Hậu quả khôn lường của thuốc lá điện tử (bài 2)
Có thể nói chưa khi nào thuốc lá điện tử lại thâm nhập vào một bộ phận giới trẻ (đặc biệt là học sinh, sinh viên) phổ biến như hiện nay. Việc này không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe lâu dài của người sử dụng mà trên thực tế đã xảy ra rất nhiều vụ việc học sinh phải cấp cứu vì ngộ độc khói thuốc. Nếu không có sự chung tay quyết liệt của gia đình và nhà trường thì hậu quả của 'trào lưu' này sẽ ảnh hưởng rất lớn tới tương lai 'những mầm non đất nước'.
Hút thuốc lá điện tử để “đú trend”
Ngày 7/12, Công an phường Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai, Hà Nội) phối hợp cùng Đội CSĐT tội phạm ma túy, Công an quận Hoàng Mai đã làm việc với trường Tiểu học Hoàng Liệt liên quan đến vụ nhóm học sinh lớp 3 nhập viện vì hút thử và hít phải khói thuốc lá điện tử. Trước đó 2 ngày, sau bữa ăn bán trú, một học sinh đã bỏ thuốc lá điện tử ra nghịch thì các bạn trong lớp tò mò hút hoặc hít phải khói thuốc dẫn đến buồn nôn, phải đưa đến Bệnh viện Bạch Mai kiểm tra.
Cùng trong tháng 12/2022, Bệnh viện Nhi Trung ương thông báo, tại Khoa Điều trị tích cực Nội khoa của bệnh viện tiếp nhận bệnh nhân mới 5 tuổi bị hôn mê, co giật, đồng tử giãn, mạch chậm sau khi uống nhầm dung dịch trong dụng cụ thuốc lá điện tử.
“Cháu bé có tiền sử mạnh khỏe, cháu nhặt được và uống khoảng 5ml dung dịch màu vàng trong lọ thủy tinh của thuốc lá điện tử. Chỉ 15 phút sau thì bị co giật toàn thân, nôn ói, hôn mê. Ngay lập tức cháu được đưa vào sơ cứu tại bệnh viện gần nhà và chuyển đến Bệnh viện Nhi Trung ương. Chúng tôi nghi ngờ cháu bị ngộ độc các thành phần trong dung dịch thuốc lá điện tử. Tuy nhiên, căn cứ vài triệu chứng co giật, đồng tử giãn, mạch chậm của trẻ thì không giải thích được hết tình trạng ngộ độc do nicotine - chất chủ yếu chứa trong thuốc lá điện tử”, bác sĩ tại Khoa điều trị tích cực Nội khoa, Bệnh viện Nhi trung ương cho hay.
Theo bác sĩ Ngô Anh Vinh – Phó trưởng khoa Sức khỏe vị thành niên, Bệnh viện Nhi Trung ương, đã có không ít trường hợp học sinh được đưa vào cấp cứu trong trạng thái kích thích, loạn thần, ảo giác hoặc suy hô hấp do ngộ độc các chất trong thuốc lá điện tử. Cụ thể trường hợp của em N.A (nam, 12 tuổi) được gia đình đưa đến bệnh viện trong tình trạng khó thở và co giật. Theo gia đình cháu bé thì N.A vốn là học sinh ngoan, học giỏi, nhưng bố đi làm xa, mẹ bận công việc nên không dành thời gian quan tâm, giám sát. Gần đây, N.A hay tụ tập với các anh lớp trên ở trường học và cùng các anh sử dụng thuốc lá điện tử. Sau đó, N.A tự lên mạng tìm mua hàng để được thoải mái hút.
Với các em ở tuổi dậy thì thì việc hút thuốc lá điện tử như là cách tỏ ra mình là người lớn hay “đú” với những bạn khác. Lê Hữu Thắng, học sinh lớp 11 của một trường dân lập ở quận Ba Đình cho biết, từng hút thuốc lá điện tử được hơn 2 năm nhưng vì mệt, ho nhiều nên đã bỏ. Theo Thắng, thuốc lá điện tử có nhiều loại với nồng độ nicotine từ 0% cho đến nhẹ, rồi “nặng đô” với nhiều hương vị như các loại hoa quả mix (trộn) với nhau, thậm chí có cả vị rượu, vị thuốc lá, vị trà. “Lần đầu tiên thử thuốc cháu thấy chân tay bủn rủn, thở dốc và phải dừng lại. Nhưng khi đã quen, cháu thường xuyên sử dụng. Có lần cháu đã cùng nhóm bạn góp tiền mua loại thuốc lá điện tử giá 10 triệu đồng một cây để thử. Một tháng, trung bình bọn cháu tốn khoảng 600.000 đồng cho loại dùng một lần, còn nếu mua loại dùng nhiều lần thì số tiền thấp hơn một chút”, Thắng chia sẻ.
Hút thuốc lá điện tử trở thành trào lưu mới của học sinh, vì nó thể hiện “chất chơi”. Lê Văn B. (học sinh lớp 10 ở quận Nam Từ Liêm) kể, nhiều bạn rút điếu thuốc lá điện tử ra hút để thể hiện độ “ngầu”, thuốc lá càng đắt đỏ, càng đậm nicotine càng oách. Thậm chí nhiều bạn còn biểu diễn kỹ năng “bắn O”, “bắn trái tim”…sau đó quay clip để đăng TikTok.
Cô Lưu Thị Lập, Hiệu trưởng trường THPT Hoàng Cầu, Hà Nội chia sẻ, việc bắt gặp học sinh hút thuốc lá điện tử không hề đơn giản. Các em thường vào nhà vệ sinh để hút, nhà trường phải có kế hoạch kỹ lưỡng mới “bắt tận tay” và răn đe được các em.
Để đưa ra giải pháp ngăn cấm học sinh hút thuốc lá, thầy Nguyễn Quốc Dương, phó Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Công Trứ (Quận Ba Đình) cho biết: “Nhà trường đã tăng cường công tác rà soát, kiểm tra trong khuôn viên trường, nhất là tại các khu vực khuất; phân công giáo viên nam lưu ý khu vực nhà vệ sinh... Những giải pháp xử lý cũng được nhà trường xây dựng như mời phụ huynh học sinh ký cam kết; tăng cường phối hợp với phụ huynh trong việc quản lý, hỗ trợ học sinh...”.
Cũng theo thầy Dương, căn cứ hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, nhà trường cũng đã triển khai tuyên truyền, phổ biến về bộ tài liệu hướng dẫn phòng ngừa thuốc lá. Để tăng cường hiệu quả, nhà trường không chỉ tuyên truyền một chiều, mà tổ chức nhiều hoạt động để học sinh tự tìm hiểu, tự nhận thức, từ đó chính các em trở thành một tuyên truyền viên. Tuy nhiên, việc phòng, chống thuốc lá điện tử trong trường học còn gặp không ít khó khăn, bởi loại thuốc này dễ mua, khó phát hiện do được “ngụy trang” bằng nhiều hình thức.
Mua thuốc lá điện tử dễ như... mua rau
Theo thông tin từ Tổng cục Quản lý thị trường – Bộ Công Thương, thuốc lá điện tử hiện chưa được cấp phép để phân phối ở Việt Nam. Thế nhưng qua tìm hiểu của phóng viên, trên mạng xã hội thuốc lá điện tử này được bán từ rất lâu và công khai. Chỉ cần lên mạng gõ từ khóa “mua thuốc lá điện tử”, hàng loạt trang bán hàng hiện ra với đủ loại thuốc lá điện tử khác nhau. Điển hình như: …chinhhang.com, saigonve…vn, thuocladientugi…com, shisha…net và hàng loạt website bán hàng chuyên nghiệp khác.
Trên trang web: thuocladien...com, có hàng trăm loại thiết bị, dụng cụ và tinh dầu được giới thiệu lời có cánh khiến người dùng không khỏi tò mò. Các bộ sản phẩm này được người bán cung cấp đủ thông tin để người mua lựa chọn. Giá cho mỗi sản phẩm này cũng rất đa dạng, từ vài trăm nghìn đồng cho đến cả triệu đồng. Còn về tinh dầu, có hai mức nicotine (nặng – nhẹ) cùng nhiều hương vị khác nhau để người tiêu dùng lựa chọn như: cocacola, nho, bưởi, vải, ổi…
Trong vai là một người có nhu cầu mua thuốc lá điện tử, phóng viên được một nhân viên bán thuốc lá điện tử tên Hùng tư vấn: “Các mặt hàng được bán tại Việt Nam chủ yếu được nhập từ Mỹ, Tây Ban Nha, Anh... Toàn bộ mặt hàng này đều được nhập ngoại nên an tâm về chất lượng. Chỗ của em yên tâm về giá cả và chất lượng, mua số lượng bao nhiêu cũng có, nếu muốn mở đại lý bên em cũng có thể cung cấp”. Tuy nhiên, khi chúng tôi hỏi đã được cơ quan kiểm định của Việt Nam đánh giá chưa thì người này không trả lời được.
Thuốc lá điện tử không chỉ bán tràn lan trên mạng mà trên địa bàn Hà Nội cũng có rất nhiều nơi bán trực tiếp. Theo ghi nhận thực tế của phóng viên, tại các cửa hàng thuộc địa bàn quận Cầu Giấy, Đống Đa, Hà Đông… cũng được giới thiệu và bày bán công khai mặt hàng này.
Trên một cửa hàng tên H.Q thuộc quận Cầu Giấy, chỉ vài chục mét vuông nhưng khói thuốc đặc kịt của khách hàng thử thuốc. Những người đến đây mua chủ yếu là thanh thiếu niên. Biết chúng tôi tìm mua tinh dầu thuốc lá, nhân viên tư vấn nhanh nhảu nói: “Thuốc lá ở đây có đủ chủng loại, các loại này sạc pin với công suất khác nhau, đầu thuốc có chứa tinh dầu giá của mỗi loại này là vô cùng, trung bình từ 300.000 đồng đến 2 triệu đồng. Thậm chí còn có những loại đắt hơn nhiều”.
Tương tự, một cửa hàng trên phố Quang Trung (Hà Đông) cũng trong tình trạng khói thuốc ngập ngụa, ở đây còn đa dạng hơn về thể loại như thuốc lá điện tử dùng một lần với khoảng 1.000 – 1.600 hơi hút. “Có thể dùng loại này xong bỏ đi, với phụ nữ phải hút được khoảng 5 ngày mới hết. Có rất nhiều hương vị để chị lựa chọn như dâu, bạc hà, xoài…”. Nói về nguồn gốc của những điếu thuốc lá điện tử và tinh dầu nhân viên tại đây tiết lộ, hầu hết các sản phẩm đều được sản xuất tại Trung Quốc.
Có một điều đặc biệt nguy hiểm là những sản phẩm này có rất nhiều mẫu mã, chủng loại. Nhiều người còn lầm tưởng rằng hút thuốc lá điện tử còn có thể... cai nghiện được thuốc lá! Anh Nguyễn Quang Đăng (Đống Đa, Hà Nội) cho hay: “Tôi hút thuốc lá truyền thống rất lâu rồi. Gần đây thấy nhiều người hút thuốc lá điện tử nên cũng dùng thử, thấy nhiều loại quá nên có phần hoang mang. Bạn tôi có nói hút thuốc lá điện tử có thể cai được nghiện thuốc lá truyền thống nên càng háo hức. Cũng không biết là hút thuốc lá điện tử lại có hại cho sức khỏe vì nghĩ chỉ là những chất tinh dầu”.
Theo báo cáo của Tổ chức Fernion phối hợp với Trường Đại học Y tế công cộng thực hiện cho thấy, có 15.411 tài khoản trên Facebook tham gia quảng cáo thuốc lá điện tử và 1.204 tải khoản quảng cáo thuốc lá nung nóng. Trên mạng xã hội Facebook, có 563 nhóm/hội liên quan tới thuốc lá điện tử và 46 nhóm/hội liên quan tới thuốc lá nung nóng. Các nhóm/hội này là nơi có nhiều thông tin về mua, bán, hướng dẫn sử dụng, hướng dẫn nhả khói nghệ thuật đối với thuốc lá điện tử, với những lời quảng cáo mời chào gia nhập thành viên nhóm với những ưu đãi về giá khi mua sản phẩm thuốc lá điện tử hoặc thuốc lá nung nóng.
Theo GS.TS Nguyễn Anh Trí, nguyên Viện trưởng Viện Huyết học và truyền máu Trung ương, thuốc lá điện tử là thiết bị dùng để hóa hơi dung dịch có chứa nicotine, trong khi đó, thuốc lá làm nóng (thuốc lá nung nóng) là thiết bị điện tử làm nóng nguyên liệu thuốc lá. Cả hai sản phẩm này là sản phẩm thay thế thuốc lá. Thuốc lá điện tử có tác hại với sức khỏe con người, chứa nicotine là chất gây nghiện và gây hại cho sức khỏe với cả người dùng và người xung quanh, đặc biệt là trẻ em và phụ nữ có thai.