'Hậu trường' ngoại giao vaccine: Thành công nhờ vận động toàn diện
Theo Đại sứ Việt Nam tại Australia Nguyễn Tất Thành, công tác ngoại giao vaccine của Việt Nam bước đầu thành công là nhờ sự vận động toàn diện, nhịp nhàng, tìm đúng người và chọn đúng thời điểm.
Vừa qua, 300.000 liều vaccine AstraZeneca cùng nhiều trang thiết bị y tế của chính phủ Australia, nằm trong cam kết 1,5 triệu liều hỗ trợ Việt Nam trong năm nay, đã được bàn giao cho Bộ Y tế. Tại buổi lễ, Đại sứ Australia tại Việt Nam Robyn Mudie thông báo sẽ tăng cường hỗ trợ cho Việt Nam thêm 3,7 triệu liều vaccine Covid-19, nâng số lượng vaccine Australia đóng góp cho Việt Nam lên khoảng 5,2 triệu liều.
Đại sứ Việt Nam tại Australia Nguyễn Tất Thành chia sẻ những câu chuyện “hậu trường” trong quá trình Đại sứ quán triển khai ngoại giao vaccine.
Thưa Đại sứ, con số 5,2 triệu liều vaccine Covid-19 mà Australia cam kết viện trợ cho Việt Nam nói lên điều gì về quan hệ hai nước?
Quan hệ Việt Nam - Australia phát triển tích cực liên tục trong gần 50 năm qua. Từ khi Việt Nam đổi mới, hội nhập, quan hệ hai nước ngày càng toàn diện, trong đó lĩnh vực y tế luôn được ưu tiên. Việc Australia hỗ trợ vaccine cho Việt Nam là minh chứng mới nhất cho mối quan hệ ngày càng gần gũi giữa hai nước.
Trong chuyến thăm Việt Nam tháng 8/2019, Thủ tướng Australia Scott Morrison đã dùng từ “mateship” (anh em, chiến hữu) để miêu tả quan hệ song phương, danh từ chỉ dành cho những nước có mối quan hệ đặc biệt thân thiết.
Năm 2020, ta đã hỗ trợ một số trang, thiết bị y tế cho Australia. Dịp Tết Nguyên đán và Trung thu vừa qua, lần đầu tiên Thủ tướng Morrison gửi lời chúc đến nhân dân ta bằng tiếng Việt.
Đặc biệt, trong thư chúc mừng Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc ngày 12/4, Toàn quyền David Hurley khẳng định, Australia cam kết hỗ trợ Việt Nam “tiếp cận vaccine an toàn, hiệu quả”. Các vị lãnh đạo khác của Australia khi gặp tôi cũng đều bày tỏ tình cảm gắn bó với đất nước và nhân dân Việt Nam. Trên cơ sở hiểu biết, tôn trọng và tin cậy lẫn nhau, quan hệ Đối tác chiến lược giữa hai nước sẽ tiếp tục mở rộng và sâu sắc hơn trong những năm tới.
Vận động được số lượng vaccine lớn trong bối cảnh vaccine là mặt hàng khan hiếm, Đại sứ quán Việt Nam tại Australia có bí quyết gì?
Công tác ngoại giao Covid-19 của Đại sứ quán Việt Nam tại Australia được triển khai từ năm 2020. Đầu quý II năm nay, theo chỉ đạo của Bộ Ngoại giao, công tác này chuyển trọng tâm sang ngoại giao vaccine, phù hợp với chiến lược vaccine của Chính phủ.
Quán triệt đường lối đối ngoại Đại hội Đảng lần thứ XIII, ngoại giao vaccine đang phát huy vai trò tiên phong của đối ngoại trong việc tạo lập và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; đặc biệt là huy động các nguồn lực bên ngoài để phòng chống dịch bệnh, phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao vị thế và uy tín đất nước.
Việc hỗ trợ nhân đạo, trong đó có hỗ trợ vaccine cho các nước đang phát triển là chính sách đối ngoại nhất quán của Australia, trong đó ưu tiên các quốc đảo Thái Bình Dương và các nước Đông Nam Á, láng giềng của Australia.
Ngay từ năm 2020, Australia đã đầu tư trên 8 tỷ AUD để bảo đảm nguồn cung 250 triệu liều vaccine trong vòng ba năm cho người dân trong nước cũng như hỗ trợ quốc tế. Australia cũng tham gia Đối tác vaccine nhóm Bộ tứ (Quad) với cam kết 100 triệu AUD.
Việc hỗ trợ vaccine của Australia cho các nước được quyết định trên cơ sở tổng hợp nhiều yếu tố, như tính cấp thiết về mặt y tế, sự sẵn sàng tiếp nhận và khả năng triển khai tiêm chủng hiệu quả, mức độ ưu tiên trong chính sách đối ngoại, tầm vóc quan hệ kinh tế và giao lưu nhân dân, sự ủng hộ của người dân trong nước,…
Là đất nước nằm giữa Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, Australia gần gũi với Đông Nam Á không chỉ về địa lý mà cả về văn hóa, lịch sử... Từ năm 2020, Australia đã cam kết hỗ trợ vaccine cho ASEAN. Riêng với Việt Nam, tháng 4/2021, bạn cam kết hỗ trợ vaccine trị giá 40 triệu AUD, tuy nhiên thời gian chuyển giao là giữa năm 2022.
Khi diễn biến dịch bệnh tại Việt Nam trở nên phức tạp, Australia có quyết định rất nhanh. Chỉ ba ngày sau khi điện đàm với Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, ngày 28/5 Thủ tướng Scott Morrison có công thư khẳng định cam kết của Australia hỗ trợ vaccine cho Việt Nam vào cuối năm nay, đầu năm sau.
Thời điểm này, tỷ lệ tiêm chủng của Australia thấp nhất trong Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD). Hơn nữa, Australia cũng chưa có đủ vaccine nên chưa thể cam kết chuyển giao sớm hơn. Chạy đua với thời gian, chúng tôi đẩy mạnh vận động trong tháng Sáu, gặp gỡ tất cả đối tác quan trọng và viết thư gửi các bộ trưởng, nghị sĩ và thủ hiến. Chúng tôi cũng vận động doanh nghiệp Australia và Việt kiều tác động qua kênh riêng.
Tất cả các đối tác này đều dốc lòng hỗ trợ. Các Thủ hiến trả lời cặn kẽ, Bộ trưởng Ngoại giao, Bộ trưởng Y tế phía bạn có thư phúc đáp, lần đầu tiên Phòng Thương mại Australia (Auscham) có thư chung gửi Thủ tướng, Hội Trí thức Việt kiều có thư gửi Ngoại trưởng, đề nghị ưu tiên hỗ trợ vaccine cho Việt Nam.
Ngay khi có điều kiện, Australia nhớ tới đề nghị cụ thể của lãnh đạo ta. Sau trao đổi trực tuyến với Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng (ngày 30/7), bạn thông báo chuyển vaccine đợt đầu giúp ta (15/8). Sau điện đàm với Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn (27/8), Ngoại trưởng Marise Payne thông báo Australia sẽ hỗ trợ thêm cho Việt Nam qua Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc-UNICEF (4/9).
Nhờ sự phối hợp chặt chẽ giữa trong và ngoài nước, Việt Nam là nước ASEAN đầu tiên nhận được vaccine từ Australia. Đến nay, bạn cam kết hỗ trợ 60 triệu AUD cho ta, ngoài vaccine còn có trang, thiết bị y tế. Trị giá là một chuyện, nhưng quan trọng không kém là thời điểm. Toàn bộ 5,2 triệu liều vaccine dự kiến được chuyển cho ta trong năm nay.
Công tác ngoại giao vaccine thành công bước đầu nhờ ta đã vận động toàn diện, trong đó yếu tố quyết định là có sự vận động ở cấp cao nhất. Lãnh đạo Chính phủ, Quốc hội, Bộ Ngoại giao, Bộ Y tế đều vào cuộc và vào cuộc nhịp nhàng!
“Với tư cách là một người bạn và đối tác thân thiết, Australia cam kết hỗ trợ Việt Nam trong cuộc chiến chống Covid-19.” (Đại sứ Australia tại Việt Nam Robyn Mudie)
Đại sứ có thể chia sẻ một vài kỷ niệm đáng nhớ trong quá trình triển khai ngoại giao vaccine?
Chủ tịch Hạ viện Tony Smith từng thăm chính thức Việt Nam tháng 7/2018 và từ đó có tình cảm đặc biệt với đất nước, con người và nhất là lãnh đạo ta.
Ngày 10/5, khi tới chào xã giao ông Tony Smith, tôi mời ông tới nhà dự cơm thân, ông nhận lời và tự tay viết vào danh thiếp số điện thoại di động cá nhân cho tôi. Ngày 7/6, khi trao đổi trực tuyến với Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, ông Tony Smith khẳng định sẽ tác động chính phủ Australia sớm hỗ trợ vaccine cho Việt Nam. Ông đã giữ đúng cam kết.
Một kỷ niệm nữa mà tôi không thể quên là vận động “chớp nhoáng” 30.000 liều AstraZeneca của Papua New Guinea. Vào một ngày Chủ nhật cuối tháng Tám, tôi được biết Papua New Guinea dư một số liều vaccine không kịp tiêm hết cho người dân.
Cao ủy Papua New Guinea John Kali nhắn tôi: “Tuần tới chuyển công hàm để tôi báo cáo thủ đô”. Chỉ một giờ sau công hàm đã có trên bàn làm việc, ông nhắn lại: “Người anh em, việc này liên quan đến sinh mạng con người, tôi sẽ xử lý ngay!”.
Nhờ có sự thúc đẩy tích cực và hiệu quả của Cao ủy John Kali, người từng làm Bí thư Thường trực Bộ Ngoại giao Papua New Guinea, lô 30.000 liều vaccine AstraZeneca từ Port Moresby đã về tới TP. Hồ Chí Minh ngày 10/9.
Sau đó, một số liều vaccine tương tự từ các quốc đảo Thái Bình Dương khác cũng được điều chuyển sang Việt Nam. Số lượng nhỏ nhưng đầy ý nghĩa.
Phương hướng triển khai ngoại giao vaccine của Đại sứ quán trong thời gian tới là gì, thưa Đại sứ?
Kết quả đạt được tới nay mới là bước đầu. Dịch bệnh Covid-19 sẽ còn kéo dài, có thể nhiều năm tới. Trong bối cảnh đó, công tác ngoại giao vaccine cần được tiếp tục đẩy mạnh.
Thứ nhất, thời gian tới, Tổ Công tác của Chính phủ về ngoại giao vaccine sẽ chủ động, quyết liệt hơn, vì vậy các Cơ quan đại diện cần nỗ lực hơn nữa để góp phần vào nỗ lực chung nhằm bảo đảm nguồn cung vaccine bền vững. Ngoài song phương, chúng ta cần tiếp tục vận động Australia hỗ trợ Việt Nam qua kênh đa phương và chuyển giao vaccine sớm nhất.
Bên cạnh đó, hiện nay Australia đang nghiên cứu một số loại vaccine và thuốc điều trị, do đó một trong những nhiệm vụ nữa của chúng tôi là chắp nối, thúc đẩy hợp tác nghiên cứu và phát triển trong lĩnh vực này.
Thứ hai, hiện có gần 5.000 sinh viên Việt Nam đã được cấp visa để học tập tại Australia nhưng chưa được đến hoặc trở lại trường. Australia có kế hoạch nhận thí điểm sinh viên tới New South Wales và Victoria, nhưng lại chưa công nhận một số loại vaccine mà Việt Nam sử dụng rộng rãi.
Do đó, Đại sứ quán sẽ phối hợp với nhà để triển khai hộ chiếu vaccine, đồng thời đề nghị bạn chấp nhận tất cả các loại vaccine đã được Tổ chức Y thế Thế giới (WHO) công nhận để bảo đảm quyền lợi của sinh viên cũng như công dân ta.