Hậu trường Hoa hậu Quốc gia Việt Nam

Cuộc thi có 3 đại sứ là 3 nàng hậu Việt Nam: Nguyễn Thúc Thùy Tiên (Miss Grand 2022) - Lê Nguyễn Bảo Ngọc (Miss Intercontinental 2022) - Lương Thùy Linh (Top 12 Miss World 2019).

Sân khấu thực diễn của nhiều phần thi có các nàng hậu và các Nam vương Thế giới tham gia chung với những thí sinh...

Thí sinh hoa hậu thi nấu ăn, cắm hoa

Trưởng ban tổ chức Phạm Kim Dung cho biết: "Ý tưởng về cuộc thi Hoa hậu Quốc gia Việt Nam được ấp ủ từ năm 2015. Nhưng do công việc cứ cuốn đi, nên khi mọi thứ sẵn sàng, chúng tôi mới đủ quyết tâm để thực hiện".

Top 3 Hoa hậu Quốc gia Việt Nam 2024.

Top 3 Hoa hậu Quốc gia Việt Nam 2024.

Cuộc thi có sự hiện diện của 60 nhan sắc đến từ 43 tỉnh, thành. Số báo danh chính là mã biển số xe của nơi thí sinh sinh ra và lớn lên.

Cùng với nhiều vòng đấu gay cấn về trình độ ngôn ngữ, sắc vóc, trí tuệ… như các cuộc thi khác, phần thi Người đẹp Tài năng khiến khán giả chú ý với những màn thi nấu ăn, cắm hoa nghệ thuật, tôn vinh văn hóa và truyền thống của người phụ nữ Việt Nam.

Thậm chí, cuộc thi còn có thêm chục giám khảo là các giảng viên, chuyên gia về ẩm thực đến chấm điểm. Hiệu trưởng Trường Trung cấp Du lịch và Khách sạn Saigontourist Võ Thị Mỹ Vân cho biết, tại phần thi này có nhiều loại hoa đặc trưng của Việt Nam như sen, huệ... Từ phần thi này sẽ tìm ra top 6 hạng mục cắm hoa.

Bên cạnh đó, các thí sinh cũng thể hiện tài năng nấu ăn, mang đến những món ăn đặc sản vùng miền với câu chuyện riêng biệt: Từ người đẹp Võ Nguyễn Gia Hân (đến từ Long An) với cháo gỏi gà gắn với tình yêu ẩm thực Việt khi du học; đến món "Cháo thương – quẹt nhớ" của thí sinh Huỳnh Nguyễn Yến Nhi (đến từ Tiền Giang). Đây là câu chuyện xúc động về món cháo trắng của bà ngoại từng nuôi lớn mẹ mình trong những năm tháng khó khăn...

Biểu tượng, khát vọng vươn xa

Một điều bất ngờ nữa cuộc thi đem lại chính là Phượng bào cho tân hoa hậu. Ngay tại đêm chung kết, nàng hậu sẽ được giao phó trọng trách trở thành thí sinh tham dự Hoa hậu Quốc tế 2025 (Miss International) - nối gót nàng hậu Thanh Thủy.

Vương miện, hoàng bào và hoa cho hoa hậu đăng quang.

Vương miện, hoàng bào và hoa cho hoa hậu đăng quang.

Không chỉ riêng Phượng bào, tân hoa hậu nhận vương miện đính 1.079 viên đá quý, 54 viên ngọc trai, 500 triệu đồng tiền mặt và các phần quà, hợp đồng thương mại của nhiều nhà tài trợ.

Phượng bào mang tên Ngũ Phụng Tề Phi đến từ nhà thiết kế Trần Thiện Khánh. Nhà thiết kế lý giải, áo choàng với ý nghĩa kiêu hãnh như bản hùng ca vang vọng của đất trời, là kết tinh từ tài hoa và niềm tự hào dân tộc. Trên nền sắc vàng vương giả, biểu tượng của thịnh vượng và quyền uy, năm cánh phượng hoàng vút bay thể hiện việc tôn vinh vẻ đẹp và trí tuệ người phụ nữ Việt Nam.

"Ngũ Phụng Tề Phi vừa là vật phẩm đăng quang, vừa là biểu tượng của tinh thần Việt Nam bất khuất và khát vọng vươn xa. Tác phẩm này gói trọn linh hồn dân tộc, như lời khẳng định đầy tự hào rằng người phụ nữ Việt không chỉ tỏa sáng trên quê hương mình, mà còn là niềm kiêu hãnh trên đấu trường thế giới", Trần Thiện Khánh tự hào cho biết.

Những lùm xùm đáng tiếc

Cuộc thi Hoa hậu Quốc gia Việt Nam diễn ra trôi chảy, thí sinh Nguyễn Ngọc Kiều Duy đến từ Cần Thơ vượt qua gần 60 thí sinh và đăng quang. Danh hiệu á hậu 1 và á hậu 2 lần lượt thuộc về Phương Thanh (Thái Bình) và Cẩm Ly (Đắk Lắk).

Nhưng lùm xùm xung quanh việc màn trả lời ứng xử khi Kiều Duy - Phương Thanh và Cẩm Ly được gọi tên, thay vì mỗi người có 1 câu hỏi riêng như ở các cuộc thi nhan sắc khác thì 3 người đẹp trả lời câu hỏi chung do NSND Vương Duy Biên hỏi. Thứ tự trả lời lần lượt là Kiều Duy - Phương Thanh - Cẩm Ly.

Trong lúc Kiều Duy đưa ra ý kiến của mình thì Phương Thanh - Cẩm Ly vẫn đứng trên sân khấu, không đeo headphone như cách một số cuộc thi nhan sắc trước đó vẫn làm. Cũng tại top 2, Kiều Duy - Phương Thanh nghe câu hỏi song ngữ từ Hoa hậu Huỳnh Thị Thanh Thủy và Phương Thanh trả lời ứng xử trước rồi đến lượt của Kiều Duy. Như vậy, người trả lời sau luôn có lợi thế thêm 1-2 phút để suy nghĩ cho các câu hỏi chung ở từng phần thi này.

Trước đó, hai tác phẩm dự thi Trang phục Văn hóa Dân tộc "Tết Tày Nêu Hội" (tác giả Huỳnh Thành Phát) và "Tinh Túy Mùa Nước Lên" (tác giả Huỳnh Tấn Phát) vi phạm quy định khi mang tác phẩm đi biểu diễn và sử dụng trong các chương trình khác. Vậy nên, 2 tác phẩm trên bị loại khỏi cuộc thi trước khi được công bố giải thưởng trong đêm chung kết.

Đêm chung kết không hề có phần thi Trang phục Dạ hội gây nuối tiếc cho khán giả. Bởi đây là phần thi không thể thiếu tại các cuộc thi nhan sắc trong nước và quốc tế từ xưa đến nay.

Đạo diễn Hoàng Nhật Nam lý giải, các thí sinh sẽ mặc trang phục được lấy cảm hứng từ văn hóa dân tộc với các phom dáng dạ hội, tạo nên vũ khúc lễ hội. Top 3 Hoa hậu Quốc gia Việt Nam 2024 cũng đăng quang trong tà áo dài.

Khi hỏi về số tiền bỏ ra để sản xuất cuộc thi này, Ceo Kim Dung cho biết: "Về phần sân khấu có ông xã làm giúp. Đây quả thật là điều may mắn đối với tôi. Vì chỉ tính riêng tiền sân khấu thôi cũng vô cùng tốn kém.

Chúng tôi không đong đếm nó bằng tiền. Một cuộc thi diễn ra thành công, nó là sự cộng hưởng của rất nhiều đơn vị, cơ quan đã ủng hộ, lan tỏa những giá trị tốt đẹp đến với cộng đồng. Thế nên để tổng kết lại mọi thứ quy về tiền thì chúng tôi rất khó để định giá".

Từ Nữ Triệu Vương

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/hau-truong-hoa-hau-quoc-gia-viet-nam-192250125155501079.htm