Hậu sóng gió về Greenland, Mỹ - Đan Mạch đối mặt trực diện về Bắc Cực
Một năm sau khi Mỹ và Đan Mạch bất đồng về lời đề nghị mua Greenland của Tổng thống Donald Trump, Ngoại trưởng Mike Pompeo sẽ đến thăm đất nước Bắc Âu này vào thứ Tư và các vấn đề Bắc Cực ở top đầu chương trình nghị sự.
Sau điểm dừng ở Anh, ông Pompeo sẽ đến Đan Mạch vào khoảng 10 giờ sáng (0800 GMT) để gặp Thủ tướng Mette Frederiksen.
Sau đó, ông dự kiến sẽ có cuộc hội đàm với người đồng cấp Đan Mạch Jeppe Kofod vào buổi trưa, cùng với các quan chức ngoại giao của Greenland và Quần đảo Faroe – các vùng lãnh thổ tự trị của Đan Mạch.
Theo cách nói của Kofod, Đan Mạch coi Mỹ là "đồng minh gần gũi nhất" và cũng đã đóng góp quân đội cho các nhiệm vụ của NATO ở Afghanistan, Iraq và Libya.
Nhưng các mối quan hệ đã gặp phải một số sóng gió vào tháng 8 năm 2019 khi Trump đưa ra ý tưởng mua Greenland, một lãnh thổ ở Bắc Cực có diện tích hơn hai triệu km2.
Frederiksen gọi đề xuất này là "vô lý" và ông Trump sau đó hủy chuyến thăm dự kiến tới Copenhagen vì lời đáp trả có vẻ "khó chịu" trên.
Mặc dù lời đề nghị trên là chủ đề của một số lời chế giễu nhưng nhiều nhà phân tích nói rằng đó cũng là dấu hiệu cho thấy mối quan tâm chiến lược mới của Mỹ ở khu vực Bắc Cực, điều đã bị giảm bớt phần nào sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc.
Kể từ đó, một vài cuộc gọi điện thoại giữa hai bên đã làm giảm căng thẳng và các quan chức của Greenland nói rằng họ muốn bỏ lại bất đồng phía sau.
"Những gì chúng ta đã nói trong quá khứ và những gì chúng ta làm hôm nay là hai điều khác nhau. Và điều quan trọng là những gì chúng ta làm và những gì chúng ta nói hôm nay", đại diện đối ngoại Greenland Steen Lynge nói với các phóng viên hôm thứ Ba.
Hoa Kỳ đã mở lại một lãnh sự quán ở thủ phủ Nuuk của Greenland vào tháng trước, với sự chấp thuận từ Copenhagen và cung cấp gói viện trợ 12,1 triệu USD vào tháng Tư.
Nhưng có một mâu thuẫn khác: đường ống dẫn khí Nord Stream 2 đang được xây dựng giữa Nga và Đức.
Mỹ phản đối mạnh mẽ việc đường ống này chạy qua vùng biển Đan Mạch, nói rằng dự án có nguy cơ gia tăng sự phụ thuộc của các nước NATO vào khí đốt của Nga.
Đan Mạch là quốc gia cuối cùng phê duyệt đường ống này và bật đèn xanh cho việc triển khai qua nước này vào tháng 10 năm 2019.
Copenhagen phủ nhận mọi áp lực của nước ngoài đối với vấn đề này, nhưng một nguồn tin ngoại giao nói với AFP là họ đã gặp khó khăn lớn trong việc cân bằng lợi ích của hai đồng minh chính là Mỹ và Đức.