Hậu quả khôn lường từ việc sử dụng điện không an toàn
Dù các ngành chức năng đã nhiều lần cảnh báo về những nguy hiểm khi sử dụng điện không đảm bảo các quy tắc an toàn, nhưng một số người vẫn chủ quan dẫn đến những vụ việc thương tâm.
Chỉ trong ngày 4/10, trên địa bàn tỉnh xảy ra 2 vụ việc người dân tử vong do bị điện giật. Khoảng 3 giờ sáng ngày 4/10, người dân thôn 3, xã Nghị Đức, huyện Tánh Linh phát hiện bà T.T.P (SN 1975, người địa phương) tử vong trên bờ ruộng lúa. Ngay sau đó, Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra (PC01), Công an tỉnh đã cử lực lượng phối hợp với các phòng nghiệp vụ, lực lượng pháp y tổ chức khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi. Tại hiện trường, lực lượng chức năng phát hiện một bình ắc quy và hệ thống kích điện và dây điện người dân thường dùng để bẫy chuột. Đến trưa 4/10, trên địa bàn xã Hàm Mỹ, huyện Hàm Thuận Nam lại xảy ra vụ việc việc người đàn ông tử vong do bị điện giật. Vào thời điểm vụ việc xảy ra, người dân phát hiện ông N.V.M (SN 1975, trú tỉnh Long An) tử vong gần trụ điện trong vườn thanh long. Theo người dân địa phương, trong buổi sáng cùng ngày, ông M cùng một người đàn ông khác đang kéo dây điện, chuẩn bị cho việc chong đèn thanh long.
Hiện trường người phụ nữ tử vong ở Tánh Linh
Những sự việc đau lòng trên cho thấy, việc sử dụng điện hiện nay là nhu cầu thiết yếu nhưng vẫn có người chủ quan, không chấp hành các biện pháp an toàn khi sử dụng điện. Thời gian gần đây trên địa bàn tỉnh và cả nước xảy ra một số vụ hỏa hoạn mà nguyên nhân xuất phát từ việc người dân đặt vị trí các thiết bị điện không an toàn gần với khu vực nấu ăn hoặc gần nơi chứa các vật dễ cháy. Trong khu vực nhà ở của người dân, phòng tắm là khu vực có nguy cơ cao xảy ra nguy hiểm khi sử dụng điện. Tuy nhiên, nhiều người có thói quen sấy tóc, sử dụng máy cạo râu ngay trong phòng tắm, dẫn đến việc họ phải lắp ổ cắm điện tại đây, điều này dẫn đến nguy cơ chập điện, rò rỉ điện cao. Ngoài ra, các đồ điện gia dụng có khả năng gây rò rỉ, cháy nổ điện cao là bàn là (bàn ủi), bếp điện, lò nướng điện, ấm điện, nồi cơm điện. Nguyên lý hoạt động chung của nhóm thiết bị này là sử dụng dây đốt (điện trở) để làm nóng trực tiếp hoặc gián tiếp, nên nguy cơ rò rỉ điện rất cao nếu như nhà sản xuất sử dụng nguyên liệu không bảo đảm chất lượng hoặc lắp ráp không đúng kỹ thuật. Các loại bếp điện, lẩu điện, lò nướng, lò vi ba đều được sản xuất bằng kim loại, nếu điện bị rò rỉ sẽ tác động nhanh chóng đến người sử dụng. Trên thị trường hiện nay còn bán khá nhiều loại bình đun nước siêu tốc, chỉ mất khoảng 3 phút nước sẽ sôi. Do loại bình này có công suất lớn đến 2.000 W nên nếu ổ cắm, dây dẫn không bảo đảm chất lượng sẽ gây chập điện, nguy hiểm cho người sử dụng. Nhiều khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, cột điện được tận dụng bằng cây hoặc lợi dụng địa hình, địa vật để câu móc điện; cáp dẫn, dây dẫn điện được sử dụng bằng những vật liệu gia công, rẻ tiền nên rất nguy hiểm, dễ gây chập cháy.
Theo khuyến cáo của ngành chức năng, để phòng tránh những sự cố cháy nhà do chạm chập điện cần phải thực hiện các bước như: Dây dẫn điện trong nhà phải có bọc cách điện chất lượng tốt, cỡ (tiết diện) dây dẫn điện phải được chọn sao cho đủ khả năng tải dòng điện đến các dụng cụ điện mà nó cung cấp, không được dùng dây dẫn điện có tiết diện nhỏ vào các dụng cụ điện có công suất quá lớn để tránh gây hỏa hoạn. Khi thiết kế nhà, chủ nhà nên yêu cầu thiết kế hệ thống nối đất an toàn cho các thiết bị điện, tùy vào diện tích, số lượng các thiết bị mà có cách thiết kế lắp đặt riêng. Ổ cắm trong nhà nên dùng loại 3 lỗ, có nối đất an toàn vào lỗ thứ 3. Bên cạnh đó phải thường xuyên kiểm tra tất cả các phích cắm điện và dây điện trong nhà. Sửa lại những chỗ nối bị hở, không bao giờ để dây điện nằm trên thảm, sàn nhà. Không được đóng đinh vào tường gần ổ điện đi ngầm. Bao bọc các đồ điện gia dụng bằng kim loại cẩn thận bằng chất cách điện. Tránh dùng điện quá tải, không cắm vào ổ điện nhiều hơn số phích cắm mà nó có thể chịu được một cách an toàn...