Bộ Tư pháp Mỹ đã đạt thỏa thuận với tập đoàn Huawei để thả giám đốc tài chính tập đoàn này, bà Mạnh Vãn Chu. Đổi lại, bà Mạnh phải thừa nhận hành vi sai trái nhằm "lách luật" lệnh cấm vận của Mỹ.
Phó công tố viên liên bang Mỹ David Kessler cho biết, thỏa thuận giữa hai bên sẽ chấm dứt vào tháng 12/2022. Nếu cho tới thời điểm ấy bà Mạnh Vãn Chu không có thêm hành vi phạm pháp, các cáo trạng sẽ được hủy bỏ.
Bà Mạnh Vãn Chu, 49 tuổi, được trả tự do tại phiên tòa ở thành phố Vancouver của Canada ngày 24/9/2021, vài giờ sau khi các công tố viên Mỹ tại New York công bố một thỏa thuận đình chỉ các cáo buộc gian lận đối với bà.
Giám đốc tài chính Huawei sau đó lên máy bay trở về Thâm Quyến, Trung Quốc, kết thúc gần ba năm bị quản thúc tại gia, sau khi bị lực lượng chức năng Canada bắt tại Vancouver theo yêu cầu của giới chức Mỹ ngày 1/12/2018.
Giới chức Canada hy vọng việc bà Mạnh được trả tự do có thể khiến Trung Quốc thả hai công dân nước này là Michael Spavor và Michael Kovrig, bị bắt vì cáo buộc gián điệp vài ngày sau khi giám đốc tài chính Huawei bị giam.
"Tôi biết ơn chân thành đại sứ quán Trung Quốc tại Canada với sự hỗ trợ thường xuyên của họ. Trong ba năm qua, cuộc sống của tôi bị đảo lộn với tư cách một người mẹ, một người vợ và một người điều hành công ty", bà Mạnh Vãn Chu nói với các phóng viên sau phiên điều trần ở Vancouver.
"Tôi tin rằng trong cái rủi luôn có cái may. Đó thực sự là một trải nghiệm vô giá trong cuộc đời tôi. Có câu nói rằng khó khăn càng lớn, mức độ trưởng thành càng cao", giám đốc tài chính Huawei cho biết.
Trung Quốc cáo buộc Mỹ tấn công chính trị vào một trong những tập đoàn công nghệ hàng đầu ở châu Á, cho rằng Canada vâng lệnh Mỹ khi bắt bà Mạnh Vãn Chu, người được mệnh danh là "công chúa Huawei" và có thể trở thành lãnh đạo của hãng trong tương lai.
Sau khi bị bắt năm 2018, bà Mạnh Vãn Chu bị quản thúc tại một biệt thự ở Canada và phải đeo vòng theo dõi ở chân trong lúc chống lại lệnh dẫn độ sang Mỹ.
Bà Mạnh Vãn Chu bị cáo buộc nói dối ngân hàng HSBC và gian lận chuyển tiền, cố gắng che giấu hành vi vi phạm lệnh trừng phạt Iran của Mỹ thông qua Skycom, được cho là chi nhánh của Huawei.
Mỹ cho rằng, Huawei chuyển các khoản thanh toán liên kết với Skycom thông qua ngân hàng của nước này, vi phạm lệnh trừng phạt với Iran. Bà Mạnh Vãn Chu cũng bị nghi là thành viên hội đồng quản trị của Skycom.
"Khi tham gia thỏa thuận hoãn truy tố, bà Mạnh Vãn Chu đã nhận trách nhiệm về vai trò chính của mình trong hành vi thực hiện kế hoạch lừa đảo một tổ chức tài chính toàn cầu", quyền công tố viên Mỹ Nicole Boeckmann cho biết trong thông cáo.
Trợ lý Giám đốc Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) Alan Kohler cho biết việc bà Mạnh Vãn Chu nhận tội là bằng chứng cho thấy "có hình thức lừa dối nhất quán vi phạm luật pháp của Mỹ".
Các cáo buộc và vụ bắt giám đốc tài chính Mạnh Vãn Chu được cho là nằm trong một chiến dịch lớn hơn nhằm vào Huawei, tập đoàn công nghệ bị Mỹ nghi có quan hệ chặt chẽ với chính phủ và quân đội Trung Quốc (Hình ảnh người sáng lập tập đoàn công nghệ Huawei Nhậm Chính Phi và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình).
Các quan chức Mỹ cho biết, điện thoại, bộ định tuyến (router) và thiết bị chuyển mạch của Huawei, vốn được sử dụng rộng rãi trên thế giới, cung cấp cho tình báo Trung Quốc cửa hậu để xâm nhập và các hệ thống liên lạc toàn cầu.
Các cơ quan chính phủ Mỹ bị cấm mua thiết bị của Huawei, Washington cũng gây áp lực buộc các đồng minh phải làm theo. Trung Quốc cho rằng Mỹ tấn công vào Huawei với lý do chính trị nhằm tổn hạn sức mạnh kinh tế của nước này.
Trong chuyến thăm Trung Quốc vào tháng 7-2021 của Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc Tạ Phong từng kiên quyết yêu cầu Mỹ hủy vụ dẫn độ đối với bà Mạnh Vãn Chu.
Việt Hùng