Hậu quả vụ Wagner ở Nga ảnh hưởng đến lợi ích của Hàn Quốc?
Còn quá sớm để đánh giá liệu cuộc binh biến của nhóm Wagner có ảnh hưởng đến 'việc cung cấp vũ khí của Triều Tiên cho Nga' hay không, một nhà ngoại giao Hàn Quốc nói
Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc tin rằng cuộc binh biến của tập đoàn quân sự tư nhân Wagner (Wagner PMC) ở Nga và hậu quả của nó đã ảnh hưởng đến lợi ích của Seoul, Yonhap đưa tin hôm 28/6.
“Chúng tôi không thể nghĩ rằng sự cố Wagner đã hoàn toàn kết thúc. Chúng tôi đang phân tích tác động của sự cố này”, một quan chức cấp cao trong Văn phòng Tổng thống Yoon Suk Yeol cho biết.
“Đó là một sự kiện ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia của chúng tôi”, một quan chức khác nói, cảnh báo rằng không nên coi cuộc binh biến là “một sự kiện nhỏ” bất ngờ xuất hiện từ chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine.
Hôm 27/6, một nhà ngoại giao Hàn Quốc cho biết còn quá sớm để đánh giá liệu cuộc binh biến có ảnh hưởng đến “việc cung cấp vũ khí của Triều Tiên cho Nga” – một giao dịch mà Mỹ cho là đang diễn ra. Nhà ngoại giao này nhắc lại rằng Chính phủ Hàn Quốc đang theo dõi tình hình.
Hồi tháng 12 năm ngoái, ông John Kirby, Điều phối viên Truyền thông Chiến lược tại Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng, tuyên bố rằng Triều Tiên đã vận chuyển vũ khí cho nhóm Wagner.
Cả Moscow và Bình Nhưỡng đều bác bỏ những cáo buộc này. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova bác bỏ tuyên bố của các quan chức Mỹ về các chuyến hàng đạn pháo của Triều Tiên tới Nga, nói rằng những tuyên bố này “sai từ đầu đến cuối”.
Vào tối ngày 23/6, ông Yevgeny Prigozhin, người sáng lập Wagner PMC, thông tin trên kênh Telegram của mình rằng các đơn vị của Wagner đã bị tấn công, cáo buộc giới lãnh đạo hàng đầu của Nga đồng lõa trong tình huống này. Bộ Quốc phòng Nga đã bác cáo buộc trên, gọi thông tin là giả mạo.
Các tay súng của Wagner do ông Prigozhin dẫn dắt đã chiếm trụ sở Quân khu phía Nam ở Rostov-on-Don rồi tiếp tục hướng đến thủ đô Moscow. Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB) đã mở một vụ án hình sự liên quan đến lời kêu gọi nổi dậy vũ trang. Tổng thống Nga Vladimir Putin gọi hành động của Wagner là sự phản bội trong một bài phát biểu trên truyền hình.
Sau đó, theo thỏa thuận với ông Putin, Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko đã có cuộc điện đàm với ông Prigozhin và hai bên đạt được thỏa thuận mà theo đó các chiến binh Wagner rút lui về căn cứ của họ. FSB cho biết, các cáo buộc hình sự đã được bãi bỏ đối với ông Prigozhin và các tay súng Wagner tham gia cuộc nổi loạn.
Ông trùm Wagner được ông Lukashenko xác nhận là hiện đang ở Belarus. Đối với các thành viên khác của Wagner, Tổng thống Putin đã đưa ra lựa chọn cho họ, bao gồm ký hợp đồng với Bộ Quốc phòng Nga hoặc các cơ quan an ninh khác, hoặc trở về nhà, hoặc chuyển đến nước láng giềng Belarus.
Minh Đức (Theo TASS, Yonhap)