Hậu quả thiếu điện trầm trọng ở Trung Quốc sẽ tác động đến thế giới
Trung Quốc đang thiếu hụt điện chưa từng có và phần còn lại của thế giới có thể sẽ chịu ảnh hưởng về kinh tế.
Theo tờ The Wall Street Journal (WSJ), chính phủ Trung Quốc bắt đầu điều chỉnh mức tiêu thụ năng lượng của các nhà sản xuất, yêu cầu họ đáp ứng mục tiêu hiệu quả năng lượng cao hơn để tiết kiệm điện sau khi nhận thấy tình trạng khẩn cấp do thiếu hụt điện.
Do đó, một số nhà máy đã phải cắt giảm giờ làm khoảng 1-2 ngày/tuần, số khác phải ngừng sản xuất cả tuần. Những hạn chế này có thể khiến nhiều doanh nghiệp bị giảm năng suất, hoạt động sản xuất sẽ vì thế mà chậm đơn.
Simple Modern, công ty sản xuất bình nước giữ nhiệt và ba lô cho biết, một nhà cung cấp nguyên liệu chính của họ tại khu vực phía Đông Trung Quốc đã cắt giảm gần 1/3 năng suất so với bình thường do phải hạn chế sử dụng năng lượng.
Một nhà máy điện ở Trung Quốc - Ảnh tư liệu - AP
Giám đốc điều hành công ty dự đoán, nhiều sản phẩm có thể sẽ bị tăng giá khoảng 15% trong nửa năm tới.
Nguyên nhân là bởi nhu cầu tiêu dùng tại phương Tây sẽ tiếp tục tăng cao sau một thời gian dài người tiêu dùng hạn chế mua sắm vì đại dịch trong khi nguồn cung nguyên vật liệu sản xuất từ Trung Quốc lại giảm.
Nhiều doanh nghiệp phụ thuộc tới 80% hàng hóa sản xuất tại các nhà máy của Trung Quốc.
Tình trạng thiếu hụt năng lượng điện chưa có tiền lệ tại đất nước tỷ dân xảy ra do nhiều yếu tố.
Trước hết, thời gian qua, nền kinh tế nước này bắt đầu hồi phục, đòi hỏi năng lượng nhiều hơn nhưng ngành sản xuất than lại bị chậm lại vì một số sự cố tại các mỏ khai thác, đồng thời, chính phủ cắt giảm nhập khẩu than từ các nước khác.
Chưa kể, các nhà sản xuất điện than đã cắt giảm sản xuất năng lượng vì Bắc Kinh áp giới hạn với giá bán điện khi giá than tăng cao.
Việc Trung Quốc tuyên bố mục tiêu giảm phát thải vào năm 2030 và chuyển nền kinh tế theo hướng thân thiện môi trường cũng là một trong những nguyên nhân.
Do không thể bù đắp thiếu hụt qua việc sản xuất năng lượng bằng than đá, quốc gia này đã tăng cường mua khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG).
Hồi tháng 9, Trung Quốc tìm cách mua lượng lớn khí đốt LNG trên toàn cầu và là một trong những nguyên nhân khiến Châu Âu thiếu hụt khí đốt, đẩy giá nhiên liệu điện và khí đốt tự nhiên tại khu vực này tăng lên mức kỷ lục