Hậu quả khôn lường từ việc thanh thiếu niên chế pháo nổ
Cứ mỗi dịp cận tết, số người bị tai nạn do pháo nổ tự chế lại tăng cao. Những vụ nổ không chỉ gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản mà còn để lại di chứng nặng nề về tâm lý và gánh nặng tài chính cho nạn nhân cùng gia đình. Một điều đáng báo động là phần lớn những nạn nhân đều nằm trong lứa tuổi thanh thiếu niên.
Nhiều vụ tai nạn thương tâm
Theo thống kê của các ngành chức năng, từ ngày 15/12 – 27/12/2024, trên toàn quốc đã xảy ra 14 vụ tai nạn về pháo, làm 5 người chết 26 người bị thương. Gần đây nhất là vụ tai nạn liên quan đến tự chế pháo nổ xảy ra tại xã Thạnh Tây, huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh. 6 thanh thiếu niên ở độ tuổi từ 14 - 17 tuổi đã mua các dụng cụ về chế tạo pháo nổ. Trong quá trình đó đã xảy ra nổ làm tường gạch bị sập, mái tôn bị rách nát, nhiều khu vực trong nhà có vết cháy đen. Vụ nổ đã làm 6 người bị bỏng nặng (diện tích bị bỏng từ 40% đến hơn 60%) và bị đa chấn thương phải đưa đi cấp cứu. Sau đó có 1 nạn nhân đã tử vong.
Tại Bình Thuận vào tháng 2/2024 cũng xảy ra một vụ việc thanh niên 18 tuổi ở phường Phú Tài trong lúc tự chế pháo nổ thì xảy ra tai nạn làm bàn tay bị giập nát. Còn trong thời gian cuối năm 2024, lực lượng công an toàn tỉnh đã phát hiện nhiều vụ việc thanh thiếu niên tự chế pháo nổ. Vào lúc 17 giờ 20 phút ngày 17/12, tại khu vực bờ kè sông Cầu Ngựa (khu phố 1, thị trấn Ma Lâm), Công an huyện Hàm Thuận Bắc đã phát hiện T.N.T.V (15 tuổi, trú tại thôn 4, xã Hồng Sơn) đang có hành vi đốt pháo tự chế. Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện thêm 23 viên pháo tự chế được V cất giấu trong áo khoác. Tiếp tục mở rộng điều tra, tổ công tác phối hợp với Công an xã Hàm Chính kiểm tra hành chính tại nhà của V.M.H. (15 tuổi, trú tại thôn Bình An, xã Hàm Chính). Tại đây, lực lượng chức năng phát hiện H. đang tàng trữ trái phép nhiều nguyên liệu và hóa chất dùng để chế tạo pháo nổ.
Tiếp đó, Công an xã Huy Khiêm, huyện Tánh Linh qua công tác nắm bắt địa bàn đã phát hiện 3 em học sinh đã lên mạng xã hội đặt mua thuốc nổ với mục đích là để chế tạo pháo. Lực lượng công an đã thu giữ 350 gam thuốc nổ cùng với 8 viên pháo tự chế.
Nhà trường, gia đình cần quan tâm đến các em
Thực tế trên cho thấy càng đến thời điểm sát tết, việc mua bán, chế tạo, sử dụng trái phép pháo nổ càng diễn biến phức tạp. Đặc biệt, thời gian qua đã ghi nhận nhiều trường hợp học sinh học cách chế tạo pháo từ mạng xã hội, dẫn đến những vụ tai nạn thương tâm. Đáng lo ngại ở chỗ, trên mạng internet xuất hiện rất nhiều clip hướng dẫn cách tự chế pháo, làm vỏ pháo, dây cháy chậm, thậm chí rao bán công khai các nguyên liệu làm pháo và công thức pha chế thuốc nổ. Người mua được quảng cáo chỉ cần đặt hàng và lắp ráp như hướng dẫn là có thể tạo pháo nổ tại nhà một cách dễ dàng. Chỉ cần tìm kiếm từ khóa “pháo tự chế” trên YouTube, ngay lập tức sẽ xuất hiện… vô vàn video. Những video này hướng dẫn tất tần tật, từ A - Z một cách chi tiết, cụ thể, rõ ràng cách làm pháo tự chế. Từ pháo hoa, pháo que bông, pháo trứng cho đến pháo cối, pháo dàn, pháo bi… đều được hướng dẫn tỉ mỉ. Theo đó, người xem không khó để thực hiện với từng loại pháo, từ cách chuẩn bị nguyên liệu, nén pháo, dồn pháo cho đến đốt pháo…
Việc tự chế pháo nổ không chỉ vi phạm pháp luật, làm mất an ninh trật tự mà còn tiềm ẩn nguy cơ cao xảy ra những vụ tai nạn thương tâm. Vì vậy, để chủ động phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi vi phạm về pháo, thuốc nổ, tiền chất thuốc nổ trên địa bàn, nhất là trong học sinh, thanh thiếu niên, ngoài việc tăng cường các biện pháp điều tra, xử lý của lực lượng công an thì các cơ quan, đơn vị, ban, ngành, đoàn thể, cần tăng cường công tác tuyên truyền về hậu quả của việc tự chế pháo nổ. Trong đó, Ban Giám hiệu các trường THPT, GDNN-GDTX, Phòng Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các trường học thuộc phạm vi quản lý hàng tuần thực hiện tuyên truyền, giáo dục cho học sinh nâng cao hiểu biết về tác hại, hậu quả nguy hiểm của việc chế tạo và sử dụng pháo nổ. Bên cạnh đó, Ban giám hiệu các trường tiếp tục tổ chức cho học sinh, phụ huynh học sinh, ký cam kết không mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng pháo trái phép. Đồng thời, xem xét, quy trách nhiệm liên đới đối với giáo viên chủ nhiệm, Ban giám hiệu nhà trường nếu để xảy ra tình trạng tàng trữ, sử dụng trái phép các loại pháo trong học sinh… Cùng với đó, các bậc phụ huynh cần quan tâm đến con em mình, chú ý đến những biểu hiện bất thường của trẻ để kịp thời phát hiện, xử lý, tránh những tình huống đáng tiếc xảy ra.