, xác định được trách nhiệm và không có bức xúc về việc nộp phí. Nhiều chủ phương tiện chưa đến thời hạn nhưng đã đến nộp phí sử dụng đường bộ, các cơ quan đơn vị vận tải làm thủ tục nộp tiền chuyển khoản cho nhiều phương tiện của đơn vị.
Ngay khi quỹ bảo trì đường bộ có hiệu lực, ô tô đã tấp nập đi nộp phí.
Từ những kết quả bước đầu này, Bộ Giao thông Vận tải tiếp tục chỉ đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam và các trung tâm đăng kiểm làm tốt hơn nữa công tác kiểm định an toàn kỹ thuật, bảo vệ môi trường và thu phí sử dụng đường bộ đối với xe ô tô, chỉ các xe ô tô kiểm định đạt tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường mới được làm thủ tục để đóng phí, dán tem sử dụng đường bộ.
Ngoài ra, Bộ đã chỉ đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam in ấn, phát hành Tem phí sử dụng đường bộ; xây dựng phần mềm phục vụ việc tính phí, quản lý thu, nộp phí, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người nộp phí.
Hiện các đơn vị đăng kiểm đã hoàn thiện quá trình thu phí, trả biên lai, dán tem sử dụng đường bộ cho xe ô tô đến nộp phí và đang phối hợp với ngân hàng triển khai lắp đặt các thiết bị, cài đặt chương trình để thu phí thông qua chuyển khoản hoặc thẻ thanh toán.