Hậu trường khám phá vụ hai bảo mẫu đánh chết bé trai 17 tháng tuổi
Vụ việc bé trai 17 tháng ở Thường Tín (Hà Nội) nghi bị 2 bảo mẫu bạo hành dẫn đến tử vong khiến dư luận phẫn nộ, xót xa.
Điều ám ảnh nhiều người là vì sao 2 bảo mẫu lại có những hành vi tàn ác đến thế, trong khi thường ngày họ không như vậy?
10 ngày đi học, mất con sau 10 năm chạy chữa
Những ngày này, căn nhà cấp bốn của vợ chồng anh Tuấn và chị Tuyên ở xã Vạn Điểm (Thường Tín, Hà Nội) bao trùm không khí tang thương.
Anh Tuấn thất thần, mắt đỏ hoe, liên tục hướng về di ảnh của con trai, còn vợ anh thì nằm bẹp không gượng dậy nổi.
Nhà anh Tuấn là một trong những hộ khó khăn nhất khu làng nghề mộc này. Ngôi nhà cấp 4 được chính quyền giúp đỡ tu sửa theo diện chính sách hỗ trợ từ 3 năm trước.
Dù cuộc sống thiếu trước hụt sau, nhưng chỉ hơn tháng trước, ngôi nhà vẫn ngập tiếng cười vui, nhất là khi anh Tuấn đi làm về, được bé Đ. (SN 2021) sà vào lòng, quấn quýt.
Vợ chồng anh hiếm muộn, 6 năm sau ngày cưới mới có cậu con trai đầu lòng (hiện đang học lớp 9) và thêm 10 năm nữa, phải chạy chữa nhiều nơi, anh chị mới có được cháu Đ. Vì vậy, dù anh chỉ làm thợ xây, cháu Đ. vẫn được mẹ ở nhà chăm sóc cho đến 17 tháng.
Thấy con đã cứng cáp, đi vững, chị Tuyên bàn với chồng đem con đi gửi trẻ để đỡ đần gánh nặng mưu sinh cho chồng. Điểm giữ trẻ của Nguyễn Thị An (30 tuổi) và Nguyễn Thị Lành (31 tuổi, cùng trú tại thị trấn Phú Xuyên, huyện Phú Xuyên, Hà Nội) được chị Tuyên tin tưởng lựa chọn vì cả 2 người này đều cùng quê với chị, đã sẵn quen biết nhau.
Đến chiều 23/2, khi gia đình đón Đ. về, được cô giáo thông báo cháu giẫm vào rổ bóng nên bị ngã, khi về nhà cháu vẫn chơi ngoan và ăn tốt nên gia đình nghĩ con không sao. Hôm sau, mặc dù Đ. xuất hiện tình trạng bị nôn nhưng chị Tuyên vẫn không nghi ngờ gì, tiếp tục cho con đến lớp.
Đến ngày 26/2, khi đang làm ruộng, chị Tuyên nhận được điện thoại từ nơi trông giữ trẻ về việc con trai bị ngất nên vội vàng đến chỗ học.
“Khi tôi đến, cháu ngất nằm giữa nhà, người và môi trắng nhợt. Tôi bối rối, chỉ biết nhanh chóng đưa con đi cấp cứu”, chị Tuyên cho biết.
Theo điều dưỡng tại Trạm Y tế xã Vạn Điểm, cháu Đ. đến Trạm trong tình trạng tay co quắp, trên trán có vết sưng thâm và mép má có vết xước, chỗ mép có chảy máu.
Cháu bé được cho thở oxy và chuyển lên Bệnh viện Nhi Trung ương, nhưng đến chiều 2/3, cháu đã tử vong. Tới tận lúc này, gia đình cũng không nghi ngờ gì về 2 cô giáo.
“Khi cô bảo cháu ngã, gia đình tôi tin vậy và cũng không thắc mắc gì, vì hôm đó về nhà cháu vẫn chạy ra ôm bố và ăn uống bình thường. Còn khi cháu bị nôn, chúng tôi chỉ nghĩ cháu mệt, bệnh. Khi nắm được lời khai của 2 cô giáo, gia đình tôi rất sốc”, anh Tuấn nghẹn lời.
Bất ngờ sự tàn ác của hai bảo mẫu
Người dân thôn Vạn Điểm đều bất ngờ, bàng hoàng trước sự việc bé trai tử vong. Bởi, theo nhìn nhận của họ, 2 cô giữ trẻ An và Lành có thái độ khá thân thiện, hay chuyện trò với những người xung quanh.
Họ chưa từng nhìn thấy 2 cô giáo này đánh đập trẻ.
An và Lành thuê nhà dân ở thôn Vạn Điểm để làm địa điểm trông giữ trẻ đã vài năm nay. Thường có khoảng 5 - 10 cháu gửi tại đây với mức phí 1,3 - 1,5 triệu đồng/tháng.
Ghi nhận của PV, điểm trông trẻ này rộng khoảng 80m2, không có biển, bảng, trang thiết bị dạy học và đồ chơi nghèo nàn, ngôi nhà đã xuống cấp, nhếch nhác...
Ông Nguyễn Văn Hà, Chủ tịch UBND xã Vạn Điểm cho biết, đây là điểm trông giữ trẻ trái phép, chính quyền từng lập biên bản và đình chỉ hoạt động nhưng An và Lành vẫn tiếp tục nhận học sinh.
Tìm hiểu ở tiểu khu Phú Thịnh, thị trấn Phú Minh, huyện Phú Xuyên (Hà Nội) - nơi sinh sống của An và Lành, được biết, cả 2 đều đã có chồng con. Lành có hai con nhỏ (SN 2019 và SN 2020).
Còn An đã tốt nghiệp trung cấp mầm non, có chồng và hai con, cháu lớn 11 tuổi, cháu nhỏ 6 tuổi.
Theo chia sẻ của những người hàng xóm thì từ trước đến nay, cuộc sống của gia đình An và Lành không xảy ra mâu thuẫn, mọi người trong nhà sống hòa thuận.
Cả 2 bị can đều không có điều tiếng gì ở địa phương và không có biểu hiện gì lạ. Hàng ngày, họ vẫn đi làm rồi tối về nấu cơm, trông con, hòa thuận với hàng xóm láng giềng.
Những người hàng xóm cũng không thể lý giải được vì sao, An và Lành có hành vi ác độc đến thế.
Xác nhận thông tin trên, ông Trần Quang Trung, Chủ tịch UBND thị trấn Phú Minh cho biết: “An và Lành về làm dâu của 2 gia đình tại địa phương nhiều năm nay nhưng chưa có điều tiếng gì. Gia đình nhà chồng của 2 bảo mẫu này có bố, mẹ đều làm cán bộ, chấp hành tốt những chính sách của địa phương”.
Lật mặt “ác mẫu” từ cuộc điện thoại vô tình
Từ những người quen biết, phụ huynh học sinh đến chính bản thân bố mẹ bé Đ. cũng không bao giờ nghĩ, cái chết của bé là do hai cô giáo gây ra. Vụ việc được phát hiện bởi 1 cuộc điện thoại tình cờ.
Hôm đó, Đại tá Nguyễn Tiến Tần, Trưởng Công an huyện Thường Tín gọi điện cho một người quen là Công an xã Vạn Điểm đã nghỉ hưu, thì tình cờ nghe thấy thông tin về việc cháu bé đi lớp học mẫu giáo bị ngã, chấn thương sọ não, bệnh viện trả về.
Linh cảm về một sự việc bất thường, ông đã chỉ đạo Đội Cảnh sát hình sự Công an huyện phối hợp với Công an xã để xác minh.
“Trong quá trình làm việc, các trinh sát không nhận được sự hợp tác từ gia đình. Gia đình tin tưởng 2 cô giáo nên khi Đ. tử vong, chỉ tập trung lo hậu sự. Tuy nhiên, tôi cũng đã cử một mũi công tác đến bệnh viện để trao đổi, nắm thông tin qua các bác sĩ, nhân viên y tế”, Đại tá Tần cho hay.
Sau khi có thông tin ban đầu, nhận định đây là vụ trọng án nên Đại tá Tần đã báo cáo cấp trên, đồng thời chỉ đạo tổ công tác triệu tập hai cô giáo nhận trông giữ cháu Đ.
Tại trụ sở công an, ban đầu 2 cô giáo khai nhận bé trai tự ngã, sau đó tiếp tục quanh co. 24 giờ sau, An và Lành mới khai nhận hành vi đánh đập, bạo hành dã man cháu Đ.
Lời khai của 2 bảo mẫu khiến các điều tra viên cũng giật mình bởi sự tàn ác với một đứa trẻ mới 17 tháng tuổi. Theo đó, chỉ vì Đ. khóc, chạy ra ngoài khi nhóm trẻ đi ngủ, Lành bế Đ. lên rồi ném xuống nền nhà, sau đó tát bé.
Còn An dùng chân đạp vào bụng, ngực, đá và dẫm vào đầu nạn nhân. Vào sáng 26/2, khi bé Đ. khóc, An dùng chân đạp mạnh vào bụng khiến bé bất tỉnh. Kết quả khám nghiệm xác định cháu Đ. tử vong vì chấn thương sọ não, chảy máu não, phù não.
Theo luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng văn phòng Luật sư Chính Pháp, Ủy viên Ban chấp hành Hội Bảo vệ quyền trẻ em), với kết quả điều tra ban đầu, 2 bảo mẫu sẽ bị xử lý về tội giết người với nhiều tình tiết tăng nặng như giết người dưới 16 tuổi, hành vi có tính chất côn đồ… nên mức hình phạt sẽ rất nghiêm khắc, mức án cao nhất là tử hình.
Đây không phải là lần đầu xảy ra vụ việc bạo hành trẻ em gây hậu quả nghiêm trọng tại các điểm trông giữ trẻ trái phép.
Ngày 14/1/2023, bảo mẫu Võ Thị Mỹ Linh (30 tuổi) tại TP.HCM bạo hành bé 6 tháng tuổi dập não dẫn đến thương tích 99%. Hay trong năm 2022, tại Đà Nẵng, Lâm Đồng, Hà Nội, TP.HCM cũng liên tiếp xảy ra nhiều vụ việc các giáo viên ở điểm trông giữ trẻ tự phát có hành vi bạo hành trẻ.
Theo luật sư Đặng Văn Cường, qua điều tra, nghiên cứu, thấy phần lớn các vụ việc giáo viên xâm phạm đến sức khỏe, tính mạng của trẻ em đều là những người không được đào tạo bài bản hoặc vụ việc xảy ra ở các cơ sở giáo dục tư thục, thiếu sự quản lý của Nhà nước.
“Ngoài việc xử lý nghiêm khắc với các đối tượng bạo hành trẻ, cơ quan chức năng cần tăng cường công tác quản lý, giám sát hoạt động giáo dục để kịp thời phát hiện ra các cơ sở giáo dục chui để tránh những vụ việc tương tự có thể xảy ra”, luật sư Cường đề xuất.